Luật Phòng chống rửa tiền cần sửa đổi để phù hợp hơn

0
404

Câu hỏi 1: Thưa anh, một vấn đề đáng báo động hiện nay trong an ninh mạng là liên quan đến vấn đề tài chính – tiền tệ, trong đó đã và đang xuất hiện dấu hiệu của những hành vi rửa tiền (có thể xuyên biên giới). Thực trạng này đang đặt ra những thách thức như thế nào với Việt Nam?

Trả lời:

Công nghệ ngày càng phát triển, cho phép mọi người tiếp cận hầu hết mọi cơ hội thông qua Internet, nhờ vào sự phát triển nhanh chóng của internet nên hình thức rửa tiền online ngày càng phổ biến và biến tướng khó lường hơn. Cụ thể, tiền phi pháp có thể được rửa qua các cuộc đấu giá và bán hàng trực tuyến, các trang web đánh bạc và các trang web chơi trò chơi ảo, nơi tiền tệ được chuyển đổi thành tiền tệ chơi game, sau đó trở lại thành tiền “sạch”.

Hơn nữa, việc xác định các hoạt động được thực hiện bằng tiền điện tử khó hơn rất nhiều so với các hoạt động rửa tiền thật, do đối tượng thực hiện có thể ở bất cứ đâu mà vẫn có thể thực hiện được hành vi rửa tiền. Đó là lý do tại sao tội phạm tài chính hiện nay thích thực hiện các hoạt động rửa tiền bằng tiền điện tử hơn là tiền vật chất. Những hành vi rửa tiền này đã đặt ra nhiều thách thức lớn cho Việt Nam:

  • Hệ thống tài chính bị thao túng: Tác hại đầu tiên của việc rửa tiền chính là làm cho hệ thống tổ chức tài chính có thể bị thao túng bởi các băng nhóm tội phạm. Hoạt động rửa tiền sẽ gây bất ổn cho hệ thống ngân hàng, làm mất uy tín, từ đó gây mất cân bằng cơ cấu nợ và tài sản của các ngân hàng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến cả hệ thống ngân hàng nói chung.
  • Làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế: Hoạt động tội phạm rửa tiền có tác động tiêu cực đến xu hướng đầu tư với rủi ro cao và có thể làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế của một quốc gia. Các giao dịch ngầm từ hoạt động rửa tiền sẽ làm suy giảm hiệu quả kinh tế của các giao dịch hợp pháp, từ đó gây mất lòng tin đối với thị trường kinh tế.
  • Gây bất ổn thị trường tài chính – tiền tệ: Rửa tiền sẽ gây ra sự lưu chuyển các luồng tiền trong thế giới ngầm, từ đó sẽ dẫn đến những đột biến trong nhu cầu tiền tệ và sự bất ổn định lãi suất và tỷ giá hối đoái, đặc biệt là ở những quốc gia đang phát triển. Tình trạng bất ổn tài chính sẽ làm mất đi hiệu lực của chính sách tiền tệ trong nước của quốc gia đó, dẫn đến việc điều hành kinh tế vĩ mô trở nên càng khó khăn hơn, thậm chí là bị lệch lạc.
  • Phá vỡ sự ổn định của nền kinh tế: Hoạt động rửa tiền sẽ gây phá vỡ sự ổn định cho nền kinh tế và chúng tiềm ẩn nhiều hậu quả nghiêm trọng cho cả nền kinh tế. Loại hình tội phạm rửa tiền này có thể tàn phá thành quả kinh tế của một quốc gia bằng những thủ đoạn tinh vi để chúng có thể hợp pháp hóa tiền và tài sản có nguồn gốc từ các hoạt động phi pháp của mình.

Câu hỏi 2: Luật Phòng chống rửa tiền có hiệu lực thi hành từ năm 2013. Sau gần chục năm thi hành thì luật đã bộc lộ những bất cập, hạn chế. Những bất cập nổi cộm nhất hiện nay cần phải tháo gỡ là gì, thưa anh?

