Chia di sản thừa kế, tài sản sử dụng mục đích thờ cúng

0
408

Câu hỏi:

Gia đình tôi đang gặp vấn đề bán nhà và chia tài sản. Căn nhà này của ông bà nội tôi để lại. Hiện nay, bố mẹ tôi đang ở cùng với cô, nhưng cô chỉ ở phía sau, không có thờ cúng ông bà. Việc thờ cúng trong nhà từ lúc ông bà mất đến giờ là ba mẹ tôi làm hết. Sau khi ông bà mất thì bố tôi đứng tên chủ hộ trên sổ hộ khẩu. Ngoài cô tôi ra thì còn 03 chú nữa không ở chung nhà, đều có tên trên sổ hộ khẩu. Vậy luật sư cho tôi hỏi là sau khi bán nhà đi thì tài sản nhà chia như thế nào?

Luật sư tư vấn:

Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi.

Liên quan đến câu hỏi của bạn, tôi xin tư vấn như sau:

Trước hết, Điều 612 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định di sản bao gồm tài sản riêng của người chết, phần tài sản của người chết trong tài sản chung với người khác. Do đó, tài sản là đất đai đứng tên ông bà bạn thì sau khi ông bà bạn mất tài sản này được coi là di sản thừa kế. Nếu ông bà bạn không để lại di chúc thì di sản thừa kế được phân chia theo quy định của pháp luật.

Điều 651 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật như sau:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau…”.

Như vậy, trong trường hợp đất thuộc sở hữu riêng của ông bà bạn thì khi phân chia di sản theo pháp luật, phần di sản thừa kế sẽ được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất bao gồm:  vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết.

Điều 645 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về di sản dùng vào việc thờ cúng như sau:

1. Trường hợp người lập di chúc để lại một phần di sản dùng vào việc thờ cúng thì phần di sản đó không được chia thừa kế và được giao cho người đã được chỉ định trong di chúc quản lý để thực hiện việc thờ cúng; nếu người được chỉ định không thực hiện đúng di chúc hoặc không theo thỏa thuận của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền giao phần di sản dùng vào việc thờ cúng cho người khác quản lý để thờ cúng.

Trường hợp người để lại di sản không chỉ định người quản lý di sản thờ cúng thì những người thừa kế cử người quản lý di sản thờ cúng.

Trường hợp tất cả những người thừa kế theo di chúc đều đã chết thì phần di sản dùng để thờ cúng thuộc về người đang quản lý hợp pháp di sản đó trong số những người thuộc diện thừa kế theo pháp luật.

  1. Trường hợp toàn bộ di sản của người chết không đủ để thanh toán nghĩa vụ tài sản của người đó thì không được dành một phần di sản dùng vào việc thờ cúng”.

Theo quy định trên thì vấn đề di sản dùng vào việc thờ cúng chỉ đặt ra trong trường hợp người để lại di sản có di chúc yêu cầu sử dụng phần đất đai vào việc thờ cúng và chỉ định người quản lý di sản dùng vào việc thờ cúng. Trong trường hợp ông bà bạn không để lại di chúc yêu cầu để lại di sản dùng vào việc thờ cúng mà những người được hưởng di sản thừa kế tự nguyện thoả thuận với nhau về việc sử dụng một phần di sản vào việc thờ cúng thì áp dụng theo thoả thuận này. Nếu không có thoả thuận hoặc không thoả thuận được thì di sản thừa kế được chia đều cho những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất.

Xem thêm: Luật sư giải quyết tranh chấp thừa kế