Trong tháng 9, hàng loạt chính sách mới sẽ phát sinh hiệu lực, sau đây, SBLAW tóm tắt một vài chính sách quan trọng có thể ảnh hưởng tới quá trình kinh doanh của doanh nghiệp.
Chính sách thứ nhất : Từ 1/9/2015, Ngân hang được mua nợ khi có tỷ lệ nợ xấu dưới 3%.
Ngân hàng nhà nước đã ban hành Thông tư số 09/2015/TT-NHNN với những nội dung cơ bản như sau:
1.Ngân hàng Nhà nước quyết định siết chặt hơn các điều kiện về mua, bán nợ. Cụ thể, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài chỉ được mua nợ khi được Ngân hàng Nhà nước cho phép và có tỷ lệ nợ xấu dưới 03%, trừ trường hợp mua nợ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt.
2.Tổ chức tín dụng không được bán nợ cho công ty con của mình, trừ trường hợp bán nợ cho công ty quản lý nợ và khai thác tài sản của tổ chức tín dụng mẹ theo phương án tái cơ cấu đã được phê duyệt; và đặc biệt, không được mua lại các khoản nợ đã bán.
3. Thông tư cũng quy định về đồng tiền giao dịch trong mua bán nợ, đồng tiền Việt Nam sẽ được áp dụng khi mua bán nợ; việc sử dụng ngoại tệ làm đồng tiền thanh toán chỉ được thực hiện trong trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài bán khoản nợ bằng ngoại tệ cho bên mua nợ là người không cư trú.
Chính sách thứ hai: Chưa đủ tuổi vẫn được học trước để nâng hạng Giấy phép lái xe ô tô
TheoThông tư số 30/2005/TT- BGTVT có hiệu lực từ ngày 01/09/2015, Bộ Giao thông Vận tải đã cho phép người chưa đủ tuổi vẫn được học trước để nâng hạng Giấy phép lái xe ô tô; tuy nhiên chỉ được dự sát hạch khi đủ tuổi theo quy định.
Đồng thời, để nâng hạng Giấy phép lái xe C, D, E lên FC, người học phải có thời gian hành nghề từ 01 năm và có từ 50.000km lái xe an toàn trở lên.
Thời gian đào tạo với trường hợp nâng hạng Giấy phép lái xe hạng C, D, E lên FC là 272 giờ, trong đó có 48 giờ lý thuyết và 224 giờ thực hành lái xe.
Các trường hợp còn lại vẫn thực hiện theo quy định hiện hành.
Chính sách mới thứ ba: Quy định về áxc định chi phí tiền lương trong giá thành sản phẩm
Bộ Lao động thương binh và xã hội đã ban hành Thông tư số 26/2015/TT-BLĐTBXH hướng dẫn cụ thể về xác định chi phí tiền lương trong giá sản phẩm, dịch vụ công ích sử dụng vốn ngân sách Nhà nước.
Theo nội dung Thông tư này, tiền lương được xác định căn cứ vào định mức lao động và tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất, lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ và lao động quản lý tham gia thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.
Trong đó, tiền lương của lao động trực tiếp sản xuất và lao động chuyên môn, nghiệp vụ, thừa hành, phục vụ bình quân xác định trên cơ sở hệ số lương cấp bậc, chuyên môn, nghiệp vụ, hệ số phụ cấp lương của lao động nhân với mức lương cơ sở và hệ số điều chỉnh tăng thêm theo từng vùng.
Tiền lương của lao động quản lý được xác định trên cơ sở mức lương cơ bản theo hạng tổng công ty và công ty đòi hỏi để thực hiện sản phẩm, dịch vụ công ích.
Thông tư có hiệu lực từ ngày 1/9/2015.
Chính sách mới thứ tư: Nới room đối với nhà đầu tư nước ngoài tại công ty đại chúng
Theo Nghị định số 60/2015/NĐ-CP, kể từ ngày 01/09/2015, Chính phủ đã cho phép các nhà đầu tư nước ngoài được có tỷ lệ sở hữu không hạn chế tại các công ty đại chúng, trừ trường hợp có quy định khác.
Riêng với công ty đại chúng hoạt động trong ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện áp dụng đối với nhà đầu tư nước ngoài mà chưa có quy định cụ thể về sở hữu nước ngoài thì tỷ lệ sở hữu nước ngoài tối đa là 49%.
