Ai bảo vệ người lao động tự do?

0
436

Nhận lời mời của ban biên tập Báo người đưa tin, luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW đã có phần trả lời phỏng vấn về vấn đề pháp luật có bảo vệ người lao động tự do hay không?

Mời quý vị đón đọc tại đây:

Thợ xây ở nông thôn, ai bảo vệ họ?

Hằng năm ở Việt Nam xảy ra không ít những vụ tai nạn lao động, không ít trong số đó là những người làm nghề thợ xây, làm nghề tự do tại các vùng quê. Mà ở đó, họ không hề có hợp đồng lao động, hay một tổ chức nào đứng ra bảo vệ quyền lợi cho mình.

Tai nạn luôn gần kề.

Mới đây nhất, ngày 15 tháng 11, tại ngôi nhà đang xây dựng của ông Nguyễn Văn Tuấn địa bàn xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội, đã xảy ra một vụ tai nạn thương tâm. Vào thời điểm trên, khi đang đổ mái bê-tông tầng 3, thì toàn bộ phần đang đổ bất ngờ đổ sập xuống chôn vùi những người có mặt bên trong công trình.

Vụ tai nạn thương tâm đã cướp đi tính mạng của anh Nguyễn Văn Khánh ( 25 tuổi), quê ở xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, cùng 5 người khác bị thương nặng, hiện đang cấp cứu tại bệnh viện…

Trước đó ngày mùng 5 tháng 11, một căn nhà đang xây tại ấp 2 xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM bất ngờ đổ sập khiến 11 người bị thương phải vào viện cấp cứu, 8 khối bê tông lăn vào các nhà dân xung quanh đè nát nhiều xe máy.

Những vụ tai nạn thương tâm trên đã đánh lên một hồi chuông cảnh báo về tình hình mất an toàn lao động tại các công trình xây dựng trên cả nước. Theo thống kê, trên cả nước cứ 3 ngày lại có một người mất vì tai nạn lao động. Tai nạn về thi công xây dựng hiện chỉ đứng thứ 2 về số người chết sau tai nạn giao thông. Rõ ràng đây là một vấn đề rất đáng báo động.

Người lao động thiếu ý thức bảo vệ bản thân.

Nguy hiểm là vậy, tuy nhiên, những người lao động họ rất thiếu ý thức tự bảo vệ bản thân, cũng như không có sự quan tâm bảo vệ người lao động một cách đúng mức của cách chủ thầu, đặc biệt là những công trình xây dựng nhỏ lẻ ở nông thôn.

Theo anh Trịnh Văn Ngọc, một trong những nạn nhân trong vụ sập nhà tại huyện Mỹ Đức cho biết, anh cùng những người khác đi làm, không hề có bất cứ một hợp đồng lao động, mà tất cả chỉ là thỏa thuận bằng miệng với người thuê làm, khi đi làm, anh không được chủ trang bị cho mình trang bị bảo vệ lao động, cũng như kiến thức về an toàn lao động.

Khi tai nạn xảy ra, những người lao động sẽ không có cơ sở để đòi hỏi quyền lợi về mình khi không có hợp đồng ràng buộc. Cũng theo anh Ngọc, việc xảy ra tai nạn là điều không may, anh và những người khác không hề có ý định kiện, hay đòi hỏi thêm quyền lợi về mình.

Ý kiến luật sư…

Nội dung tham khảo ý kiến luật sư:

Hiện nay quy định của pháp luật về việc bảo vệ người lao động tự do? và các quy định về an toàn xây dựng?

Khi tai nạn xảy ra ai sẽ là người đền bù cho họ khi mà không có bất cứ hợp đồng lao động nào?

Ý kiến của luật sư như sau:

  1. Quy định của pháp luật về việc bảo vệ người lao động tự do như sau:

Bộ luật lao động năm 2012 có hiệu lực áp dụng từ ngày 01/5/2013, và Nghị định số 05/2015 có hiệu lực từ ngày 01/3/2015 hướng dẫn thi hành một số điều của Bộ luật Lao động năm 2012 có các quy định liên quan đến người lao động, mà điển hình là đối tượng người lao động mà nhà báo đề cập như sau:

  • Người lao động là người từ đủ 15 tuổi trở lên, có khả năng lao động, làm việc theo hợp đồng lao động, được trả lương và chịu sự quản lý, điều hành của người sử dụng lao động.
  • Người sử dụng lao động là doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, hợp tác xã, hộ gia đình, cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo hợp đồng lao động; nếu là cá nhân thì phải có năng lực hành vi dân sự đầy đủ.

