Những lưu ý khi tiến hành thuê bảo mẫu

0
232

Hiện nay, Bảo mẫu tại nhà đã được nhiều gia đình tín nhiệm và sử dụng rộng rãi. Xoay quanh nhiều vụ việc thương tâm vừa qua khiến người dân lo lắng. Mới đây, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW trả lời kênh Radio Công an nhân dân nhé

Câu hỏi 1: Nếu thuê qua trung tâm cung cấp dịch vụ bảo mẫu nhưng vẫn xảy ra trường hợp bảo mẫu gây nguy hại đến sức khoẻ, tâm lý, thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng của trẻ thì những trung tâm đó phải chịu trách nhiệm như thế nào? Và chế tài xử phạt các bảo mẫu đấy ra sao ạ?

Trả lời:

Theo quy định tại khoản 1 Điều 51 Luật Trẻ em năm 2016 thì trung tâm cung cấp dịch vụ bảo mẫu có trách nhiệm quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em khỏi bạo hành hoặc bất kỳ hành vi ngược đãi nào từ phía người giúp việc hoặc bảo mẫu. Theo đó, Trung tâm cung cấp dịch vụ bảo mẫu phải tuân thủ các nguyên tắc sau đây:

– Đảm bảo an toàn, sức khỏe và phát triển toàn diện cho trẻ em.

– Không chấp nhận, không phổ biến, và không che giấu hành vi bạo hành, ngược đãi trẻ em.

– Thực hiện các biện pháp phòng ngừa và xử lý kịp thời khi có thông tin hoặc nghi ngờ về việc trẻ em bị bạo hành hoặc ngược đãi.

– Cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục: Đây là những đơn vị có trách nhiệm quan trọng trong việc bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại. Các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục phải thông tin và thông báo về mọi trường hợp trẻ em bị xâm hại hoặc có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi đến cơ quan có thẩm quyền. Điều này đảm bảo rằng hành vi xâm hại trẻ em được phát hiện, giải quyết và xử lý một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Trách nhiệm thông tin, thông báo và tố giác của các cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân nhằm đảm bảo rằng trẻ em được bảo vệ, quyền lợi của họ được thực hiện và các hành vi xâm hại được đối phó một cách nghiêm túc. Qua việc tố giác và thông báo, các trường hợp xâm hại trẻ em có thể được xử lý, trợ giúp và hỗ trợ tới một môi trường an toàn và phát triển cho trẻ em.

Bên cạnh đó, khoản 7 Điều 31 Nghị định 23/2021/NĐ-CP quy định chi tiết khoản 3 Điều 37 và Điều 39 của Luật việc làm về trung tâm dịch vụ việc làm, doanh nghiệp hoạt động dịch vụ việc làm thì trung tâm cung cấp dịch vụ bảo mẫu còn có trách nhiệm:

– Báo cáo kịp thời: báo cáo ngay lập tức khi xảy ra sự cố liên quan đến hoạt động dịch vụ việc làm. Điều này đảm bảo rằng thông tin về sự cố được chuyển đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền một cách nhanh chóng và chính xác.

– Báo cáo sự cố liên quan đến hoạt động dịch vụ việc làm: báo cáo áp dụng trong trường hợp xảy ra sự cố liên quan đến hoạt động dịch vụ việc làm. Điều này có thể bao gồm những sự cố như vi phạm quy định pháp luật, vấn đề về an toàn, lợi ích và quyền lợi của người lao động bị vi phạm, hay bất kỳ vấn đề nào liên quan đến hoạt động cung cấp dịch vụ việc làm.

– Báo cáo đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương hoặc theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước: Báo cáo cần được gửi đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như cơ quan quản lý lao động, cơ quan quản lý về việc làm, cơ quan quản lý về quyền lao động… Điều này nhằm đảm bảo rằng các cơ quan có trách nhiệm và quyền hạn sẽ nhận được thông tin liên quan và có thể tiến hành xử lý, giám sát hoặc cung cấp hỗ trợ tương ứng.

Ngoài ra, trung tâm cung cấp dịch vụ bảo mẫu phải đảm bảo tính chất đáng tin cậy và đủ năng lực của bảo mẫu để bảo đảm an toàn và tránh bạo hành trẻ em. Đồng thời, trung tâm cung cấp dịch vụ bảo mẫu phải theo dõi và giám sát hoạt động của bảo mẫu để đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật.

Theo đó, nếu Trung tâm cung cấp dịch vụ bảo mẫu phát hiện hoặc có thông tin về việc bạo hành trẻ em, phải thực hiện các biện pháp cấp thiết để bảo vệ trẻ em, bao gồm:

– Ngừng ngay việc sử dụng bảo mẫu có liên quan.

– Thông báo cho cơ quan chức năng, như cơ quan quản lý lao động, cơ quan chăm sóc trẻ em, hoặc cơ quan công an, để tiến hành điều tra và xử lý hợp pháp.

Như vậy, Trung tâm cung cấp dịch vụ bảo mẫu có trách nhiệm đảm bảo an toàn và phát triển cho trẻ em, và phải thực hiện các biện pháp để ngăn chặn và xử lý tình trạng bạo hành trẻ em khi có thông tin hoặc nghi ngờ về vấn đề này. Trường hợp xác định do lỗi của Trung tâm thì Trung tâm phải chịu trách nhiệm và bồi thường thiệt hại tùy theo mức độ của hành vi của bảo mẫu.

