Bịt “lỗ hổng” ý thức

0
448
Trong bài viết “Bịt ” lỗ hổng” ý thức” của tác giả Ngọc Bảo được đăng tải trên báo An Ninh Thủ Đô có ý kiến đóng góp của Luật sư Nguyễn Thị Thu, luật sư  thành viên Công ty luật S&B (S&B Law). Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:
ANTĐ – Thực tế cho thấy, tình trạng người điều khiển xe máy điện – xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông trong thời gian qua chưa được xử lý triệt để là do các quy định đối với loại phương tiện này còn thiếu. Theo Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư TP Hà Nội quy định cấp biển số xe cho xe máy điện, xe đạp điện chính là cơ sở quan trọng, giúp cơ quan chức năng xử lý và quản lý chặt chẽ hơn.

 


Nhiều học sinh sử dụng xe đạp điện vi phạm Luật Giao thông, gây khó khăn
cho cơ quan chức năng trong việc xử lý (Ảnh minh họa)

Xử lý vi phạm giống như đối với xe máy

Luật sư Nguyễn Thị Thu cho hay, Luật Giao thông đường bộ (GTĐB) quy định, những người dưới 16 tuổi không được phép điều khiển xe đạp điện, xe máy điện, nếu vi phạm, CSGT sẽ lập biên bản xử lý. Cụ thể, đối với những người dưới 16 tuổi, mức phạt là cảnh cáo và áp dụng hình thức phạt bổ sung tạm giữ phương tiện 10 ngày. Sau khi hết hạn tạm giữ phương tiện, khi tới nhận phương tiện, người dưới 16 tuổi phải có người giám hộ đi cùng, phải viết cam kết không giao xe đạp điện, xe máy điện cho người chưa đủ tuổi điều khiển. Trường hợp người đủ từ 16 tuổi trở lên, được phép điều khiển xe đạp điện và phải chấp hành đội MBH, cũng như các quy tắc giao thông theo quy định của Luật GTĐB. Nếu vi phạm không đội MBH, sẽ bị áp dụng mức xử phạt bằng 1/2 mức phạt theo quy định từ 100.000 – 200.000 đồng.

Tuy vậy, Luật sư Nguyễn Thị Thu khẳng định sở dĩ thời gian qua loại phương tiện này được đông đảo người dân, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên sử dụng vì không tốn nhiều nhiên liệu, không phải đăng ký và không phải nộp phí đường bộ… Điều này, gây không ít khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xử lý các trường hợp vi phạm. Lý giải cho thực tế này, Luật sư Nguyễn Thị Thu cho rằng, do đối tượng vi phạm đa phần là học sinh nên lực lượng CSGT chỉ buộc các em phải viết bản cam kết, thông báo về nhà trường, nơi học sinh, sinh viên đang theo học và đề nghị có hình thức xử lý. Tuy nhiên, nếu các em nói dối tên, tuổi thì dù có gửi giấy báo vi phạm về nhà trường thì trường cũng không biết học sinh nào để giáo dục, tuyên truyền và xử lý. Do vậy, việc cấp biển số, đăng ký cho loại phương tiện này là thực sự cần thiết, giúp cho việc xác định tên tuổi, xử lý người vi phạm dễ dàng hơn. Bên cạnh đó, nên gộp 2 loại phương tiện này làm một và có chế tài quản lý, xử lý vi phạm giống như xe máy.

Về tình trạng xử lý và quản lý đối với loại phương tiện này, Trung tá Phạm Văn Tuyến – Đội phó Đội CSGT số 2 – Phòng CSGT – CATP Hà Nội cho biết, hiện việc giáo dục ý thức chấp hành Luật Giao thông cho học sinh đều được triển khai tại các trường THPT. Không ít học sinh khi được hỏi đều cho rằng “không biết đi xe đạp điện phải đội MBH”. Có lẽ đây là lỗi từ gia đình và nhà trường khi không giáo dục, phổ biến cho con em mình những quy định bắt buộc.

Anh Trần Minh Tuấn, ở quận Hoàn Kiếm, người hàng ngày đi lại bằng ô tô qua các tuyến phố Hà Nội lo lắng, khi nhìn thấy rất nhiều học sinh điều khiển xe đạp điện với tốc độ cao thậm chí lạng lách đánh võng, đi sai làn đường gây mất an toàn. Không những thế, hiện nay nhiều loại xe đạp điện không có đèn xi nhan nên khi các cháu sang đường, rẽ trái hay rẽ phải người tham gia giao thông rất khó phát hiện nên va quệt giữa xe đạp điện và các phương tiện khác là điều khó tránh khỏi. Do vậy, chất lượng của xe đạp điện cần được các cơ quan quản lý kiểm soát chặt chẽ và có quy định cụ thể hơn.

