Câu hỏi: Trong hồ sơ mời thầu (HSMT) quy định thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu (HSDT) tối thiểu là 100 ngày kể từ thời điểm đóng thầu. Có 3 nhà thầu nộp hồ sơ, trong đó có 1 nhà thầu mà sau khi xem xét các tiêu chí giá cả và chất lượng sản phẩm cung ứng, tổ tư vấn nhận thấy là có chất lượng tốt và phù hợp nhất nhưng HSDT của nhà thầu lại ghi thời gian có hiệu lực của HSDT là 60 ngày kể từ ngày có thời điểm đóng thầu. Vậy bên chủ đầu tư có thể làm văn bản yêu cầu nhà thầu gia hạn thời gian có hiệu lực của HSDT, và nếu nhà thầu gia hạn lên thành 100 ngày thì nhà thầu có được xem xét đánh giá tiếp không?
Luật sư tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu là số ngày được quy định trong hồ sơ mời thầu và được tính kể từ ngày có thời điểm đóng thầu đến ngày cuối cùng có hiệu lực theo quy định trong hồ sơ mời thầu.
Theo quy định của Luật đấu thầu 2013, thời gian có hiệu lực của Hồ sơ dự thầu tối đa 180 ngày tính từ thời điểm đóng thầu:
“Điều 12. Thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư
1. Thời gian trong quá trình lựa chọn nhà thầu:
………………………
l) Thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất tối đa là 180 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu; trường hợp gói thầu quy mô lớn, phức tạp, gói thầu đấu thầu theo phương thức hai giai đoạn, thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu tối đa là 210 ngày, kể từ ngày có thời điểm đóng thầu. Trường hợp cần thiết, có thể yêu cầu gia hạn thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất và phải bảo đảm tiến độ dự án; …”.
Căn cứ Điểm x Khoản 2 Điều 18 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định hồ sơ dự thầu hợp lệ phải có hiệu lực đáp ứng yêu cầu theo quy định của hồ sơ mời thầu.
Trong hồ sơ mời thầu của đơn vị bạn quy định thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu tối thiểu là 100 ngày kể từ thời điểm đóng thầu, có 3 nhà thầu nộp hồ sơ trong đó có 1 nhà thầu mà sau khi xem xét các tiêu chí đánh giá đều phù hợp nhưng lại ghi thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu là 60 ngày kể từ thời điểm đóng thầu là không hợp lệ.
Căn cứ Điều 17 Nghị định 63/2014/NĐ-CP các trường hợp được sửa lỗi, hiệu chỉnh gồm:
– Lỗi số học bao gồm những lỗi do thực hiện các phép tính cộng, trừ, nhân, chia không chính xác khi tính toán giá dự thầu
– Tại cột thành tiền đã được điền đầy đủ giá trị nhưng không có đơn giá tương ứng thi đơn giá được xác định bổ sung bằng cách chia thành tiền cho số lượng; khi có đơn giá nhưng cột thành tiền bỏ trống thì giá trị cột thành tiền sẽ được xác định bổ sung bằng cách nhân số lượng với đơn giá; nếu một nội dung nào đó có điền đơn giá và giá trị tại cột thành tiền nhưng bỏ trống số lượng thì số lượng bỏ trống được xác định bổ sung bằng cách chia giá trị tại cột thành tiền cho đơn giá của nội dung đó
– Lỗi nhầm đơn vị tính: Sửa lại cho phù hợp với yêu cầu của hồ sơ mời thầu
– Trường hợp có khác biệt giữa những nội dung thuộc đề xuất kỹ thuật và nội dung thuộc đề xuất tài chính thì nội dung thuộc đề xuất kỹ thuật sẽ là cơ sở cho việc sửa lỗi
– Trường hợp có sai lệch về phạm vi cung cấp thì giá trị phần chào thiếu sẽ được cộng thêm vào, giá trị phần chào thừa sẽ được trừ đi theo mức đơn giá tương ứng trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu có sai lệch
– Trường hợp nhà thầu chào thiếu thuế, phí, lệ phí phải nộp theo yêu cầu nêu trong hồ sơ mời thầu thì bên mời thầu phải cộng các chi phí đó vào giá dự thầu. Phần chi phí này không được tính vào sai lệch thiếu
– Trường hợp nhà thầu có thư giảm giá, việc sửa lỗi và hiệu chỉnh sai lệch được thực hiện trên cơ sở giá dự thầu chưa trừ đi giá trị giảm giá
– Trường hợp nhà thầu có hồ sơ dự thầu được hiệu chỉnh sai lệch xếp hạng thứ nhất được mời vào thương thảo hợp đồng, khi thương thảo hợp đồng phải lấy mức đơn giá chào thấp nhất trong số các hồ sơ dự thầu khác vượt qua bước đánh giá về kỹ thuật để thương thảo đối với phần sai lệch thiếu
Như vậy, trường hợp sai ngày trong thời gian có hiệu lực của hồ sơ dự thầu không thuộc trường hợp được sửa lỗi hay hiệu chỉnh.