Bảo vệ cổ đông nhỏ lẻ trong công ty cổ phần.

0
754

Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài phỏng vấn luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch SBLAW trong chương trình doanh nghiệp kênh VITV.

Câu hỏi 1: Thưa ông, ông đánh giá như thế nào về những thay đổi trong luật Doanh nghiệp 2014 liên quan đến các quy định về quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ?

So với Luật Doanh nghiệp 2014 đã có gì khác biệt?

Trả lời: Trước hết cần thống nhất với nhau về cách hiểu như thế nào là cổ đông nhỏ lẻ.

Cổ đông nhỏ lẻ được hiểu là cổ đông góp vốn với một tỷ lệ nhỏ, hay còn được gọi là cổ đông thiểu số. Nhưng như thế nào là tỷ lệ nhỏ thì kể cả trong Luật DN 2005 lẫn Luật DN 2014 đều không có quy định cụ thể. Luật DN 2005 có quy định riêng: “Cổ đông sở hữu từ 5% tổng số cổ phần trở lên phải được đăng ký với cơ quan ĐKKD có thẩm quyền trong thời hạn 7 ngày làm việc, kể từ ngày có được tỷ lệ sở hữu đó” (khoản 4, Điều 86). Luật Chứng khoán 2006 lại có riêng một tiêu chí xác định cổ đông lớn, theo đó “Cổ đông lớn là cổ đông sở hữu trực tiếp hoặc gián tiếp từ 5% trở lên số cổ phiếu có quyền biểu quyết của tổ chức phát hành” (khoản 6, Điều 9). Tuy nhiên, cũng không thể căn cứ vào những quy định này để nhận định rằng cổ đông thiểu số là những cổ đông sở hữu dưới 5% tổng số cổ phần của công ty. Do đó, trong phạm vi bài phỏng vấn này, khái niệm cổ đông thiểu số được hiểu là những cổ đông, nhóm cổ đông sở hữu ít cổ phần hơn so với những cổ đông, nhóm cổ đông khác vì thế ở vị thế bất lợi hơn trong việc biểu quyết các vấn đề của công ty cổ phần.

Tôi đánh giá Luật DN 2014 đã có những thay đổi đáng kể liên quan đến việc bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, khắc phục được những điểm vướng mà Luật DN 2005 mắc phải nhưng chưa giải quyết được.

Những điểm mới của Luật DN 2014 trong việc bảo vệ cổ đông thiểu số thể hiện ở các chế định:

–         Quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông.

–         Đại diện của cổ đông thiểu số trong bộ máy quyền lực của công ty cổ phần.

–         Tỷ lệ biểu quyết các vấn đề trong công ty cổ phần.

–         Quy định về khởi kiện thành viên HĐQT, Giám đốc.

–         Quy định về quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực của Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông.

Qua những thay đổi trong Luật DN 2014, chúng ta có thể nhận thấy tư tưởng chỉ đạo trong soạn thảo đó là trao thêm quyền tự chủ trong hoạt động kinh doanh cho doanh nghiệp. Việc tăng thêm thẩm quyền, loại bỏ bớt những rào cản trong việc quản lý công ty sẽ tạo động lực cho các công ty cổ phần phát triển trong giai đoạn sắp tới. So với Luật DN 2005 và các văn bản hướng dẫn thi hành, thì Luật DN 2014 có nhiều quy định mới trực tiếp hoặc gián tiếp ảnh hưởng đến cơ chế bảo vệ cổ đông nhỏ trong công ty cổ phần.

Câu hỏi 2: Những quy định mới của Luật DN 2014 đã chú trọng vào việc bảo vệ quyền lợi của cổ đông nhỏ lẻ hay chưa? Những thay đổi về tổ chức Đại hội cổ đông đã được triển khai theo hướng bảo vệ tiếng nói của cổ đông nhỏ lẻ hay chưa?

Trả lời: Theo đánh giá của tôi thì những quy định mới của Luật DN 2014 đã chú trọng vào việc bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số, cụ thể như sau:

(i)      Quy định về quyền dự họp Đại hội đồng cổ đông:

  • Luật DN 2005 chỉ quy định 02 hình thức là (1) tham gia trực tiếp và (2) thông qua ủy quyền cho người đại diện.

