Trong môi trường số, chúng ta không chỉ thuần túy phải giải quyết các vấn đề giữa người sử dụng mà còn là các vấn đề của người sản xuất. Theo thống kê cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới với 50,05 triệu người, số lượng sử dụng thuê bao di động đạt 124,7 triệu người trong đó có 46 triệu người dùng truy cập mạng xã hội hàng ngày và các cuộc tranh chấp trong nội dung số đang trở nên ngày càng phức tạp và cần nhiều hơn nữa những giải pháp công nghệ chống vi phạm bản quyền nội dung trên truyền hình cũng như môi trường Ineternet.
Tình trạng vi phạm ngày càng gia tăng
Theo số liệu của Hiệp hội Truyền hình trả tiền năm 2017, so với các nước trong khu vực, Việt Nam đang là nước có mức doanh thu bình quân trên một thuê bao truyền hình trả tiền của Việt Nam ở mức thấp nhất trong khu vực, doanh thu trung bình (ARPU) của Việt Nam khoảng 3 USD, Thái Lan 12 USD, Malaysia 16 USD, Indonesia 14 USD. Vấn đề vi phạm bản quyền cũng đã đẩy các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền phải lao vào cuộc đua giảm giá và hiện trạng đã nhiều đơn vị phá sản/hoặc ngừng cung cấp dịch vụ.
Thực tế hiện nay, khách hàng luôn mong muốn được thưởng thức nội dung yêu thích ở bất cứ định dạng nào, xem ở bất kỳ thời điểm nào và trên mọi thiết bị với chất lượng tốt nhất và giá hợp lý.
Cũng từ nhu cầu này, kết hợp với sự phát triển hạ tầng truyền dẫn và sự thông minh của thiết bị di động, một trào lưu nội dung tự sản xuất, tự biên tập đã xuất hiện, chỉ cần một chiếc điện thoại di động thì mỗi cá nhân có thể trở thành một “đài truyền hình” trong không gian mạng. Tuy nhiên, việc phát triển tự phát này đã khiến việc cung cấp nội dung và dịch vụ số tại Việt Nam rơi vào tình trạng mất kiểm soát về nội dung. Nhiều nội dung độc hại vô tình hay cố ý đã được cung cấp trên các hạ tầng mà Nhà nước rất khó kiểm soát như những trang web lậu, YouTube, Facebook, các ứng dụng xem truyền hình, xem phim trên Google Play, Apple Store… mà chỉ thu được một phần rất nhỏ doanh thu từ bán quảng cáo.
Hiện nay có 3 dạng vi phạm điển hình về bản quyền nội dung truyền hình: Vi phạm trên các trang thông tin điện tử (website), các ứng dụng (app), OTT không phép (OTT lậu); vi phạm trên các website, app của một số doanh nghiệp có giấy phép cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, chủ yếu là dịch vụ OTT; một số đài PT-TH sử dụng hình ảnh, tư liệu trong chương trình, kênh chương trình nhưng không xin phép chủ sở hữu quyền. Các kiểu vi phạm bản quyền phổ biến này còn có một người bạn đồng minh tầm cỡ thế giới là những kênh như YouTube, Facebook đang kiếm lời bằng việc kinh doanh quảng cáo trên các chương trình, nội dung cho người sử dụng thoải mái đưa lên nhưng không chịu trách nhiệm về việc bảo vệ bản quyền và cũng chưa bị “thổi còi” bởi các “chế tài” pháp luật của nước sở tại.
Cần giải pháp đột phá
Tại Hội thảo “Bảo vệ bản quyền nội dung truyền hình trên mạng Internet tại Việt Nam – Quyết tâm và giải pháp” mới đây, Thứ trưởng Bộ TT-TT Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng, khoảng 3 năm trở lại đây, dịch vụ truyền hình trả tiền có sự cạnh tranh khốc liệt khiến các nhà cung cấp dịch vụ truyền hình phải đua nhau giảm giá thuê bao để cạnh tranh. Doanh thu bình quân trên một thuê bao của truyền hình trả tiền đang ở mức thấp nhất trong khu vực, nhưng việc phát triển thuê bao của các doanh nghiệp rất khó khăn do bị cạnh tranh bởi các loại hình dịch vụ mới như truyền hình OTT lậu, nạn ăn cắp bản quyền nội dung trên các dịch vụ OTT diễn ra khá phổ biến.
Ông Lê Quang Nguyên, Giám đốc Đài PT-TH Vĩnh Long kiến nghị, việc vi phạm bản quyền truyền hình trên Internet phải bị tăng mức xử phạt hành chính, bồi thường thỏa đáng cho bên bị vi phạm hoặc có thể truy cứu hình sự về tội chiếm đoạt tài sản. Bởi với mức xử phạt hành chính hiện nay, những vi phạm đó bị phạt không đáng kể.
Theo Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo, bảo vệ bản quyền phải đạt được 2 mục tiêu:
Thứ nhất, bản quyền chủ sở hữu được tôn trọng và được sử dụng hợp pháp. Có bản quyền nội dung, nhưng việc cung cấp nội dung có bản quyền phải đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Thứ hai, sự phát triển của các nền tảng hạ tầng thông tin công cộng xuyên biên giới với ưu thế về số lượng người dùng, nội dung thông tin, doanh thu quảng cáo cũng đang đặt ra những thách thức sống – còn cho các đài PT-TH và các doanh nghiệp dịch vụ trong nước. Do vậy, các đài truyền hình trong nước, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền, đại diện nhóm các chủ sở hữu bản quyền tại Việt Nam, đại diện các tổ hợp truyền thông quảng cáo cần phải hợp sức tìm ra một giải pháp đột phá ngăn chặn nạn vi phạm bản quyền nội dung truyền hình trên Intenet, mở ra lối thoát cho sự phát triển của ngành dịch vụ nội dung số Việt Nam.
Với các mục tiêu trên, hy vọng sẽ có những liên kết sớm được hình thành để tạo ra các lợi ích cho doanh nghiệp nội dung, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng mạng và bảo vệ được lợi ích quốc gia.
Video liên quan: