Hành vi vi phạm hành chính và chế tài xử lý vi phạm về trồng trọt?

0
228

Ngày 09 tháng 6 năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 31/2023/NĐ-CP “Quy định xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt”. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 28 tháng 7 năm 2023.

Trồng trọt luôn gắn liền với một địa phương, gắn liền với hoạt động của người nông dân, chủ trang trại, doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn…những vi phạm cũng thường xảy ra tại địa phương và hoạt động của những người thuộc diện nêu trên. Theo quy định của pháp luật thì hành vi vi phạm trong lĩnh vực trồng trọt rất đa dạng, bởi thế có người thực hiện hành vi vi phạm mà không biết mình vi phạm; ai được quyền xử lý hành vi vi phạm?…Nhiều cán bộ cơ sở, nông dân, chủ trang trại, chủ doanh nghiệp…đã đề nghị Tạp chí Nông thôn mới làm rõ một số quy định được nêu trong Nghị định 31/2023/NĐ-CP.

Chúng tôi xin trích đăng một số câu hỏi và giải đáp của luật sư Nguyễn Thanh Hà (Chủ tịch Công ty Luật SBLAW).

Luật sư Nguyễn Thanh Hà giải đáp câu hỏi tại Tạp Chí Nông Thôn
Luật sư Nguyễn Thanh Hà giải đáp câu hỏi tại Tạp Chí Nông Thôn

Vi phạm trồng trọt ?

Bạn đọc Phạm Văn Huế (Nam Định): Những hành vi nào bị coi là vi phạm hành chính về trồng trọt?
Theo quy định tại Nghị định nêu trên, hành vi vi phạm hành chính về trồng trọt được chia thành 2 nhóm:

Nhóm thứ nhất:

Hành vi vi phạm hành chính về trồng trọt (trừ phân bón) gồm:
Vi phạm quy định về khảo nghiệm giống cây trồng; vi phạm quy định về lưu mẫu giống cây trồng; vi phạm quy định về sản xuất giống cây trồng; vi phạm quy định về buôn bán giống cây trồng; vi phạm quy định về kiểm định ruộng giống; vi phạm quy định về lấy mẫu vật liệu nhân giống; vi phạm quy định về xuất khẩu giống cây trồng; vi phạm quy định về quản lý giấy phép, chứng chỉ hành nghề về giống cây trồng; vi phạm quy định về quyền của chủ Bằng bảo hộ giống cây trồng; vi phạm quy định về nghĩa vụ của chủ Bằng bảo hộ, tác giả giống cây trồng; vi phạm về thu gom phụ phẩm cây trồng; vi phạm về bảo vệ và sử dụng tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước

Nhóm thứ hai:

Hành vi vi phạm hành chính về phân bón gồm:

Vi phạm quy định về sản xuất phân bón; vi phạm quy định về buôn bán phân bón (trừ hoạt động nhập khẩu phân bón); vi phạm quy định về nhập khẩu phân bón; vi phạm quy định về sử dụng phân bón nhập khẩu không đúng mục đích ghi trong Giấy phép nhập khẩu phân bón; vi phạm quy định về lấy mẫu phân bón; thử nghiệm chất lượng phân bón; vi phạm quy định về khảo nghiệm phân bón; vi phạm quy định về sử dụng phân bón.

Hành vi và chế tài xử lý vi phạm trồng trọt
Hành vi và chế tài xử lý vi phạm trồng trọt

Vi phạm sản xuất giống cây trồng?

Bạn đọc Nguyễn Văn Tự (Quảng Bình): Thế nào bị coi là vi phạm sản xuất giống cây trồng? Người vi phạm bị xử lý ra sao?

Hành vi vi phạm quy định sản xuất giống cây trồng và chế tài xử lý hành vi vi phạm này được quy định tại Điều 10, Nghị định 31/2023/NĐ-CP. Theo đó:

Những hành vi sau bị coi là vi phạm quy định sản xuất giống cây trồng:

  • Sản xuất giống cây trồng không thuộc loài cây trồng chính nhằm mục đích buôn bán nhưng chưa tự công bố lưu hành hoặc …; sản xuất giống cây trồng thuộc loài cây trồng chính nhằm mục đích buôn bán không đúng nội dung trong Quyết định công nhận lưu hành …; Sản xuất giống cây trồng khi chưa có hoặc chưa thuê địa điểm, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị …
  • Chế tài lý hành vi vi phạm quy định sản xuất giống cây trồng: Phạt tiền thấp nhất 5.000.000 đồng, cao nhất từ 40.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung; biện pháp khắc phục hậu quả.

Vi phạm buôn bán giống cây trồng?