Còn đối với bảo mẫu, họ có thể bị xử phạt hành chính theo Điều 22 Nghị định 130/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo trợ, trợ giúp xã hội và trẻ em với mức phạt tiền từ 10 – 20 triệu đồng khi có một trong các hành vi như: bắt trẻ nhịn ăn, nhịn uống, không cho hoặc hạn chế vệ sinh cá nhân; gây tổn hại về tinh thần, xúc phạm nhân phẩm, danh dự, lăng mạ, chửi mắng, đe dọa; cô lập, xua đuổi hoặc dùng các biện pháp trừng phạt để dạy trẻ gây tổn hại về thể chất, tinh thần, …

Trường hợp hành vi của bảo mẫu rất nghiêm trọng, đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì bảo mẫu đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu hành vi của họ thuộc các tội xâm hại tình dục, bạo lực, bóc lột trẻ em theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017).

Ví dụ: Nếu những hành vi đó khiến đứa trẻ tổn thương nghiêm trọng hay thậm chí dẫn đến tử vong thì bảo mẫu đó có thể xử lý về tội Giết người theo quy định tại khoản 1, Điều 123 Bộ luật Hình sự với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự nếu có như hành vi có tính chất côn đồ, phạm tội với người dưới 16 tuổi.

Hay trong trường hợp hành vi không thể dẫn đến chết người thì hành vi này cũng được xác định là đối xử tàn ác với trẻ em nên vẫn có thể xem xét xử lý về tội Hành hạ người khác theo quy định tại Điều 140 Bộ luật Hình sự với mức hình phạt cao nhất là 03 năm tù.

Những lưu ý khi tiến hành thuê bảo mẫu
Những lưu ý khi tiến hành thuê bảo mẫu

Câu hỏi 2: Mặc dù có những chế tài xử phạt nhất định cho hành vi trên, tuy nhiên, trên thực tế những vụ việc vẫn ngày càng gia tăng. Vậy ông có thể nêu ra một số giải pháp để có thể hạn chế được tình trạng này không ạ?

Trả lời:

Khi xã hội càng phát triển, cuộc sống của con người càng bận rộn do vậy nhu cầu thuê bảo mẫu của các bậc phụ huynh ngày càng tăng. Tuy nhiên, để tìm được một người bảo mẫu phù hợp là công việc không hề dễ dàng.

Để hạn chế được tình trạng này thì đầu tiên phải xuất phát từ trách nhiệm của bậc phụ huynh. Nếu cha mẹ muốn thuê bảo mẫu ở trung tâm thì điều cần chú ý đến là yếu tố uy tín và chất lượng của trung tâm bởi khi bảo mẫu được trung tâm uy tín giới thiệu là người bảo mẫu đó đã được tuyển chọn kỹ lưỡng. Cha mẹ cũng nên lưu ý một số điều như là: cần xem xét giấy tờ tùy thân của bảo mẫu, phải rõ ràng, trong sạch. Chú ý đến sức khỏe của bảo mẫu để đảm bảo rằng bảo mẫu không mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh về tâm lý,… Cân nhắc về độ tuổi của bảo mẫu để lựa chọn người phù hợp, vừa có kinh nghiệm, vừa giao tiếp tốt với trẻ. Bên cạnh đó trong quá trình thuê bảo mẫu, gia đình tuyệt đối tránh phó mặc hết cho bảo mẫu mà phải thường xuyên kiểm tra, quan sát, tìm hiểu để tránh những sự việc đáng tiếc xảy ra với trẻ nhỏ.

Tiếp theo đó là cần sự quan tâm từ phía các cơ quan nhà nước trong việc quản lý chặt chẽ hơn các trung tâm cung cấp dịch vụ bảo mẫu cũng như để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho trẻ em. Có một số giải pháp như:

Thứ nhất, tăng cường công tác giám sát, kiểm tra và đánh giá chất lượng của các trung tâm cung cấp dịch vụ bảo mẫu, đảm bảo họ tuân thủ các quy định về an toàn, vệ sinh, y tế, dinh dưỡng, giáo dục và chăm sóc trẻ em.

Thứ hai, phải có các chương trình nâng cao năng lực cho bảo mẫu, quy định những ai có chứng chỉ bảo mẫu thì mới được hành nghề. Các trung tâm cung cấp giới thiệu bảo mẫu phải chịu trách nhiệm về nhân sự, những người làm nghề bảo mẫu nhất định phải được đánh giá.

Thứ ba, cần nâng cao năng lực và đạo đức nghề nghiệp của bảo mẫu, đào tạo họ về kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ trẻ em, phòng ngừa và ứng phó với các hành vi xâm hại trẻ em và có đánh giá về tâm lý của các bảo mẫu.

Thứ tư, tạo điều kiện cho trẻ em có thể bày tỏ ý kiến, cảm xúc, mong muốn và nhu cầu của mình, đồng thời tôn trọng, lắng nghe và hỗ trợ trẻ em khi họ gặp khó khăn, bị xâm hại hoặc cần sự giúp đỡ.

Ngoài ra, cần xây dựng một mạng lưới hỗ trợ xã hội cho trẻ em và gia đình trẻ em, bao gồm các cơ quan chức năng, các tổ chức xã hội, các nhà tâm lý, các trung tâm tư vấn và các dịch vụ chăm sóc xã hội, để kịp thời phát hiện, can thiệp và xử lý các trường hợp bảo mẫu gây nguy hại cho trẻ em