Mời các bạn xem nội dung phần trả lời phỏng vấn của luật sư Nguyễn Thanh Hà với báo diễn đàn doanh nghiệp về chính sách hình sự đặc biệt.
Sáng nay (16/12), Toà án nhân dân TP.Hà Nội bắt đầu phiên xét xử sơ thẩm liên quan đến sai phạm trong thương vụ mua bán cổ phần Công ty AVG. Cơ quan điều tra đề nghị có “chính sách hình sự đặc biệt” cho bị cáo Phạm Nhật Vũ.
Trong vụ án hình sự liên quan đến việc Mobifone mua 95% cổ phần Công ty cổ phần nghe nhìn Toàn Cầu (AVG) được đưa ra xét xử vào hôm nay, bị cáo Phạm Nhật Vũ – cựu chủ tịch Công ty AVG bị truy tố tội Đưa hối lộ.
Bị can này đã đưa hối lộ cho ông Nguyễn Bắc Son – cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TTTT, ông này đã bị xoá tư cách Bộ trưởng) 3 triệu USD, Trương Minh Tuấn – cựu Bộ trưởng TT&TT 200 nghìn USD cùng 2 bị can khác trong vụ án là Lê Nam Trà (nguyên Chủ tịch HĐTV Mobifone) 2,5 triệu USD, Cao Duy Hải (nguyên Tổng giám đốc Mobifone) 500.000 USD.
Trước khi cơ quan điều tra khởi tố vụ án, giữa 2 bên là Mobifone và AVG đã thực hiện việc huỷ hợp đồng chuyển nhượng 95% cổ phần và số tiền này cơ bản do cựu chủ tịch Công ty AVG Phạm Nhật Vũ nộp trả MobiFone. Theo cơ quan điều tra, Phạm Nhật Vũ sẽ được đề nghị áp dụng “chính sách hình sự đặc biệt” khi lượng hình tuyên án.
1/ Trong lịch sử, Việt Nam đã áp dụng chính sách hình sự đặc biệt cho cá nhân nào chưa, thưa ông?
Trả lời:
Trong kết luận điều tra, Cơ quan Công an đã nêu những điểm tích cực của bị can Phạm Nhật Vũ và đề nghị áp dụng chính sách hình sự đặc biệt khi lượng hình.
Hành vi của Phạm Nhật Vũ đã phạm vào tội Đưa hối lộ quy định tại Khoản 4 Điều 364 Bộ luật Hình sự năm 2015, có khung hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù.
Theo Cơ quan Công an, trong quá trình điều tra, bị can Phạm Nhật Vũ đã thành khẩn khai nhận hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra làm rõ vụ án.
Bị can Phạm Nhật Vũ đã chủ động hủy bỏ thỏa thuận hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại Mobifone toàn bộ tiền đã nhận kèm lãi, góp phần làm giảm tối đa thiệt hại cho nhà nước.
Về lý lịch, gia đình bị can Vũ có công với cách mạng, bị can có nhiều đóng góp cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam, hội chất độc da cam, bom mìn… và các hoạt động an sinh xã hội khác.
Do đó, cơ quan điều tra đề nghị cơ quan xét xử xem xét tình tiết giảm nhẹ, áp dụng chính sách hình sự đặc biệt phù hợp khi lượng khung hình phạt đối với bị can Phạm Nhật Vũ.
Qua vụ việc này, khái niệm “chính sách hình sự đặc biệt” mới được đưa ra và hiện không nằm trong bất kỳ quy định nào của Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017) và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.
2/ Chính sách hình sự đặc biệt này được hiểu là gì?
Trả lời:
Pháp luật hiện hành không có quy định nào về “chính sách hình sự đặc biệt”, mà chỉ có chính sách khoan hồng.
Theo đó, trong các vụ án án tham nhũng, nếu người phạm tội đã khắc phục hoàn toàn hậu quả, thành khẩn khai báo thì được hưởng chính sách khoan hồng trong khuôn khổ pháp luật.
Việc dùng khái niệm “chính sách hình sự đặc biệt” trong vụ việc Mobifone mua AVG, cho một số bị can có liên quan là chưa hợp lý, dễ gây hiểu nhầm cho dư luận là biện pháp này chỉ được áp dụng cho 2 ông, Phạm Nhật Vũ và ông Trương Minh Tuấn, …
Theo tôi, cơ quan chức năng cần rút kinh nghiệm, bảo đảm sử dùng từ ngữ một cách chính xác, đúng thuật ngữ pháp lý.
3/ Các nước trên thế giới đã sử dụng chính sách hình sự đặc biệt này chưa, thưa ông?
Trả lời:
Với giải thích của cơ quan điều tra, có thể hiểu “chính sách hình sự đặc biệt” là chính sách khoan hồng của Nhà nước.
Điều này rõ ràng được áp dụng phổ biến tại các nước trên thế giới.
Tuy nhiên khi chưa có khái niệm rõ ràng thì khó có thể xem xét đối chiếu với các vụ việc khác.
Ở các quốc gia phát triển, còn một cơ chế thoả thuận nhận tội, nếu người phạm tội và cơ quan công tố thoả thuận cho phép người nhận tội được nhận tội để giảm nhẹ hình phạt, cơ chế này vẫn chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận.
4/ Đây được đánh giá là vụ án đặc biệt quan trọng, đi vào “lịch sử ngành tư pháp”, vậy theo ông chúng ta có nên áp dụng chính sách hình sự đặc biệt trong vụ án này không?
Trả lời:
Trong một vụ án cụ thể, cơ quan điều tra, truy tố và xét xử sẽ căn cứ các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ theo quy định của Bộ luật hình sự để áp dụng với các bị can, bị cáo. HĐXX có thể tuyên bị cáo hình phạt dưới khung hoặc thậm chí là miễn hình phạt song vẫn phải dựa vào quy định tại Bộ luật Hình sự hiện hành.
Khái niệm “chính sách hình sự đặc biệt” không được quy định tại văn bản pháp luật nào do vậy, nó chưa có định nghĩa chính thức.
Việc sử dụng thuật ngữ này cũng không thể tùy tiện áp dụng cho bất kỳ ai mà vẫn phải dựa vào luật.
Tuy nhiên, đây là vụ án mà các cơ quan chức năng và bản thân các bị cáo đã tự nguyện chấm dứt hợp đồng, tài sản nhà nước không bị thiệt hại, việc áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, áp dụng chính sách khoan hồng nên được áp dụng.