CEO “siêu DN” 500.000 tỷ đồng: Không nộp đủ tiền thì chịu phạt thôi!

0
544

Vụ việc “siêu doanh nghiệp” đăng ký vốn điều lệ hơn 500.000 tỷ đồng gây xôn xao dư luận thời gian qua một lần nữa được nhắc lại, bởi ngày 18/8 là ngày mà doanh nghiệp này đến hạn phải nộp đủ số tiền đã đăng ký. Tuy nhiên, các cổ đông của công ty vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ góp vốn. Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty luật TNHH SB Law đã có phần trả lời phỏng vấn liên quan đến vấn đề này. SB Law trân trọng gửi đến độc giả toàn văn bài viết.

Vốn điều lệ hơn 500.000 tỷ đồng cho một doanh nghiệp mới thành lập là con số rất lớn, con số này đăng ký vượt qua cả những doanh nghiệp lớn hiện nay như Vingroup, Viettel, Vietcombank…, thậm chí gấp 2 lần tổng tài sản của tỷ phú Phạm Nhật Vượng.

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh – CEO của doanh nghiệp 500.000 tỷ liên tục né tránh việc xác nhận công ty đã nộp đủ số tiền đã đăng ký với cơ quan chức năng hay chưa.

Tuy nhiên, sau nhiều lần vòng vo, ông Quốc Anh lại nói rằng sẽ chịu phạt, nhưng khẳng định sẽ không giảm vốn điều lệ đã đăng ký.

“Nếu doanh nghiệp chúng tôi chưa nộp tiền hay nộp không đủ thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ thông báo, nếu họ xử phạt thì tôi cũng thừa nhận thôi. Còn chắc chắn doanh nghiệp của chúng tôi sẽ không giảm vốn điều lệ”, ông Quốc Anh nói.

Theo quy định, nếu hết ngày 18/8, doanh nghiệp này vẫn chưa góp đủ vốn điều lệ thì cơ quan đăng ký kinh doanh sẽ phát văn bản yêu cầu báo cáo lý do. Doanh nghiệp sẽ có ít ngày để báo cáo lại với cơ quan đăng ký kinh doanh. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh sẽ quyết định hình thức xử lý.

Trước đó, theo thông tin từ hệ thống thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, vào ngày 20/5/2021, tại TP.HCM đã có 2 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới với tổng vốn điều lệ lên đến 525.000 tỷ đồng.

Hai doanh nghiệp đó là công ty Cổ phần tập đoàn Đầu tư Công nghệ Tự động toàn cầu (Auto Investment Group) có trụ sở chính tại tầng 46, Tòa nhà Bitexco Financial Tower với vốn điều lệ 500.000 tỷ đồng và công ty Cổ phần Tập đoàn Kinh doanh tự động Toàn cầu (GAB Group) có vốn 25.000 tỷ đồng, trụ sở tại Tầng 72, Toà nhà Landmark 81.

Cả 2 công ty này đều cùng có ngành nghề kinh doanh chính là sản xuất phần mềm cũng như có cùng cổ đông chính và Tổng Giám đốc là ông Nguyễn Vũ Quốc Anh, SN 1986.

Theo đăng ký thì doanh nhân 35 tuổi này sẽ góp 499.998 tỷ VND vào Auto Investment Group và 23.000 tỷ đồng vào GAB Group.

Trong buổi livestream trên Youtube ngày 15/6, ông Nguyễn Vũ Quốc Anh nói về mục tiêu vĩ đại của công ty, với mong muốn chuyển đổi số cho các doanh nghiệp và cơ quan nhà nước cũng như hộ kinh doanh cá thể, định hướng trở thành tập đoàn công nghệ đại diện cho Việt Nam đi ra thế giới, để cạnh tranh với các tập đoàn khác nhằm mang lại nguồn ngoại tệ về Việt Nam.

Nói về kế hoạch hoạt động của công ty, ông Quốc Anh cho biết, dự kiến, trong nửa cuối năm nay, doanh nghiệp này sẽ đạt doanh thu 10.000 tỷ đồng, tăng lên 1 tỷ USD vào năm sau và 30-50 tỷ USD trong vòng 20-30 năm tới.

Kế hoạch này vượt xa quy mô doanh thu của những doanh nghiệp đứng đầu thị trường. Hiện Vingroup, doanh nghiệp giá trị nhất sàn chứng khoán, đạt doanh thu hợp nhất gần 5 tỷ USD trong năm 2020.

Về vấn đề góp vốn, ông Quốc Anh lại nói rằng: “Thật sự thì tôi không có gì, tôi không có tiền. Nhưng tôi có chất xám và tin chất xám của mình sẽ giúp ích cho quốc gia”.

Dưới góc độ pháp luật, theo luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch hãng luật SBLaw, điều 47 luật Doanh nghiệp 2020 quy định, thời gian để thành viên góp vốn đủ cho công ty là 90 ngày kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, không kể thời gian vận chuyển, nhập khẩu tài sản góp vốn, thực hiện thủ tục hành chính để chuyển quyền sở hữu tài sản.

“Sau thời gian này mà công ty có thành viên chưa góp vốn hoặc chưa góp đủ số vốn đã cam kết thì công ty phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ, tỉ lệ phần vốn góp của các thành viên bằng số vốn đã góp trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ phần vốn góp”, luật sư Hà cho hay. 

Dù pháp luật đã cấm và có chế tài xử phạt việc khai khống đăng ký doanh nghiệp, tuy nhiên, trên thực tế, không dễ để áp dụng và đủ chứng cứ chứng minh. Kể cả bị xử phạt về khai khống, mức tối đa chỉ 20 triệu đồng.

Theo đó, căn cứ theo Khoản 5, Điều 16, luật Doanh nghiệp 2020 thì hành vi đăng kí vốn ảo bị pháp luật nghiêm cấm, theo đó hành vi này có thể bị xử phạt hành chính từ 10 – 20 triệu đồng đối với tổ chức và từ 5 – 10 triệu đồng đối với cá nhân theo Khoản 3, Điều 28, Nghị định 50, cùng với biện pháp khắc phục hậu quả là đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ và phần góp bằng số vốn thực đã góp trên thực tế.

Cũng theo vị luật sư này, hiện nay, việc quản lý đăng kí kinh doanh, Nhà nước áp dụng phương thức “hậu kiểm”, thay vì “tiền kiểm”.

Ở thời điểm doanh nghiệp đăng ký, Nhà nước không có trách nhiệm phải xác nhận tính chính xác, trung thực của hồ sơ đăng ký mà đó là nghĩa vụ của doanh nghiệp, nếu trong quá trình hoạt động cơ quan nhà nước phát hiện sai phạm thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.

“Tuy nhiên, vấn đề phát sinh từ việc cơ quan Nhà nước không kiểm tra tính chính xác và trung thực trong thông tin đăng ký kinh doanh ở thời điểm doanh nghiệp thực hiện thủ tục đăng ký, là do cơ chế “hậu kiểm” còn chưa được quy định chặt chẽ về các mặt như quy trình, thủ tục cụ thể; về thời điểm, thời hạn kiểm tra với doanh nghiệp… đều chưa có quy định rõ ràng. Vì vậy, thiết nghĩ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cần quy định về cơ chế “hậu kiểm” chi tiết, cụ thể hơn”, luật sư Hà nhìn nhận.

Độc giả có thể xem thêm tại: https://www.nguoiduatin.vn/ceo-sieu-dn-500000-ty-dong-khong-nop-du-tien-thi-chiu-phat-thoi-a524710.html