Bảo hộ sáng chế cho Việt Kiều

0
456

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW có phần trao đổi với phóng viên kênh VTC10-Truyền hình Netviet về việc Bảo hộ sáng chế cho Việt Kiều

Sau đây là nội dung bài phóng vấn:

Phóng viên: Tôi là Việt Kiều Mỹ, tôi có giải pháp xử lý rác thải và muốn đưa công nghệ này vào Việt Nam, tôi băn khoăn là tại Việt Nam, có cơ chế bảo hộ phát minh sáng chế không?

Trả lời: Tất cả các đơn xin cấp Bằng độc quyền sáng chế trên lãnh thổ Việt Nam phải được gửi tới Cục sở hữu trí tuệ Việt Nam (NOIP).

Chủ đơn là cá nhân mang quốc tịch Việt Nam có thể nộp hồ sơ trực tiếp, Chủ đơn là cá nhân mang quốc tịch nước ngoài phải thực hiện thông qua các đại diện sở hữu trí tuệ của Việt Nam.

Có 2 cách để thực hiện đăng ký sáng chế tại Việt Nam: thông qua con đường cấp quốc gia hoặc theo Hiệp ước hợp tác về sáng chế (PCT – Patent Cooperation Treaty)

Đăng ký theo Hiệp ước PCT chỉ dành cho những bằng sáng chế đã đăng ký ở những nước tham gia Hiệp ước trước khi đăng ký ở Việt Nam.

Khi đăng ký ở Việt Nam, ngày nộp đơn ở nước ngoài được công nhận và sử dụng (ngày ưu tiên).

Vậy sáng chế của bạn có thể được bảo hộ tại Việt Nam.

Phóng Viên: Đối tượng nào được bảo hộ độc quyền dưới danh nghĩa là sáng chế?

Trả lời: Theo Điểm b Điều 25.3 Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN của Bộ Khoa học và Công nghệ, đối tượng được bảo hộ dưới danh nghĩa sáng chế là giải pháp kỹ thuật dưới dạng sản phẩm hoặc quy trình.

  • Sản phẩm dưới dạng vật thể (dụng cụ, máy móc, thiết bị, linh kiện, mạch điện…) được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về kết cấu, hoặc sản phẩm dưới dạng chất thể (vật liệu, chất liệu, thực phẩm, dược phẩm…) được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về sự hiện diện, tỉ lệ và trạng thái của các phần tử, có chức năng (công dụng) như một phương tiện nhằm đáp ứng một nhu cầu nhất định của con người; hoặc sản phẩm dưới dạng vật liệu sinh học (gen, thực vật/động vật biến đổi gen…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin về một sản phẩm chứa thông tin di truyền bị biến đổi dưới tác động của con người, có khả năng tự tái tạo.
  • Quy trình (quy trình công nghệ; dự báo, phương pháp kiểm tra, xử lý…) được thể hiện bằng một tập hợp các thông tin xác định cách thức tiến hành một quá trình, một công việc cụ thể được đặc trưng bởi các dấu hiệu (đặc điểm) về trình tự, điều kiện, thành phần tham gia, biện pháp, phương tiện thực hiện các thao tác nhằm đạt được một mục đích nhất định.

Phóng Viên : Điều kiện bảo hộ độc quyền sáng chế là gì ?

Trả lời : Theo Điều 58 Luật Sở hữu trí tuệ, sáng chế được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền sáng chế nếu đáp ứng các điều kiện sau đây: có tính mới; có trình độ sáng tạo; và có khả năng áp dụng công nghiệp.

Trong trường hợp sáng chế không đáp ứng tiêu chuẩn về tính sáng tạo nhưng có tính mới và có khả năng áp dụng công nghiệp thì sáng chế sẽ được bảo hộ dưới hình thức cấp Bằng độc quyền giải pháp hữu ích.

  • Tính mới: Sáng chế được đánh giá là có tính mới nếu như trước ngày nộp đơn, không có một sáng chế giống hệt nào được bộc lộ công khai trong những ấn phẩm trong nước cũng như nước ngoài, được sử dụng hoặc được biết đến rộng rãi dưới bất kỳ hình thức nào ở trong nước cũng như ở nước ngoài, cũng như không có bất kỳ một đơn nào khác yêu cầu bảo hộ sáng chế giống hệt  được nộp vào Cục Sở hữu trí tuệ và  được công bố sớm hơn ngày nộp đơn hay ngày ưu tiên của đơn đang được thẩm định. Lưu ý rằng sự bộc lộ ở đây không hề có một sự giới hạn nào về vị trí địa lý, lãnh thổ hay ngôn ngữ thể hiện mà chỉ bị giới hạn về thời gian bộc lộ.
  • Trình độ sáng tạo: Sáng chế chỉ được coi là có trình độ sáng tạo nếu căn cứ vào các giải pháp kỹ thuật đã biết, sáng chế được coi là một bước tiến sáng tạo và không được tạo ra một cách dễ dàng đối với người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng.
  • Khả năng áp dụng công nghiệp: Sáng chế được coi là có khả năng áp dụng công nghiệp nếu có thể thực hiện được việc chế tạo, sản xuất hàng loạt sản phẩm hoặc áp dụng lặp đi lặp lại quy trình là nội dung của sáng chế và thu được kết quả ổn định.

Phỏng Viên: Quy trình xử lý đơn sáng chế tại NOIP thế nào?

Trả lời: Để cấp đơn sáng chế, cần có quy trình như sau:

  • Thẩm định hình thức: 01 tháng kể từ ngày nộp bộ hồ sơ hợp lệ
  • Công bố đơn: 19 tháng kể từ ngày ưu tiên hoặc kể từ ngày nộp đơn (nếu không có ngày ưu tiên) hoặc trong vòng 02 tháng kể từ ngày chấp nhận đơn hợp lệ tùy thuộc vào ngày nào muộn hơn
  • Thẩm định nội dung: 18 tháng kể từ ngày công bố đơn, đối với đơn giải pháp hữu ích là 12 tháng
  • Cấp văn bằng: 01 tháng

Trường hợp đơn đăng ký suôn sẻ, tổng thời gian đăng ký từ lúc nộp đơn đến lúc cấp bằng là 33-39 tháng.

Phóng Viên: Thủ tục đăng ký thế nào? Doanh nghiệp cần chuẩn bị tài liệu gì?

  1. Thủ tục đăng ký:
  • Bản mô tả sáng chế theo đúng yêu cầu về hình thức và nội dung theo quy định của pháp luật
  • Tên và địa chỉ của người nộp đơn và tác giả sáng chế
  • Giấy ủy quyền (nếu nộp đơn thông qua đại diện).
  1. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ:

Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực trong vòng 20 năm kể từ ngày nộp đơn

Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực trong vòng 10 năm kể từ ngày nộp đơn.

Mời Quý vị đón xem nội dung video tại đây: