Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời kênh truyền hình QPVN về quảng cáo sai sự thật.

0
436

Nhận lời mời của ban Biên tập kênh truyền hình Quốc Phòng – QPVN, luật sư Nguyễn Thanh Hà đã trao đổi về vấn đề Quảng cáo sai sự thật hiện nay.

Chúng tôi xin tóm lược nội dung buổi phỏng vấn:

Phóng viên: Việt Nam đã có Luật quảng cáo và những luật khác để quản lí, thanh tra, xứ lí những sai phạm trong quảng cáo. Tuy vậy, những sai phạm từ quảng cáo vẫn diễn ra. Theo ông, lí do vì sao?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Ở đây có một số vấn đề cần làm rõ:

Thứ nhất: Nếu chỉ cần ban hành luật mà hạn chế được các sai phạm không những trong quảng cáo mà còn trong các lĩnh vực khác, thì rõ ràng không cần phải thực thi pháp luật làm gì cả, chỉ cần ban hành luật thôi.

– Thứ hai: Mối quan hệ của ý thức tôn trọng pháp luật với việc thực thi nghiêm các quy định của pháp luật trong việc hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật.

Ở vấn đề thứ nhất:  Có thể thấy ban hành luật là điều kiện cần để hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật. Với các quy định pháp lý rõ ràng, đầy đủ sẽ tạo điều kiện cho các cơ quan hành pháp thực thi pháp luật một cách dễ dàng. Và để đảm bảo các tổ chức, cá nhân thực hiện đúng các quy định của pháp luật thì việc thực thi pháp luật của các cơ quan hành pháp giữ một vai trò quan trọng. Việc thực thi pháp luật phải đảm bảo nguyên tắc mọi hành vi vi phạp pháp luật nếu bị phát hiện sẽ phải chịu chế tài nghiêm khắc theo quy định.

Ở vấn đề thứ hai: Khi việc thực thi pháp luật nghiêm thì ý thức tôn trọng pháp luật của cá nhân tổ chức sẽ cao vì luôn luôn có một rủi ro pháp lý cho các cá nhân tổ chức này khi cố tình thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và ngược lại ý thức tôn trọng pháp luật cũng sẽ thể hiện mức độ nghiêm minh và hiệu của của việc thực thi pháp luật.

Khi xem xét trong bối cảnh thực tế của Việt Nam hiện nay, không những trong lĩnh vực quảng cáo mà còn trong các lĩnh vực khác, có thể thấy việc thực thi pháp luật chưa đưa lại hiệu quả cao. Thậm chí, đối với một số lĩnh vực như hút thuốc lá nơi công cộng các hành vi vi phạm pháp luật có thể diễn ra một cách ngang nhiên, công khai mà không phải chịu bất cứ một rủi ro nào cả mà lý do của hiện tượng này là do không có cơ quan thực thi nào thực hiện việc kiểm tra xử lý một cách thường xuyên, nghiêm túc và triệt để.

Giả sử rằng trong lĩnh vực quảng cáo hay các lĩnh vực khác, cơ quan nhà nước có chức năng kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật trong quảng cáo thực hiện việc kiểm tra, giám sát các hoạt động quảng cáo một cách định kỳ, thường xuyên và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm thì tôi tin rằng các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo cũng như trong các lĩnh vực khác sẽ không phổ biến như hiện tai.

Phóng viên: Trong thời đại bùng nổ thông tin, để cạnh tranh marketing, các DN tất yếu phải PR, quảng cáo. Nhưng, có nhiều hiện tượng quảng cáo quá mức, quảng cá sa lệch giá trị thực của sản phẩm, dẫn đến người tiêu dùng tin tưởng và phải trả giá quá đắt từ sự quảng cáo này. Một vài trường hợp đối với thực phẩm chức nằng, người tiêu dùng còn bị mang họa, bệnh tật… song vẫn không biết kêu ai?
Theo ông, với những trường hợp này, trách nhiệm thuộc về ai? Đơn vị sản xuất ra sản phẩm hay đơn vị quảng cáo sản phẩm (tức phương tiện truyền thông).