=> Như vậy, nhà báo có thể thấy là trong luật định thì quan hệ lao động giữa hai bên là bên thuê lao động và bên lao động phải được xác lập với nhau bằng một hợp đồng lao động.

Bộ luật Lao động cũng quy định rõ:

  • Quan hệ lao động là quan hệ xã hội phát sinh trong việc thuê mướn, sử dụng lao động, trả lương giữa người lao động và người sử dụng lao động.
  • Hợp đồng lao động là sự thoả thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả lương, điều kiện làm việc, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động.
  • Hợp đồng lao động phải được giao kết bằng văn bản và được làm thành 02 bản, người lao động giữ 01 bản, người sử dụng lao động giữ 01 bản, trừ trường hợp: Đối với công việc tạm thời có thời hạn dưới 03 tháng, các bên có thể giao kết hợp đồng lao động bằng lời nói.

Như vậy, để được pháp luật bảo vệ, thì mọi người lao động – là những người trên 15 tuổi mà có khả năng lao động để được trả lương, phải giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động – là tổ chức, cá nhân có sử dụng người lao động bằng việc trả lương cho người lao động, chỉ trừ trường hợp là giao kết hợp đồng lao động để làm 1 công việc có thời gian hoàn thành dưới 03 tháng – tức là lao động tạm thời thì có thể bằng lời nói.

Khái niệm lao động tự do ở đây nhà báo đề cập đến, tôi hiểu là nhà báo muốn nói đến những người thợ xây làm công việc thi công xây dựng cho các công trình, có thể lớn, có thể nhỏ nhưng không ký hợp đồng lao động bằng văn bản với người thuê mình làm. Mà vì không ký hợp đồng lao động nên họ cũng không thể tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, nên cũng không được hưởng bất kỳ chế độ nào liên quan đến bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp. Tự do là ý như vậy.

Bộ luật Lao động công bằng và bình đẳng với mọi đối tượng người lao động – cứ có khả năng lao động, được thuê mướn bởi một tổ chức hoặc cá nhân mà tổ chức, cá nhân này có trả công/trả lương thì người được trả công/trả lương đó được gọi là người lao động. Bộ luật Lao động cũng quy định rõ nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động là phải giao kết hợp đồng bằng văn bản nếu sử dụng lao động trên 03 tháng. Nên nếu thực tế, cứ thực hiện một công việc có thời hạn trên 03 tháng mà không ký văn bản hợp đồng lao động là cả hai bên đã không tuân thủ đúng theo quy định của Bộ luật Lao động.

Do đó, bản thân người lao động phải tìm hiểu, phải nắm được quy định này để tự bảo vệ mình, một quyền mà pháp luật đã trao cho người lao động.

Việc thực hiện không đúng quy định của Bộ luật Lao động về giao kết hợp đồng lao động thì tùy thuộc vào mức độ lỗi, mức độ nghiêm trọng của hành vi vi phạm, mà người sử dụng lao động hoặc người lao động sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Nghị định số 95/2013/NĐ-CP.

  1. Quy định của pháp luật về an toàn trong xây dựng như sau:

An toàn trong thi công xây dựng công trình đã được quy định cụ thể trong Thông tư số 14/2014/TT-BXD ngày 05/9/2014 của Bộ Xây dựng ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia An toàn trong xây dựng quy định về các quy chuẩn đảm bảo an toàn trong thi công xây dựng công trình.

Vậy nên, mọi chủ thể tham gia vào hoạt động thi công xây dựng công trình – bất kể là công trình nào thì đều phải tuân thủ quy chuẩn nêu trên, đặc biệt là từ phía người sử dụng lao động là người thuê lao động thì nhất thiết phải tuân thủ quy chuẩn này để đảm bảo an toàn về tính mạng và sức khỏe cho người lao động.

Tuy nhiên, trên thực tế thi công hiện nay, ngày nào cũng xảy ra tai nạn, cướp đi sinh mạng của nhiều người lao động mỗi ngày là một thực tế đáng báo động về việc không tuân thủ nghiêm chỉnh quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng.