Quy định này là quá cứng nhắc so với sự phát triển của khoa học kỹ thuật và là nguyên nhân dẫn đến những hành vi vi phạm pháp luật “bất đắc dĩ” là công ty tự đặt ra các tiêu chí về điều kiện để hạn chế sự tham gia của cổ đông thiểu số. Để hạn chế tình trạng này, Nghị định 102/2010/NĐ-CP có bổ sung thêm một hình thức tham gia Đại hội đồngcổ đông là (3) gửi phiếu biểu quyết bằng thư đảm bảo đến Hội đồng quản trị chậm nhất 01 ngày trước khi khai mạc Đại hội đồngcổ đông. Đây là một hướng đi tích cực, tuy nhiên cũng không thể giải quyết hiệu quả vấn đề nêu trên bởi: (a) Trên nguyên tắc thì đây là một trường hợp điển hình mà nghị định sửa luật. Và (b) Dù bổ sung thêm một hình thức thì quy định này vẫn còn tương đối cứng nhắc và không phải cổ đông nào cũng có điều kiện để tham gia họp Đại hội đồngcổ đông theo ba hình thức trên. Thực tế, có nhiều công ty lớn đã áp dụng việc họp trực tuyến và biểu quyết online và đã thống nhất được các nội dung trong cuộc họp. Tuy nhiên, để kết quả của việc biểu quyết được công nhận thì các cổ đông vẫn phải bỏ vào thư bảo đảm và gửi cho Hội đồng quản trị . Đây có thể xem là những phiền phức, gánh nặng không cần thiết đối với các cổ đông.

  • Nhận thức được vấn đề này, Luật DN 2014 đã có một bước thay đổi rất tích cực, bên cạnh hình thức (1) tham gia trực tiếp và (2) thông qua đại diện theo uỷ quyền thì còn có các (3) “hình thức khác” do pháp luật, điều lệ công ty quy định. Mặc dù “các hình thức khác” ở đây cũng chưa được làm rõ, nhưng quy định này đã trao quyền chủ động cho các doanh nghiệp trong việc tổ chức họp Đại hội đồngcổ đông, bảo đảm quyền và lợi ich của toàn bộ các cổ đông. Các hình thức khác ở đầy được hiểu là việc áp dụng linh hoạt các biện pháp, công cụ, phương tiện điện tử như truyền hình trực tiếp, kết nối trực tiếp hai chiểu, các phần mềm họp trực tuyến… phù hợp với các đặc điểm cụ thể của từng công ty.

(ii)    Những thay đổi về tổ chức Đại hội cổ đông đã được triển khai theo hướng bảo vệ tiếng nói của cổ đông thiểu số, cụ thể như sau:

–         Luật DN 2005 quy định tỷ lệ 65% và 75% là những tỉ lệ sở hữu cổ phần mang tính chất quyết định. Điều này có nghĩa là những cổ đông, nhóm cổ đông giữ 35% hoặc 25% sẽ có quyền phủ quyết các quyết định của Đại hội đồngcổ đông và Hội đồng quản trị liên quan đến các nội dung tại điều 102 và 104 L uật DN 2005.

–         Những tỉ lệ này trong Luật DN 2014 lần lượt là 51% và 65%. Việc giảm tỉ lệ cổ phần để thông qua nghị quyết của Đại hội đồngcổ đông có ý nghĩa trong việc quyết định các vấn đề quan trọng của công ty từ đó việc quản lý công ty có hiệu quả hơn. Nhờ quy định này sẽ hạn chế những trường hợp chỉ vì lợi ích của một thiểu số cổ đông trong công ty mà ngăn cản những chính sách lớn có lợi cho đa số cổ đông. Tuy nhiên, xét trên phương diện bảo vệ cổ đông thiểu số, quy định này sẽ có tác động tiêu cực khi mà phần sở hữu của nhiều cổ đông nhỏ sẽ không còn giá trị. Theo đó, các cổ đông hoặc nhóm cổ đông chỉ cần có đủ 51 hoặc 65% cổ phần là có thể quyết định các vấn đề của công ty. Một khi họ đã đạt được một mức sở hữu cổ phần nhất định thì tiếng nói, ý kiến hay phiếu bầu của các cổ đông còn lại không còn ý nghĩa.

Câu hỏi 3: Thực tế, mối quan hệ cổ đông và ban lãnh đạo doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong quá trình phát triển doanh nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn các DN hiện tại không đánh giá quan trọng vai trò này. Ông đánh giá gì về thực trạng này? Cần phải làm gì để cải thiện mối quan hệ này?

