Bố mẹ có trách nhiệm trả nợ ngân hàng thay cho con không?

0
452

Câu hỏi: Cho tôi hỏi: Tôi có vay tín chấp thì hồ sơ vay vốn yêu cầu chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu. Sau một thời gian trả nợ, tôi nghỉ việc nên không còn khả năng chi trả cho ngân hàng. Ngân hàng đã kết thúc hợp đồng và bắt tôi phải thanh toán cả gốc lẫn lãi. Nếu tôi không hoàn trả được gốc và lãi cho ngân hàng thì bố mẹ của tôi có phải chịu trách nhiệm trả nợ thay cho tôi hay không?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Theo thông tin bạn cung cấp, bạn đã vay khoản vay tín chấp với ngân hàng. Đối với thủ tục vay tín chấp này, thì tùy chính sách của từng ngân hàng chỉ cần cung cấp chứng minh nhân dân và sổ hộ khẩu là bạn có thể vay mà không cần tài sản thế chấp. Theo quy định tại Điều 345 Bộ Luật Dân sự 2015, hợp đồng vay tiền phải nêu cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của bên vay và bên cho vay:

“Điều 345: Hình thức, nội dung tín chấp

Việc cho vay có bảo đảm bằng tín chấp phải được lập thành văn bản có xác nhận của tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp về điều kiện, hoàn cảnh của bên vay vốn.

Thỏa thuận bảo đảm bằng tín chấp phải cụ thể về số tiền, mục đích, thời hạn vay, lãi suất, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người vay, tổ chức tín dụng cho vay và tổ chức chính trị – xã hội bảo đảm bằng tín chấp”.

Khi bạn xác lập giao dịch vay tiền với ngân hàng bằng hợp đồng vay tiền thì bạn là bên vay phải đảm bảo nghĩa vụ trả nợ của mình. Trong thời hạn vay, bạn có trách nhiệm hoàn trả đầy đủ gốc và lãi như thỏa thuận mà hai bên đã thỏa thuận trong hợp đồng vay tiền theo quy định tại Điều 466 Bộ Luật Dân sự 2015 như sau:

“Điều 466: Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.

Lúc này, trách nhiệm trả nợ của bố mẹ bạn chỉ đặt ra trong trường hợp thực hiện nghĩa vụ liên đới theo quy định tại Điều 288 Bộ Luật Dân sự 2015:

“Điều 288: Thực hiện nghĩa vụ liên đới

1. Nghĩa vụ liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng phải thực hiện và bên có quyền có thể yêu cầu bất cứ ai trong số những người có nghĩa vụ phải thực hiện toàn bộ nghĩa vụ.

2. Trường hợp một người đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ thì có quyền yêu cầu những người có nghĩa vụ liên đới khác phải thực hiện phần nghĩa vụ liên đới của họ đối với mình.

3. Trường hợp bên có quyền đã chỉ định một trong số những người có nghĩa vụ liên đới thực hiện toàn bộ nghĩa vụ, nhưng sau đó lại miễn cho người đó thì những người còn lại cũng được miễn thực hiện nghĩa vụ.

4. Trường hợp bên có quyền chỉ miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho một trong số những người có nghĩa vụ liên đới không phải thực hiện phần nghĩa vụ của mình thì những người còn lại vẫn phải liên đới thực hiện phần nghĩa vụ của họ”.

Theo đó, nếu thời điểm giao kết hợp đồng vay tiền với ngân hàng, bố mẹ bạn đứng tên “đồng trả nợ” thì bố mẹ bạn mới có trách nhiệm liên đới trả khoản nợ đó cho ngân hàng cùng với bạn. Còn trong trường hợp này của bạn, khi bạn giao kết hợp đồng vay tiền với ngân hàng, bạn là người đứng tên bên vay thì bạn phải có trách nhiệm độc lập trả nợ cho ngân hàng. Bố mẹ của bạn không có trách nhiệm trả nợ thay cho bạn nếu bạn không trả được nợ cho ngân hàng.