Các cơ sở thẩm mỹ hoạt động trái phép bị xử lý như thế nào?

0
832

Câu hỏi 1: Hiện nay, khá nhiều thẩm mỹ viện đang mạo danh các bệnh viện lớn như 108, Bạch Mai, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội để lôi kéo khách hàng đến làm dịch vụ. Theo luật sư hành vi mạo danh, lừa dối của các thẩm mỹ viện này có vi phạm pháp luật không? Chế tài xử phạt là gì?

Trả lời:

Đánh vào nhu cầu làm đẹp ngày càng cao, gần đây, tình trạng một số thẩm mỹ viện lấy tên của một số cơ sở ytế, bệnh viện lớn nhằm lợi dụng uy tín để lôi kéo khách hàng sử dụng dịch vụ của mình ngày càng phổ biến. Điều đáng nói, các thẩm mỹ viện này có quy mô khá lớn với nhiều cơ sở trên cả nước. Ngoài ra, trên mạng xã hội cũng đã xuất hiện nhiều cơ sở làm đẹp tại Việt Nam đã lợi dụng tên tuổi uy tín của các bệnh viện lớn như 108, Bạch Mai, Bệnh viện ĐH Y Hà Nội để giả mạo, lừa đảo khách hàng nhằm mục đích trục lợi. Liên tục có những cơ sở làm đẹp, thẩm mỹ viện lập fanpage, facebook giả mạo, sử dụng thương hiệu và uy tín của bệnh viện lớn. Bằng những “lời nói có cánh” dù tay nghề không đảm bảo, không có giấy phép hành nghề. Rất nhiều khách hàng khi tới đây đã mất hoàn toàn niềm tin do dịch vụ khác xa so với quảng bá, thậm chí còn để lại những hậu quả đáng tiếc không mong muốn.

Việc mạo danh các bệnh viện lớn của một số thẩm mỹ viện nhằm lợi dụng uy tín, thương hiệu của các BV này để lôi kéo khách hàng sử dụng dịch vụ của mình để trục lợi, là hành vi vi phạm pháp luật theo đó tùy vào mức độ của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Thứ nhất, xử phạt hành chính

Theo điểm c Khoản 1 Điều 15 Nghị định 144/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội, đối với hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 2 đến 3 triệu đồng. Ngoài ra còn có thể bị phạt bổ sung như: Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm hành chính và Trục xuất người nước ngoài có hành vi vi phạm hành chính.

Thứ hai, xử lý hình sự

Đối tượng có hành vi vi phạm có thể sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 174 Bộ luật hình sự 2015 (được sửa đổi, bổ sung 2017) về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với mức hình phạt cao nhất là tù chung thân. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

 

Câu hỏi 2: Việc các thẩm mỹ viện không có giấy phép hoạt động nhưng vẫn ngang nhiên quảng cáo các dịch vụ không nằm trong danh mục được cho phép đã vi phạm quy định như thế nào? Chế tài xử phạt là gì?

Trả lời:

Theo quy định tại Điều 41 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì nội dung biển hiệu của phòng khám phải có các thông tin như sau:

–     Tên đầy đủ của cơ sở, số giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh được cấp;

–      Địa chỉ của cơ sở ghi trong giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; số điện thoại đăng ký của phòng khám;

–      Thời gian làm việc hằng ngày của phòng khám.

Bên cạnh đó, các cơ sở này cũng chỉ được thực hiện các thủ thuật nằm trong danh mục đã được Sở Y tế phê duyệt. Danh mục này cũng phải được niêm yết ngay tại khu vực tiếp đón để người dân được biết. Như vậy, nếu cơ sở không có đầy đủ các thông tin nêu trên thì đó là cơ sở chui, người dùng cần tỉnh táo và cân nhắc trước khi sử dụng dịch vụ làm đẹp.

Theo quy định pháp luật, có 2 loại cơ sở dịch vụ thẩm mỹ xăm, phun, thêu: (1) cơ sở dịch vụ thẩm mỹ cần phải có giấy phép hoạt động và (2) cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không cần giấy phép hoạt động:

  • Đối với các cơ sở thẩm mỹ không cần giấy phép hoạt động:là những cơ sở thực hiện xăm, phun, thêu trên da không sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm, nhưng người thực hiện kỹ thuật phải có giấy chứng nhận hoặc chứng chỉ đào tạo, dạy nghề phun, xăm, thêu trên da do cơ sở đào tạo hoặc dạy nghề hợp pháp cấp (điểm d khoản 3 Điều 33 Nghị định 109/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ y tế). Ngoài ra, theo quy định, loại hình cơ sở dịch vụ thẩm mỹ không cần phải xin giấy phép hoạt động này phải có văn bản thông báo đáp ứng đủ điều kiện cung cấp dịch vụ thẩm mỹ theo mẫu quy định tại Phụ lục VIII ban hành kèm theo Nghị định này gửi về Sở Y tế nơi đặt trụ sở trước khi hoạt động ít nhất 10 ngày.
  • Đối với các cơ sở thẩm mỹ phải có giấy phép hoạt động:đó là các cơ sở dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể (da, mũi, mắt, môi, khuôn mặt, ngực, bụng, mông và các bộ phận khác trên cơ thể người), xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm chỉ được thực hiện tại bệnh viện có chuyên khoa thẩm mỹ hoặc phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ hoặc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có phạm vi hoạt động chuyên môn về chuyên khoa thẩm mỹ tùy theo phạm vi hoạt động chuyên môn được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt (khoản 5 Điều 23a Nghị định 109/2016/NĐ-CP (được sửa đổi bởi Nghị định 155/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ y tế).

Việc cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trái phép có thể bị phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng, đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng, căn cứ điểm đ khoản 6, điểm c khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP).

       Bên cạnh đó, đối với hành vi quảng cáo các dịch vụ không không nằm trong danh mục dịch vụ được cấp phép kinh doanh còn vi phạm vào luật quảng cáo. Theo Nghị định số 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo quy định: Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 51, điểm b khoản 4 Điều 52, khoản 1 Điều 60, điểm c khoản 1 Điều 61 Nghị định này.

Theo đó, về trách nhiệm của cơ sở thẩm mỹ, việc cung cấp dịch vụ thẩm mỹ trái phép có thể bị phạt tiền từ 40 – 50 triệu đồng, vi phạm các điều cấm trong hoạt động quảng cáo có thể bị phạt từ 60-80 triệu đồng. Đồng thời bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là đình chỉ hoạt động trong thời hạn từ 12 tháng đến 24 tháng, căn cứ điểm đ khoản 6, điểm c khoản 7 Điều 39 Nghị định 117/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP).

Có thể truy cứu hình sự nếu xảy ra sự cố

Nếu xảy ra sự cố y khoa khi thực hiện thủ thuật, trách nhiệm không chỉ của nhân viên thực hiện các thủ thuật đó, mà cả chủ cơ sở thẩm mỹ. Tùy vào tính chất và mức độ của hành vi, họ có thể bị xử phạt.

Nếu gây ra các biến chứng nghiêm trọng, gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương từ 61% trở lên hoặc gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên hoặc khách tiêm tử vong do thẩm mỹ, thì nhân viên trực tiếp thực hiện phẫu thuật có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo quy định tại Điều 315 Bộ Luật Hình sự 2015 (được sửa đổi bổ sung 2017) và có thể phải đối diện với mức phạt cao nhất lên tới 15 năm tù.

Ngoài ra, người thực hiện hành vi này còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm.