Hành vi sử dụng bom xăng để giải quyết mâu thuẫn: đánh giá thực trạng và giải pháp

0
4864

Việc sử dụng “bom xăng” để giải quyết mâu thuẫn, trả thù là thủ đoạn gây án manh động và táo tợn của tội phạm, gây hậu quả nghiêm trọng về người và tài sản. Điều đáng nói là “bom xăng” dễ chế tạo và sử dụng, chi phí thấp song lại có khả năng sát thương cao, đủ sức để tấn công nhiều người cùng lúc. Ở dạng đơn giản, “bom xăng” chỉ là một chai thủy tinh chứa đầy xăng, dầu hỏa hay chất lỏng gây cháy nổ cùng với một tim ngòi dầu (một miếng giẻ hoặc bông gòn làm ngòi buộc vào nút chai để mồi lửa). Khi sử dụng, đối tượng chỉ cần đốt cháy tim dầu rồi quăng chai cháy vào mục tiêu. Chai cháy bị vỡ sẽ làm phần chất lỏng văng ra ngoài bao trùm một khoảng không rộng lớn, nhanh chóng bắt lửa gây hỏa hoạn. Ngoài ra bọn tội phạm còn dùng chất methanol, nhựa thông, axít để chế “bom xăng”.

Sử dụng bom xăng gây sát thương là hành vi nguy hiểm cần được xử lý thật nghiêm khắc mang tính răn đe. Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã đưa ra những đánh giá thực trạng hành vi trên cùng những giải pháp dưới góc độ pháp lý để ngăn ngừa việc chế tạo và sử dụng bom xăng như hiện nay.

1. Ở góc độ pháp luật, ông đánh giá như thế nào về hành vi sử dụng bom xăng để giải quyết mâu thuẫn của một số đối tượng?

Trả lời: 

Đây là hành vi vô cùng nguy hiểm đối với toàn xã hội, thể hiện sự manh động, liều lĩnh, thiếu hiểu biết của những kẻ thực hiện hành vi. Dưới góc độ pháp luật, hành vi này vi phạm hai điều cấm của luật: một là chế tạo, sử dụng vật liệu nổ trái phép; hai là đe dọa, gây hậu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe, tính mạng và tài sản của người khác.

2. Hành vi này sẽ bị xử lý như thế nào theo quy định của pháp luật? Xin ông đưa ra một số giải pháp để ngăn ngừa thực trạng trên.

Trả lời:

Với những hậu quả nghiêm trọng mà hành vi này gây ra thì người thực hiện hành vi có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt cao nhất là phạt tù 20 năm hoặc chung thân; Tội hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản (Điều 178 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt cao nhất là 20 năm tù hay thậm chí là Tội giết người (Điều 123 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt cao nhất là tử hình, Tội chế tạo, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt vật liệu nổ (Điều 305 Bộ luật Hình sự 2015 được sửa đổi, bổ sung năm 2017) với mức phạt cao nhất là phạt tù 20 năm hoặc chung thân, … Tùy thuộc vào các yếu tố cấu thành tội phạm mà cơ quan tố tụng sẽ lựa chọn tội danh phù hợp.

Để ngăn ngừa thực trạng trên thiết nghĩ cần chú trọng vào các biện pháp như: các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần tăng cường công tác kiểm tra, tuần tra để đảm bảo an ninh trật tự ở địa phương; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về phương thức, thủ đoạn cũng như chế tài đối với người vi phạm pháp luật; Nâng cao hiệu quả của công tác quản lý cư trú để phát hiện kịp thời các đối tượng từ nơi khác đến mà lôi kéo, tham gia việc chế tạo vũ khí, đánh nhau trên địa bàn; hoặc khi phát hiện ra đối tượng vi phạm thì cần xử lý nghiêm tạo sức răn đe cho các đối tượng khác.

Nguồn ảnh: Báo An ninh Thủ đô