Trả lời:  Nói chính xác thì phải là thực trạng hiện nay ban lãnh đạo hay ban điều hành gồm HĐQT và Giám đốc không đánh giá đúng về vai trò quan trọng của mối quan hệ giữa họ với các cổ đông, đặc biệt là cổ đông thiểu số. Vì thông thường các cổ đông sở hữu vốn với tỷ lệ lớn sẽ phải hoặc sẽ được bầu vào làm thành viên HĐQT hay người đại diện theo pháp luật của công ty. Điều đó là tất nhiên, vốn của họ lớn, thì rủi ro cao thuộc về họ. Tuy nhiên, thực tế, những người này lại không coi trọng vai trò cũng như không chú ý đến việc bảo đảm cho quyền lợi hợp pháp của cổ đông thiểu số.

Để cải thiện mối quan hệ này, theo tôi, phải xuất phát từ hai phía cả cổ đông thiểu số và cổ đông lớn – Ban điều hành doanh nghiệp đều phải nhận thức đúng về quyền và nghĩa vụ của cổ đông phổ thông, dù là lớn hay thiểu số. Quy định trong Điều lệ của mỗi công ty cần phải cụ thể, rõ ràng và có tính khả thi. Khi nhận thức và hiểu được đúng quyền của mình, cổ đông thiểu số sẽ biết cách đấu tranh để quyền lợi của mình được đảm bảo.

Nếu vì lý do này hay lý do khác mà cổ đông thiểu số không có điều kiện nghiên cứu để hiểu rõ luật đã định cho mình những quyền gì, họ nên luôn có luật sư trợ giúp cho họ về mặt pháp lý để trong mọi hoàn cảnh, ít nhất những quyền lợi mà luật cấp cho họ phải được thực thi.

Câu hỏi 4: Khi Doanh nghiệp không thực hiện đúng cam kết với cổ đông, ví dụ như: Chi trả cổ tức; hoặc sử dụng tiền huy động vốn sai mục đích, thì cổ đông sẽ căn cứ vào đâu để đòi lại quyền lợi của mình?

Trả lời: Cổ đông thiểu số sẽ căn cứ vào chính quyền của mình đã được pháp luật quy định để đòi quyền lợi cho mình. Nhưng, để điều này khả thi thì cổ đông thiểu số phải được trang bị kiến thức pháp luật đủ để nhận diện đâu là quyền của mình? Trình tự thủ tục nào mình phải thực hiện để đòi quyền cho mình. Cái cốt yếu vẫn nằm ở sự hiểu biết và nhận thức của cổ đông.

Luật DN 2014 quy định rõ hàng lang pháp lý để bảo vệ quyền lợi của cổ đông thiểu số như sau:

(i)      Quy định về khởi kiện thành viên Hội đồng quản trị , giám đốc và tổng giám đốc:

Theo đó, cổ đông hoặc nhóm cổ đông giữ ít nhất 1% tổng số cổ phần của công ty liên tục trong thời hạn 06 tháng sẽ được quyền tự mình hoặc nhân danh công ty khởi kiện. Quy định này sẽ giảm bớt tính phức tạp trong thủ tục khởi kiện những chức danh quản lý của công ty. Quan trọng hơn, chi phí khởi kiện trong trường hợp cổ đông, nhóm cổ đông khởi kiện nhân danh công ty sẽ được tính vào chi phí của công ty trừ trường hợp thành viên khởi kiện bị bác đơn. Quy định này sẽ nâng cao ý thức tự bảo vệ quyền lợi của mình của các cổ đông.

(ii)    Quyền yêu cầu huỷ bỏ nghị quyết của hội đồng cổ đông:

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhận được biên bản họp Đại hội đồng cổ đông, bất cứ cổ đông hay thành viên Hội đồng quản trị, Giám đốc, Tổng giám đốc đều có quyền yêu cầu toà án hoặc trọng tài xem xét và huỷ bỏ quyết định của Đại hội đồng cổ đông. Quy định này tương đối có lợi đối với các cổ đông nhỏ vì bất kể họ sở hữu bao nhiêu cổ phần, trong những trường hợp luật định, họ vẫn được trao quyền yêu cầu huỷ bỏ quyết dịnh của đại hội đồng cổ đông. Quyền yêu cầu này chỉ được trao cho các cổ đông, thành viên Hội đồng quản trị trong một số trường hợp nhất định, bao gồm:

  • Trình tự thủ tục triệu tập Đại hội đồng cổ đông có vi phạm
  • Trình tự thủ tục ra quyết định hoặc nội dung quy định trái với pháp luật, điều lệ công ty.