Trả lời:

Sau gần 10 năm thực hiện, Luật Phòng, chống rửa tiền đã bộc lộ những hạn chế dẫn đến sự chưa đồng bộ hoặc còn chồng chéo dẫn đến bất cập trong quá trình triển khai, chưa phù hợp với thực tiễn, đặc biệt trong bối cảnh công nghệ 4.0 và nền kinh tế số ngày càng phát triển như hiện nay. Điều này được thể hiện qua các khía cạnh sau:

Một là, hạn chế trong việc xác định phạm vi điều chỉnh. Luật Phòng, chống rửa tiền tập trung chủ yếu vào phòng, chống rửa tiền thực hiện thông qua hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, rửa tiền có thể được thực hiện thông qua rất nhiều kênh khác nhau như nhà hàng, khách sạn, kinh doanh, bất động sản, chứng khoán và thậm chí, với sự phát triển của khoa học công nghệ hiện nay đã nở rộ lên nhiều hình thức rửa tiền sử dụng công nghệ cao qua các kênh thương mại điện tử, game online, …

Hai là, pháp luật về phòng, chống rửa tiền tại Việt Nam còn thiếu vắng những quy định pháp luật điều chỉnh các giao dịch liên quan đến tiền ảo, tài sản ảo. Tiền ảo, là đối tượng mới xuất hiện vào nước ta hiện nay tuy nhiên đã được nhiều người sử dụng trên thực tế vậy nên cần nhập nhanh chóng những quy định cụ thể nhằm điều chỉnh các giao dịch liên quan đến vấn đề này.

Ba là, pháp luật hình sự chưa có điều khoản quy định về hành vi rửa tiền sử dụng công nghệ cao. Trong Bộ luật hình sự 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 chỉ quy định sử dụng công nghệ cao được xem là tình tiết tăng nặng khi thực hiện hành vi rửa tiền. Tuy nhiên, vẫn nên có một quy định pháp luật cụ thể để điều chỉnh cho hành vi rửa tiền sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là trong bối cảnh khoa học công nghệ ngày càng phát triển không ngừng như hiện nay.

Bốn là, hạn chế trong các quy định pháp luật về hợp tác quốc tế trong hoạt động phòng, chống rửa tiền. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế và giao dịch toàn cầu diễn ra ngày càng nhiều, việc thiếu vắng quy định cụ thể hướng dẫn các quy định pháp luật về hợp tác quốc tế sẽ dẫn đến tình trạng lúng túng cho các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực thi pháp luật; từ đó, có thể tạo ra khe hở để các tội phạm rửa tiền lợi dụng.

Thứ năm, quy định về trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong phòng, chống rửa tiền còn thiếu và chưa rõ ràng. Xuất phát từ hoạt động quản lý nhà nước, hiện nay tại một số lĩnh vực chưa có sự phân định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước như lĩnh vực kinh doanh kim loại quý, đá quý, do đó chưa có quy định rõ ràng về cơ quan có trách nhiệm thanh tra, giám sát hoạt động phòng, chống rửa tiền đối với đối tượng kinh doanh các loại kim loại quý, đá quý khác. Bên cạnh đó, khi các đối tượng báo cáo mới được bổ sung, Luật Phòng, chống rửa tiền cũng cần phải bổ sung quy định về trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước trong phòng, chống rửa tiền đối với các lĩnh vực mới phát sinh

Câu hỏi 3: Kinh nghiệm từ Luật phòng chống rửa tiền ở một số quốc gia mà theo anh Việt Nam có thể tham khảo như một hàm ý về chính sách?

