CÁC LOẠI TRANH CHẤP THƯƠNG MẠI: THỰC TRẠNG VÀ NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA

0
800

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty TNHH  Luật SB Law đã có những quan điểm về vấn đề tranh chấp thương mại. Dưới đây là nội dung chi tiết : 


Hoạt động thương mại luôn tồn tại hoặc phát sinh những tranh chấp như một tất yếu khách quan. Những quan hệ thương mại càng đa dạng và phức tạp thì khả năng phát sinh tranh chấp càng lớn. Trong hoạt động thương mại, khi phát sinh tranh chấp đòi hỏi phải được giải quyết một cách minh bạch và hiệu quả; bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các chủ thể, góp phần ngăn ngừa sự vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại.

Luật Thương mại 2005 không trực tiếp đưa ra định nghĩa về tranh chấp thương mại nhưng có quy định về khái niệm “hoạt động thương mại” tại Khoản 1 Điều 3 như sau: “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Từ quy định này có thể hiểu, tranh chấp thương mại là sự mâu thuẫn (bất đồng hoặc xung đột) về quyền và nghĩa vụ giữa các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động thương mại. Chủ thể tranh chấp thương mại diễn ra thường là giữa các thương nhân với nhau.

Mỗi một loại tranh chấp có những đặc thù riêng, liên quan tới tư cách pháp lý các chủ thể, liên quan đến quyền và nghĩa vụ của họ khi ký kết hợp đồng cũng như khi thực hiện hợp đồng và liên quan đến quá trình giải quyết tranh chấp. Do đó, việc phân loại tranh chấp có ý nghĩa rất quan trọng.

Điều 30 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 quy định về các tranh chấp thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án gồm:

  1. Tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh, thương mại giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận;
  2.  Tranh chấp về quyền sở hữu trí tuệ, chuyển giao công nghệ giữa cá nhân, tổ chức với nhau và đều có mục đích lợi nhuận; 
  3. Tranh chấp giữa người chưa phải là thành viên công ty nhưng có giao dịch về chuyển nhượng phần vốn góp với công ty, thành viên công ty;
  4. Tranh chấp giữa công ty với các thành viên của công ty; tranh chấp giữa công ty với người quản lý trong công ty trách nhiệm hữu hạn hoặc thành viên Hội đồng quản trị, giám đốc, tổng giám đốc trong công ty cổ phần, giữa các thành viên của công ty với nhau liên quan đến việc thành lập, hoạt động, giải thể, sáp nhập, hợp nhất, chia, tách, bàn giao tài sản của công ty, chuyển đổi hình thức tổ chức của công ty; và
  5. Các tranh chấp khác về kinh doanh, thương mại, trừ trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.

Trong điều kiện kinh tế thị trường, sự tham gia của nhiều thành phần kinh tế kéo theo sự đa dạng về chủ thể và lợi ích cần bảo vệ, sự xuất hiện của các phương thức kinh doanh, thị trường và các yếu tố sản xuất phi truyền thống làm phát sinh nhiều dạng tranh chấp mới. Chính sự thay đổi này đang đòi hỏi các phương thức giải quyết tranh chấp thương mại cũng phải có sự thay đổi cho phù hợp với các yêu cầu của cơ chế thị trường, đồng thời, có sự quản lý của Nhà nước.

Theo quy định tại Điều 317 Luật Thương mại năm 2005, có 04 phương thức giải quyết tranh chấp thương mại, gồm: Thương lượng giữa các bên; Hòa giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hòa giải; Giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án. 

Hiện nay, việc giải quyết các tranh chấp thương mại ở Việt Nam chủ yếu thông qua hệ thống Tòa án và Trung tâm trọng tài. Theo đó, nước ta cũng đã đạt được những kết quả nhất định trong hoạt động áp dụng pháp luật để giải quyết tranh chấp thương mại. Tuy nhiên, theo phân tích từ số liệu trong Báo cáo kết quả công tác năm 2015 và năm 2016 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội thì số lượng vụ án được thụ lý ngày càng tăng cao nhưng trong đó vẫn còn nhiều vụ án chưa được giải quyết. Như vậy, có thể thấy tình hình giải quyết các vụ án kinh doanh thương mại của ngành Tòa án đang trở nên quá tải, dẫn đến gia tăng lượng vụ án tồn đọng, không kịp giải quyết, do đó sẽ làm ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, mặc dù chúng ta đã xây dựng được một hệ thống pháp luật tương đối đồng bộ và hoàn chỉnh, kể cả pháp luật về nội dung và pháp luật về tố tụng để giải quyết tranh chấp thương mại, tuy nhiên, vẫn còn tồn tại một số bất cập hạn chế như sau:

Trước tiên, về việc xác định thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại: 

Việc xác định đúng quan hệ pháp luật tranh chấp có ý nghĩa quan trọng đối với việc xác định thẩm quyền của Tòa án cũng như việc áp dụng pháp luật nội dung để giải quyết yêu cầu của các đương sự trong vụ án, việc xác định không đúng quan hệ pháp luật tranh chấp dẫn đến việc giải quyết và áp dụng pháp luật thiếu thống nhất và bất cập.

Theo Điều 30 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, tranh chấp phát sinh trong hoạt động kinh doanh thương mại thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án là các tranh chấp giữa cá nhân, tổ chức có đăng ký kinh doanh với nhau và đều có mục đích lợi nhuận. Tuy nhiên, tại Điểm b Điều 2 Nghị quyết 03/2012 của HĐTPTANDTC, quy định: Toà kinh tế có nhiệm vụ, quyền hạn giải quyết các tranh chấp và các yêu cầu về kinh doanh, thương mại quy định tại Điều 29 và Điều 30 của BLTTDS năm 2005 (Điều 30, Điều 31 BLTTDS năm 2015); các tranh chấp về kinh doanh, thương mại mà một hoặc các bên không có đăng ký kinh doanh nhưng đều có mục đích lợi nhuận. Như vậy, Nghị quyết 03/2012 hướng dẫn về thẩm quyền giải quyết của Tòa án đã mâu thuẫn, vượt quá và trái với quy định tại Điều 29 Bộ luật TTDS sửa đổi, bổ sung năm 2011 (Điều 30 BLTTDS năm 2015), nhưng vẫn được Tòa án các cấp áp dụng trong thực tế.

Ngoài ra, tại khoản 1 Điều 3 Luật thương mại 2005 quy định “Hoạt động thương mại là hoạt động nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm mua bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ, đầu tư, xúc tiến thương mại và các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác”. Tuy nhiên, các hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác là những hoạt động cụ thể nào cho đến nay chưa có văn bản giải thích. Như vậy, các tranh chấp trong lĩnh vực xây dựng, tín dụng, bảo hiểm có được xem là những hoạt động nhằm mục đích sinh lợi khác và có phải là đối tượng điều chỉnh của Luật thương mại không? thì cần phải được quy định cụ thể để tránh trường hợp khi giải quyết tranh chấp thương mại, các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng pháp luật cũng rất lúng túng khi giải quyết vấn đề này.

Trong giai đoạn hội nhập kinh tế hiện nay, việc hoàn thiện những bấp cập trong hệ thống pháp luật như: Bộ Luật tố tụng dân sự, Bộ luật Dân sự, Luật thương mại là yêu cầu cấp bách cần phải thực hiện. Đối với những văn bản pháp luật còn chồng chéo thì kịp thời bãi bỏ, thay thế; đối với những quy định còn vướng mắc thì cần điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp để đảm bảo các bản án, quyết định của cơ quan xét xử được chính xác, rõ ràng, đúng theo quy định pháp luật.