Bạn đọc Trịnh Văn Bé (Tiền Giang): Như thế nào thì bị coi là vi phạm buôn bán giống cây trồng? Việc vi phạm này bị xử phạt ra sao?
Hành vi vi phạm quy định buôn bán giống cây trồng và chế tài xử lý hành vi vi phạm này được quy định tại Điều 11, Nghị định 31/2023/NĐ-CP. Theo đó:

  • Những hành vi sau bị coi là vi phạm quy định buôn bán giống cây trồng: Buôn bán giống cây trồng nhưng không thông báo cho Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi buôn bán giống cây trồng những thông tin về địa chỉ giao dịch, tên tổ chức, cá nhân hoặc người đại diện hợp pháp, điện thoại liên hệ; buôn bán giống cây trồng (trừ giống cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm) không có hồ sơ bảo đảm truy xuất nguồn gốc lô giống cây trồng, hồ sơ chất lượng lô giống cây trồng theo quy định; …
  • Chế tài lý hành vi vi phạm quy định buôn bán giống cây trồng: Phạt tiền thấp nhất 3.000.000 đồng, cao nhất 50.000.000 đồng… Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung; biện pháp khắc phục hậu quả.

Vi phạm sản xuất phân bón?

Bạn đọc Tô Văn Dũng (Đồng Nai): Hoạt động sản xuất phân bón có rất nhiều khâu. Vậy như thế nào là vi phạm quy định về sản xuất phân bón?

Hành vi vi phạm quy định sản xuất phân bón và chế tài xử lý hành vi vi phạm này được quy định tại Điều 21, Nghị định 31/2023/NĐ-CP. Theo đó:

  • Những hành vi sau bị coi là vi phạm quy sản xuất phân bón: Không có khu vực chứa nguyên liệu và khu vực thành phẩm riêng biệt; Người trực tiếp điều hành sản xuất phân bón không có trình độ đại học trở lên thuộc một trong các chuyên ngành về trồng trọt, bảo vệ thực vật, nông hóa thổ nhưỡng, khoa học đất, nông học, hóa học, sinh học; sản xuất phân bón không đúng loại phân bón, dạng phân bón được ghi trong Giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất phân bón; sản xuất phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam…
  • Chế tài lý hành vi vi phạm quy định sản xuất phân bón: Mức phạt thấp nhất là cảnh cáo, cao nhất là phạt tiền 100.000.000 đồng. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung; biện pháp khắc phục hậu quả.
Chế tài xử lý vi phạm với sản xuất phân bón
Chế tài xử lý vi phạm với sản xuất phân bón

Vi phạm buôn bán phân bón?

Bạn đọc Trần Minh Thiệu (Đắk Nông): Thế nào bị coi là vi phạm buôn bán phân bón? Và người vi phạm bị xử lý ra sao?

Vi phạm quy định về buôn bán phân bón (trừ hoạt động nhập khẩu phân bón) và chế tài xử lý hành vi vi phạm này được quy định tại Điều 22, Nghị định 31/2023/NĐ-CP. Theo đó:

  • Những hành vi sau bị coi là vi phạm quy sản xuất phân bón: Buôn bán phân bón khi không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón; không duy trì đầy đủ các điều kiện về buôn bán phân bón theo quy định tại Luật Trồng trọt; buôn bán phân bón không có Quyết định công nhận phân bón lưu hành tại Việt Nam hoặc …
  • Chế tài lý hành vi vi phạm quy định buôn bán phân bón: Phạt tiền thấp nhất là 3.000.000 đồng, cao nhất là phạt tiền 60.000.000 đồng. Ngoài ra còn bị áp dụng hình thức phạt bổ sung; biện pháp khắc phục hậu quả.
    Các bạn lưu ý: Các mức phạt nêu trên là áp dụng đối với cá nhân; đối với tổ chức vi phạm thì mức phạt gấp 02 lần.

Chủ tịch UBND xã có quyền xử phạt?

Bạn đọc Lò Văn Tươi (Điện Biên): Chủ tịch UBND xã có quyền xử phạt vi phạm về trồng trọt không?

Trước tiên khẳng định với bạn rằng, Chủ tịch UBND cấp xã có quyền xử phạt vi phạm hành chính về trồng trọt. Thẩm quyền này được quy định tại Khoản 1, Điều 30 Nghị định 31/2023/NĐ-CP. Cụ thể là:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có quyền:

  • Phạt cảnh cáo;
  • Phạt tiền đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm về Trồng trọt;
  • Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính có giá trị đến 10.000.000 đồng;
  • Áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả quy định tại điểm đ khoản 3 Điều 4 của Nghị định trên.