Trả lời:

Là một quốc gia có nền kinh tế phát triển nhất trên thế giới, nên tội phạm về rửa tiền ở nước Mỹ xuất hiện từ rất sớm. Theo đó ngay từ những năm 1970, nước Mỹ đã ban hành Luật Bí mật ngân hàng (BSA) và các quy tắc. Mục đích của bộ luật này được xây dựng nhằm tạo hành lang pháp lý để điều tra tội phạm rửa tiền, trốn thuế, buôn lậu… Đây là một đạo luật được các chuyên gia đánh giá rất cao về sự chặt chẽ và tính khả thi. Sau đạo luật này, nước Mỹ tiếp tục ban hành một số đạo luật khác nhằm hoàn thiện hành lang pháp lý việc phòng, chống rửa tiền phù hợp với thực tiễn, như: Luật Quản lý toàn diện tội phạm năm 1984, Luật Quản lý rửa tiền năm 1986, Luật Chống sử dụng ma tuý năm 1988, Luật Chống rửa tiền Annunzio – Wylie năm 1992.

Đến nay, hành lang pháp lý về phòng, chống rửa tiền ở Mỹ được quy định: Các tổ chức tài chính phải báo cáo cho cơ quan có thẩm quyền và phải lưu giữ tất cả các chứng từ liên quan đến giao dịch trên 10.000 USD. Riêng đối với các cơ quan chức năng được quyền hạ thấp mức chuẩn 10.000 USD trong các cuộc điều tra nếu thấy cần thiết. Đặc biệt đối với các cá nhân và tổ chức, luật quy định phải có nghĩa vụ báo cáo kịp thời cho cơ quan có thẩm quyền nếu phát hiện các đối tượng tham gia vào bất kỳ hoạt động rửa tiền. Đây là một trong những căn cứ để tịch thu, sung quỹ tiền và tài sản có liên quan đến hoạt động rửa tiền của các đối tượng phạm tội.

Trường hợp các cá nhân phớt lờ không tuân thủ những quy tắc và luật lệ liên quan đến hoạt động phòng, chống rửa tiền thì có thể xử lý về mặt dân sự, hoặc hình sự, tùy vào mức độ vi phạm nặng hay nhẹ làm căn cứ xử lý. Về mặt dân sự, người vi phạm sẽ bị phạt nặng, số tiền phạt có thể lên đến 250.000 USD hoặc bị xử lý về mặt hình sự có thể phạt tù đến 5 năm tù giam. Các nhân viên ngân hàng cũng không ngoại lệ, nếu cố tình vi phạm những quy định về báo cáo và lưu giữ chứng từ của BSA, có thể bị phạt tới 100.000 USD.

Từ kinh nghiệm phòng chống rửa tiền của các quốc gia trên thế giới điển hình là ở Mỹ chúng ta rút ra các vấn đề có thể tham khảo vận dụng vào hoàn thiện pháp luật về công tác phòng chống rửa tiền tại Việt Nam, như sau:

Thứ nhất, đề cao vai trò và nghĩa vụ của các tổ chức và cá nhân, trong đó chủ yếu là ngân hàng. Theo đó, để làm tốt vai trò của mình, các Ngân hàng buộc phải chủ động phối hợp với các cơ quan có chức năng tổ chức tập huấn về kỹ năng nhận diện, nhận biết về các hành động rửa tiền.

Thứ hai, xây dựng bộ nhận diện về hành vi rửa tiền phù hợp với thông lệ quốc tế. Trong đó quy định cụ thể số tiền giao dịch phải báo cáo phù hợp với điều kiện của Việt Nam.

Thứ ba, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan nhà nước có liên quan để phòng chống rửa tiền nhằm nâng cao tính hiệu lực, hiệu quả của việc phòng chống rửa tiền, các cơ quan nhà nước như Ngân hàng Nhà nước, Hải quan, Công an, Bộ Tài chính…

Thứ tư: thực hiện các khuyến nghị của các tổ chức quốc tế về phòng chống rửa tiền, đưa các khuyến nghị này vào các văn bản pháp luật liên quan.

Bên cạnh đó, cần tuyên truyền, vận động các tổ chức, cá nhân về các rủi ro về rửa tiền, tài trợ khủng bố, giúp các tổ chức, cá nhân hiểu rõ tác hại của rửa tiền, từ đó thúc đẩy một nền văn hóa tuân thủ pháp luật giống như cách làm của các nước trên thế giới.