Nói như vậy có nghĩa là quy định của pháp luật thì có đầy đủ, chế tài cũng có đầy đủ từ xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng cho đến phạt tù – chế tài hình sự, nhưng khâu thực thi trên thực tế cần phải có sự tham gia quyết liệt hơn của các cơ quan chức năng để đảm bảo luật pháp được thi hành công minh và công bằng.

 

  1. Khi tai nạn xảy ra, thì người lao động được đền bù như sau:

Câu hỏi của nhà báo phản ánh thực trạng hiện nay là Khi tai nạn xảy ra thì ai sẽ đền bù cho người lao động khi họ không có bất cứ văn bản hợp đồng nào đã ký? Hoặc thậm chí tệ hơn, tôi còn được biết nhiều trường hợp, tai nạn chết người, chủ thầu bỏ trốn luôn, tìm không thấy. Vậy số phận người lao động đã chết và con cái họ, cha mẹ già của họ thì ai sẽ lo?

Theo tôi được biết thì khi tai nạn lao động xảy ra, nhiều trường hợp có người lao động chết do tai nạn lao động thì đều có công an vào cuộc và nhiều trường hợp công an đã khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can đối với chủ thầu xây dựng, chuyển viện kiểm sát truy tố trước tòa án để xét xử và có nhiều trường hợp chủ thầu xây dựng đã bị phạt tù. Trong các vụ án đó, ngay trong thời gian công an điều tra thì chủ thầu xây dựng cũng đã phải chi trả cho gia đình nạn nhân thiệt mạng các khoản tiền lớn nhỏ nhằm mong được giảm nhẹ hình phạt (thường là phạt tù giam).

Trên thực tế thì cho dù không có văn bản hợp đồng lao động được ký kết giữa người lao động và người sử dụng lao động, thì khi tai nạn lao động xảy ra, dù là tổn hại sức khỏe phải điều trị tại bệnh viện hay tử vong thì những người lao động xấu số đó đều được chi trả tiền viện phí, tiền ma chay, và một phần tiền bồi thường từ phía chủ thầu xây dựng, trừ trường hợp chủ thầu bỏ trốn và tạm thời chưa tìm thấy. Đó là thực trạng hiện nay.

Tuy nhiên, người lao động rất thiệt thòi khi không tuân thủ giao kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động. Thiệt thòi ở chỗ là họ không có văn bản hợp đồng lao động thì không được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, mà theo đó họ không được hưởng bất kỳ chế độ nào về bảo hiểm xã hội (hưu trí, thai sản, tử tuất, tai nạn lao động …), hay bảo hiểm y tế (khám, chữa bệnh) hoặc bảo hiểm thất nghiệp (khi không có việc làm)…

Do vậy, từ góc độ của người làm nghề tư vấn pháp luật, và cũng đã từng ở vị trí của người lao động, hơn thế tôi cũng có họ hàng, đồng hương hay rộng hơn là đồng bào của mình thuộc đối tượng người lao động tự do mà nhà báo đề cập ở đây, tôi tha thiết mong muốn các cơ quan chức năng từ Liên đoàn Lao động, đến các bộ, ngành, chính quyền địa phương, và cả các phương thiện truyền thông, thông tin, báo chí thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến, cập nhật về pháp luật lao động để mỗi người lao động hiểu được quyền và nghĩa vụ khi họ là người lao động.

Tôi cũng rất mong muốn tự thân những người lao động khi mang sức lao động của mình đi bán để đổi lấy miếng cơm, manh áo cho chính mình, cho gia đình mình, hãy chủ động tìm kiếm thông tin, nghiên cứu quy định của pháp luật để hiểu và tự bảo vệ mình. Bên cạnh đó, tôi cũng rất mong mỏi các cơ quan thanh tra về xây dựng các cấp từ trung ương xuống đến địa phương sẽ sát sao hơn trong việc kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định của pháp luật về an toàn xây dựng trong việc thi công xây dựng các công trình. Làm được như vậy, tôi tin rằng tỷ lệ tai nạn lao động sẽ giảm xuống đáng kể, và tỷ lệ người lao động thực tế sẽ được Luật lao động bảo vệ quyền lợi tốt hơn.