Tuyên truyền đi kèm với chế tài, xử lý

Từ nay cho đến cuối năm, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia sẽ thực hiện chiến dịch xử lý các vi phạm liên quan đến loại phương tiện này, đồng thời tuyên truyền cho các đơn vị chức năng và người dân cách phân biệt rõ khái niệm về xe đạp điện và xe máy điện để từ đó có những biện pháp khuyến cáo đối với người sử dụng và công tác quản lý được rõ ràng. Bên cạnh đó, Ủy ban sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan siết chặt việc đăng ký, quản lý chất lượng, nhập khẩu và đăng kiểm loại hình phương tiện này.

Trước vấn đề cấp biển số cho xe đạp điện là thực sự cần thiết, ông Trần Văn Toàn, nhân viên trông giữ xe ở khu vực Trần Hưng Đạo – Lý Thường Kiệt, Hoàn Kiếm chia sẻ, do người sử dụng phương tiện xe đạp điện, đặc biệt là đối tượng học sinh, sinh viên trong thời gian gần đây tăng mạnh nên nếu có biển số như xe máy thì những đơn vị trông giữ phương tiện sẽ kiểm soát dễ dàng hơn. Đặc biệt, trong trường hợp mất xe, dựa vào biển số cơ quan chức năng sẽ có căn cứ để xác minh, điều tra. Đồng tình với quan điểm này, nhiều phụ huynh cũng chia sẻ việc đăng ký cho xe đạp điện sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường và các cơ quan chức năng trong việc quản lý.

Theo Cục CSGT Đường bộ – Đường sắt, Bộ Công an, tại Hà Nội, thực tế kiểm tra cho thấy rất nhiều bậc phụ huynh không hướng dẫn để những công dân trẻ tuổi hiểu rõ và chấp hành Luật GTĐB trước khi mua xe đạp điện cho con em mình. Do vậy, thời gian tới, các ngành chức năng cần có quy định đối với những người chưa đủ tuổi điều khiển xe đạp điện phải trải qua một khóa học về Luật GTĐB, sau đó được cấp chứng chỉ thì mới được điều khiển phương tiện. Có như vậy, việc quản lý đối với người sử dụng và loại phương tiện này mới được bảo đảm an toàn và kiểm soát chặt chẽ hơn.

Bộ GTVT vừa ban hành quy chuẩn về xe đạp điện: Xe đạp điện vận tốc không quá 25km/h

Bộ GTVT vừa ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về xe đạp điện, có hiệu lực từ ngày 1-1-2014. Theo đó, Quy chuẩn đưa ra quy định về chất lượng an toàn kỹ thuật và phương pháp thử đối với xe đạp điện. Áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu, kiểm tra, thử nghiệm, quản lý và chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật xe đạp điện. Quy chuẩn cũng đã ra định nghĩa về xe đạp điện nhằm phân biệt với các loại phương tiện khác để khuyến cáo người sử dụng.Cụ thể, xe đạp điện là xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không quá 250W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không quá 25 km/h và có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắc quy) không lớn hơn 40kg. Tuy nhiên, chỉ xe đạp điện sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới phải kiểm tra, thử nghiệm. Cục Đăng kiểm Việt Nam chịu trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Quy chuẩn này.Ông Trần Kỳ Hình, Phó Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, sắp tới sẽ triển khai kiểm tra, thử nghiệm theo quy chuẩn này. “Chỉ các loại xe đạp điện có vận tốc, công suất động cơ theo quy chuẩn mới được cấp giấy chứng nhận chất lượng”. Theo lãnh đạo Cục Đăng kiểm, Quy chuẩn này bao gồm các tiêu chí quan trọng để ngăn chặn các loại xe tương tự như xe đạp điện nhưng có công suất động cơ lên tới hơn 350W và tốc độ có thể đạt tới 40-50km/h tham gia giao thông.  “Hiện nay, không có nước nào chấp nhận thiết kế xe đạp điện có tốc độ cao hơn 25km/h. Các xe có tốc độ cao hơn được nhập khẩu vào Việt Nam thời gian qua đa phần từ Trung Quốc, hình dáng giống xe đạp điện, bánh nhỏ nhưng được lắp ắc quy trên 240W, nên vận tốc đạt 40 km/h, tương đương xe máy dung tích 50cc”, ông Trần Kỳ Hình nhận định.