Hành vi lấn chiếm đất bị xử lý như thế nào?

0
425

Câu hỏi: Nhà mình có mua lại mảnh đất ruộng từ một người trong thôn khoảng 303m. Do điều kiện cũng như đặc tính của loại đất không phù hợp khi cấy lúa nên mình đã tự ý chuyển đổi sang trồng cây lâu năm. Khi có kế hoạch cải tạo mình đã cho dây dựng hàng rào nhưng do diện tích đất hẹp nên mình đã xây dựng hàng rào lấn chiếm gần sát đường quốc lộ và lấn ra phía ngoài bờ sông. Trong quá trình xây dựng và gần như hoàn thiện thì phụ trách địa chính của xã đã ra kiểm tra và mời vào làm việc, lập biên bản vi phạm lấn chiếm đất trái phép và xử phạt 2 triệu đồng và yêu cầu trả lại mặt bằng trong thời hạn là 5 ngày, nếu không thực hiện sẽ bị cưỡng chế. Cho mình hỏi: Với tình hình như thế mình sẽ phải làm thế nào? Nếu vẫn muốn được sử dụng khu vực đất đó.

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Điều 170 Luật Đất đai năm 2013 có quy định về Nghĩa vụ của người sử dụng đất như sau:

– Sử dụng đất đúng mục đích, đúng ranh giới thửa đất, đúng quy định về sử dụng độ sâu trong lòng đất và chiều cao trên không, bảo vệ các công trình công cộng trong lòng đất và tuân theo các quy định khác của pháp luật có liên quan.

– Thực hiện kê khai đăng ký đất đai; làm đầy đủ thủ tục khi chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật.

– Thực hiện các biện pháp bảo vệ đất.

– Tuân theo các quy định về bảo vệ môi trường, không làm tổn hại đến lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất có liên quan.

– Tuân theo các quy định của pháp luật về việc tìm thấy vật trong lòng đất.

– Giao lại đất khi Nhà nước có quyết định thu hồi đất, khi hết thời hạn sử dụng đất mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền gia hạn sử dụng.

Nếu mà thửa đất đó của bạn đã được cấp GCNQSDĐ theo đúng quy định của pháp luật thì vẫn sẽ được sử dụng đất. Còn trong trường hợp muốn sử dụng đất đó với mục đích khác nhau thì bạn cần phải xin cấp giấy chuyển đổi sử dụng đất như sau:

Thủ tục chuyển đổi quyền sử dụng đất:

Bước 1: Bạn nộp hồ sơ chuyển đổi quyền sử dụng đất tại Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất hoặc tại Ủy ban nhân dân cấp xã để chuyển cho Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất (trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất tại nông thôn).

Hồ sơ chuyển đổi quyền sử dụng đất bao gồm:

Hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất ( có chứng thực của Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi có đất  hoặc công chứng nhà nước).

Giấy chứng nhận hoặc một trong các giấy tờ liên quan đến quyền sử dụng đất tại các khoản 1, 2, 5 Điều 100 Luật Đất Đai 2013 (Nếu có).

Tờ khai thu nhập cá nhân (nếu có).

Tờ khai lệ phí trước bạ (nếu có).

Bước 2: Trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có trách nhiệm thẩm tra hồ sơ, gửi hồ sơ cho cơ quan quản lý đất đai thuộc Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trường hợp các bên chuyển nhượng phải thực hiện mà nghĩa vụ tài chính đó được xác định theo số liệu địa chính thì văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất gửi số liệu địa chính đến cơ quan thuế để xác định nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật; văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất thông báo cho các bên chuyển nhượng thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày thực hiện xong nghĩa vụ tài chính, các bên tham gia chuyển đổi quyền sử dụng đất nhận giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại nơi đã nộp hồ sơ.

Tại Điều 12 Luật Đất đai năm 2013 có quy định:

“Điều 12. Những hành vi bị nghiêm cấm

1.Lấn, chiếm, hủy hoại đất đai …”.

Tại Điều 10 Nghị định số 102/2014/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai có quy định như sau:

“Điều 10. Lấn, chiếm đất

1. Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất nông nghiệp không phải là đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất.

2. Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất trồng lúa, đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất, đất phi nông nghiệp không phải là đất ở, trừ trường hợp quy định tại Khoản 4 Điều này.

3. Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi lấn, chiếm đất ở.

5. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng của đất trước khi vi phạm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này;

b) Buộc trả lại đất đã lấn, chiếm đối với hành vi quy định tại các Khoản 1, 2 và 3 Điều này”.