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời phỏng vấn về vấn đề Quảng cáo sai sự thật

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Khi xem xét trách nhiệm của các bên trong vấn đề này cần phải xác định rõ về các loại hình trách nhiệm của các bên với các chủ thể khác nhau:

Đối với trách nhiệm dân sự: Trách nhiệm dân sự là trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân đối với tài sản, sức khỏe, tính mạng, danh dự, uy tín của các tổ chức, cá nhân khác khi thực hiện các hành vi có lỗi gây ra thiệt hại về tính mạng, sức khỏe, uy tín, danh dự hoặc tài sản của các tổ chức, cá nhân.

Xác định trách nhiệm dân sự tuân theo các nguyên tắc cơ bản do bộ luật dân sự quy định bao gồm có thiệt hại xảy ra, hành vi gây thiệt hại là trái pháp luật, có lỗi và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và thiệt hại xảy ra.

Tùy vào từng trường hợp cụ thể mà việc xác định trách nhiệm của đơn vị sản xuất ra sản phẩm và/hoặc đơn vị quảng cáo sản phẩm sẽ căn cứ vào các nguyên tắc trên.

– Đối với trách nhiệm hành chính: Tức là trách nhiệm của cá nhân, tổ chức đối với nhà nước khi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.Vi phạm hành chính là hành vi do cá nhân, tổ chức thực hiên một cách cố ý hoặc vô ý, vi phạm các quy định của pháp luật quản lý nhà nước mà không phải tội phạm hình sự và theo quy định của pháp luật phải bị xử phạt hành chính.

Tùy thuộc vào từng hành vi vi phạm theo quy định của nghị định xử lý vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực mà có thể xác định trách nhiệm thuộc về bên nào.

Phóng viên: Cho tới nay, chưa có cá nhân, đơn vị nào bị xử lí bởi quảng cáo quá mức, quảng cáo không đúng sự thật, trong khi có rất nhiều người tiêu dùng bị ảnh hưởng tiêu cực từ lối quảng cáo này. Theo ông, cần bổ sung Luật, hay cần một thiết chế, quy định nào để giám sát quảng cáo, để những đơn vị sản xuất ra sản phẩm cũng như đơn vị nhận quảng cáo có trách nhiệm hơn với người tiêu dùng?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Về thông tin cho rằng “Cho tới nay, chưa có cá nhân, đơn vị nào bị xử lí bởi quảng cáo quá mức, quảng cáo không đúng sự thật” thì tôi xin phép không bình luận vì tôi không rõ là câu quy kết này có tham khảo số liệu thống kê của cơ quan nhà nước có thẩm quyền hay không. Nhưng nếu thông tin này là đúng thì có hai khả năng xảy ra:

Thứ nhất: Không có hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo xảy ra;

Thứ hai: Sự yếu kém của cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc quản lý hoạt động quảng cáo.

Kết luận việc này tùy thuộc vào khán giả khi xem xét với tình hình thực tế hiện nay, tôi xin miễn bình luận về vấn đề này.

Quan điểm của tôi về việc hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo như sau:

– Trước hết cần phải xác định rõ cơ quan nào có trách nhiệm chính trong việc quản lý hoạt động này. Rõ ràng việc xác định trách nhiệm của cơ quan nhà nước sẽ khiến cho cơ quan này thực hiện tốt hơn hoạt động quản lý của mình.

– Cần tăng cường hoạt động giám sát của các cơ quan nhà nước, của nhân dân với cơ quan có trách nhiệm quản lý trong hoạt động quảng cáo này.

– Cơ quan có trách nhiệm cũng cần phải chủ động và quyết tâm trong việc thực thi pháp luật, xây dựng kế hoạch thanh tra rõ ràng, chi tiết và thực thi một cách thường xuyên.