Dịch vụ đổi tiển lẻ vẫn hoạt động công khai

0
320
Trong bài viết “Dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn hoạt động công khai” của tác giả Ngọc Bảo được đăng tải trên báo An Ninh Thủ Đô có ý kiến đóng góp của Luật sư Nguyễn Thị Thu, luật sư  thành viên của  Công ty luật S&B (S&B Law). Chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết này:
ANTĐ – Mặc dù mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản đề nghị các cơ quan chức năng phối hợp kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh đổi tiển hưởng chênh lệch song loại dịch vụ này vẫn hoạt động công khai.

 


Quảng cáo dịch vụ đổi tiền lẻ trên mạng vẫn xuất hiện công khai

Mệnh giá nào cũng có

Theo ghi nhận, dịch vụ đổi tiển không chỉ xuất hiện trước cổng các đền, chùa mà ngay cả trên mạng internet loại dịch vụ này cũng tràn lan. Xu thế đổi tiền từ một địa điểm cố định như trước đây đang chuyển sang giao dịch qua mạng hoặc điện thoại và giao hàng tận nơi. Dịch vụ này có ở rất nhiều các website thương mại điện tử, facebook và các diễn đàn xã hội, thậm chí nhiều cơ sở còn thành lập website riêng chuyên đổi tiền. Những cơ sở này cung cấp công khai mệnh giá tiền đổi, chiết khấu phần trăm đối với từng loại tiền.

Theo quảng cáo dịch vụ đổi tiền lẻ được đăng trên mạng, phóng viên Báo ANTĐ đã gọi đến số điện thoại 09154… thì được một phụ nữ có tên là Quỳnh cho biết, muốn đổi bao nhiêu cũng có. Theo đó, các mệnh giá 500 đồng, 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng, 10.000 đồng, 20.000 đồng, 50.000 đồng luôn có sẵn. Tuy nhiên, mỗi loại mệnh giá lại có mức quy đổi khác nhau, cụ thể với loại 10.000 đồng và 20.000 đồng khách phải chịu mức phí từ 6%- 7%, loại 5.000 đồng là 12%, loại 2.000 là 10%, loại 500 đồng dao động từ 12-14 %… Khi được hỏi nếu muốn đổi tiền lẻ với số lượng lớn cơ sở có đủ lượng tiền để đổi cho khách thì người phụ nữ này khẳng định, tất cả các loại tiền với mệnh giá khác nhau đều có sẵn. Nếu có nhu cầu, khách hàng chỉ cần gọi điện thoại báo trước loại mệnh giá, số lượng tiền đổi để họ chuẩn bị và sẽ có người giao hàng tận nơi. Với số lượng nhiều, chủ cơ sở sẽ miễn phí vận chuyển, còn với số lượng ít, khách sẽ phải chịu phí vận chuyển từ 30.000- 40.000 đồng/lần, trong phạm vi nội thành.

Nắm bắt nhu cầu đổi tiền mới mệnh giá nhỏ tăng cao, đặc biệt là vào dịp trước Tết Nguyên đán, hiện tượng kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch nhằm trục lợi cá nhân phát triển rầm rộ. Trên thực tế, vào những dịp Tết và lễ hội, một số người dân còn kinh doanh dịch vụ đổi tiền mệnh giá nhỏ công khai tại các khu vực đền, chùa, lễ hội để hưởng chênh lệch. Mặc dù, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có quy định cấm cá nhân, tổ chức kinh doanh loại hình này nhưng đến nay dịch vụ đổi tiền lẻ vẫn ngang nhiên hoạt động.

Vi phạm pháp luật về tiền tệ

Theo Ngân hàng Nhà nước, trong những năm qua, nhu cầu tiền mới mệnh giá nhỏ (đặc biệt là tiền mới nguyên seri chưa qua sử dụng) trong dịp Tết Nguyên đán ngày một tăng cao đã tạo áp lực rất lớn đối với Ngân hàng Nhà nước nói riêng và ngành ngân hàng nói chung. Số tiền mệnh giá nhỏ này chỉ một phần dùng làm phương tiện thanh toán trong lưu thông, phần còn lại được sử dụng vào các hoạt động khác, trong đó có hoạt động lễ hội, tín ngưỡng. Qua khảo sát, việc sử dụng tiền mệnh giá nhỏ không hợp lý của người dân ở một số đền, chùa, lễ hội, nơi thờ tự (chủ yếu ở các tỉnh Bắc Trung bộ trở ra)… còn phổ biến. Tiền mệnh giá nhỏ được đặt một cách tùy tiện, rải khắp các khu vực trong các đền, chùa, khu vực lễ hội tâm linh tạo hình ảnh phản cảm, ảnh hưởng đến sự tôn nghiêm của di tích, làm sai lệch giá trị bản sắc văn hóa xã hội và làm xấu đi hình ảnh đồng tiền Việt Nam. Bên cạnh đó, tiền mệnh giá nhỏ được sử dụng không hợp lý, đúng chức năng gây ra lãng phí lớn cho xã hội trong việc in ấn, phát hành, kiểm đếm, phân loại, vận chuyển, bảo quản lượng tiền này.

Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn luật sư TP Hà Nội cho hay, theo quy định tiền tệ, thì những hành vi trao đổi tiền trên đây là vi phạm pháp luật. Do vậy để hạn chế những tiêu cực xảy ra đối với hình thức kinh doanh đổi tiền hưởng chênh lệch, góp phần khuyến khích người dân tham gia lễ hội gìn giữ, phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống, bảo vệ hình ảnh đồng tiền Việt Nam và tiết kiệm chi phí cho xã hội, cơ quan chức năng cần tăng cường kiểm tra, xử lý các cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đổi tiền hưởng chênh lệch tại các điểm di tích, đền, chùa, lễ hội, tạo môi trường và cảnh quan văn hoá nơi lễ hội tâm linh.