Phụ cấp nào thì được gọi là phụ cấp lương và các phụ cấp nào phải cho vào để tính tiền làm thêm

0
716

Doanh nghiệp hỏi: Chúng tôi là doanh nghiệp vận tải và muốn nhờ SBLAW tư vấn về một nội dung trong thông tư số 23/06/2015 của bộ lao động thương binh và xã hội (hướng dẫn một số điều về tiền lương của nghị định số 05/2015 NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015)

Trong thông thư này hướng dẫn về cách tính thời gian làm thêm trên cả phụ cấp lương.

Nhưng chúng tôi vẫn chưa hiểu các phụ cấp nào thì được gọi là phụ cấp lương và các phụ cấp nào phải cho vào để tính tiền làm thêm.

Chúng tôi có rất nhiều loại phụ cấp như phụ cấp đi lại, phụ cấp độc hại, phụ cấp thâm niên vậy phụ cấp nào trong các phụ cấp trên theo thông tư số 23 chúng tôi cần phải tính vào tiền làm thêm?

Luật sư trả lời: Về vấn đề doanh nghiệp nêu dưới đây, SBLAW tư vấn như sau:

  1. Tiền lương theo quy định tại Khoản 1, Điều 21, Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 bao gồm:

(i) Mức lương theo công việc hoặc chức danh là mức lương trong thang lương, bảng lương;

(ii)  Phụ cấp lương;

(iii) Các khoản bổ sung khác

  1. Lương trả cho người lao động cho thời gian làm thêm giờ theo quy định tại Khoản 1, Điều 6, Thông tư 23/2015/TT-BLĐTBXH ngày 23 tháng 6 năm 2015 được tính theo công thức như sau:

Tiền lương làm thêm giờ = Tiền lương thực trả của ngày làm việc bình thường x mức ít nhất 150% hoặc 200% hoặc 300% x số giờ làm thêm.

  1. Do vậy, toàn bộ các khoản phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác thực trả cho người lao động trong quá trình làm việc bình thường đều sẽ được tính gộp vào để xác định mức lương thực trả làm căn cứ xác định lương làm thêm.
  1. Hiện tại Luật lao động không quy định chi tiết và cụ thể các loại phụ câp lương mà chỉ quy định mang tính chất nguyên tắc về phụ cấp lương như tại điểm b, Khoản 1, Điều 21, Nghị định 05/2015/NĐ-CP ngày 12 tháng 01 năm 2015 là các khoản tiền bù đắp các yếu tố về điều kiện lao động, tính chất phức tạp của công việc, điều kiện sinh hoạt, mức độ thu hút lao động chưa được tính đến hoặc tính chưa đầy đủ trong mức lương theo công việc hoặc chức danh. Tương tự, đối với các khoản bổ sung khác, cũng chỉ quy định là khoản tiền bổ sung ngoài mức lương, phụ cấp lương và có liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động, trừ tiền thưởng, tiền ăn giữa ca, các khoản hỗ trợ, trợ cấp của người sử dụng lao động không liên quan đến thực hiện công việc hoặc chức danh trong hợp đồng lao động.

Tại điểm c, Khoản 1, Điều 3, Thông tư số 23/2015/TT-BLĐTBXH quy định rõ hơn về các khoản trợ cấp ngoài lương là các khoản trợ cấp ngoài lương và phụ cấp lương ngoại trừ tiền thưởng theo quy định tại điều 103 Bộ luật lao động, tiền ăn giữa ca, khoản hỗ trợ khi người lao động hoặc thân nhân bị chết, người lao động có người thân kết hôn, sinh nhật của người lao động, trợ cấp cho người lao động gặp hoàn cảnh khó khăn khi bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và các khoản trợ cấp khác không liên quan đến điều kiện thực hiện công việc hoặc các chức danh trong hợp đồng lao động.

Nếu theo tinh thần các quy định trên thì hầu hết các khoản phụ cấp lương được đề cập đến đều có thể được coi là các khoản phụ cấp gắn liền với chức danh và công việc của người lao động và được thanh toán thường xuyên (không gắn liền với điều kiện cụ thể nào). Do đó, các khoản này đều phải được sử dụng làm căn cứ để tính lương làm thêm. Chỉ có các khoản chi trả mang tính chất không thường xuyên, ví dụ, phải trình được hóa đơn thì mới thanh toán theo hóa đơn (như tiền xăng xe, rửa xe…) thì sẽ không được coi là các khoản phụ cấp lương hoặc các khoản bổ sung khác làm căn cứ tính lương làm thêm.