Ngoài ra, nhà đầu tư nước ngoài cũng được đầu tư không hạn chế vào chứng chỉ quỹ đầu tư chứng khoán, cổ phiếu của công ty đầu tư chứng khoán, cổ phiếu không có quyền biểu quyết của công ty đại chúng, chứng khoán phái sinh, chứng chỉ lưu ký, trừ trường hợp điều lệ của tổ chức phát hành có quy định khác.
Tương tự, việc đầu tư vào trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương, trái phiếu doanh nghiệp… cũng không hạn chế đối với các nhà đầu tư nước ngoài.
Chính sách mới thứ năm: Khi khai thuế điện tử phải thực hiện các giao dịch khác bằng phương thức điện tử.
Bộ Tài chính đã có hướng dẫn về giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế được nêu chi tiết tại Thông tư số 110/2015/TT-BTC có hiệu lực ngày 10/09/2015.
Thông tư quy định người nộp thuế đã thực hiện khai thuế điện tử phải thực hiện các giao dịch khác với cơ quan thuế cũng bằng phương thức điện tử, trừ trường hợp xảy ra sự cố kỹ thuật trong quá trình thực hiện; khi đã hoàn thành giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, người nộp thuế không phải thực hiện các phương thức giao dịch khác và được công nhận đã hoàn thành thủ tục thuế tương ứng.
Để thực hiện giao dịch điện tử trong lĩnh vực thuế, người nộp thuế phải có chứng thư số đang còn hiệu lực, trừ trường hợp thực hiện đăng ký thuế và cấp mã số thuế;
Trường hợp đang sử dụng mã xác thực giao dịch điện tử vì chưa được cấp chứng thư số hoặc trường hợp thực hiện nộp thuế điện tử bằng giao dịch ngân hàng thông qua các hình thức thanh toán điện tử như Internet banking, Mobile banking, ATM…
Chính sách mới thứ sáu: Áp dụng mức trợ cấp thất nghiệp hàng tháng bằng tối đa 5 lần lương tối thiểu
Thông tư số 28/2015/TT-BLĐTBXH quy định trường hợp người lao động (NLĐ) đóng bảo hiểm thất nghiệp theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định thì mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng của NLĐ là tối đa 05 lần lương tối thiểu.
Trường hợp NLĐ thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức hưởng này tối đa không quá 05 lần lương cơ sở.
Thông tư này cũng yêu cầu người sử dụng lao động có trách nhiệm lập và nộp hồ sơ tham gia bảo hiểm thất nghiệp của NLĐ cho tổ chức bảo hiểm xã hội trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày hợp đồng lao động của NLĐ thuộc đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp có hiệu lực.
Thông tư này có hiệu lực từ ngày 15/09/2015; tuy nhiên các chế độ quy định tại Thông tư được áp dụng từ ngày 01/01/2015.
Chính sách thứ bảy: Từ 29/09/2015, tăng mức phí công chứng hợp đồng
Bộ Tài Chính, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư liên tịch số 115/2015 về việc tang mức phí công chứng.
Nội dung tăng như sau:
Mức phí công chứng hợp đồng ủy quyền, phí công chứng di chúc sẽ tăng từ 40.000 đồng/trường hợp lên 50.000 đồng/trường hợp; tương tự, phí công chứng việc hủy bỏ hợp đồng, giao dịch cũng tăng từ 20.000 đồng/trường hợp lên 25.000 đồng/trường hợp so với quy định cũ.
Ngoài ra, mức phí công chứng bản dịch là 50.000 đồng/trang đối với bản dịch thứ nhất; trường hợp người yêu cầu công chứng cần nhiều bản dịch thì từ bản dịch thứ hai trở lên thu 5.000 đồng/trang đối với trang thứ nhất và trang thứ hai; từ trang thứ ba trở lên thu 3.000 đồng/trang nhưng mức tối đa không quá 200.000 đồng/bản.
Nội dung nêu trên được quy định tại Thông tư liên tịch số 115/2015/TTLT-BTC-BTP, có hiệu lực từ ngày 29/09/2015.
Chính sách thứ tám: Các dự án được xét cấp bảo lãnh Chính phủ bị thu hẹp
Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 34/2015QĐ-TTg theo đó adnh mục các chương trình, dự án ưu tiên được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ đã được thu hẹp so với quy định trước đây.
Việc xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ chỉ dành cho các dự án trong lĩnh vực năng lượng, khai thác và chế biến khoáng sản thuộc nhóm A theo Luật Đầu tư công; dự án xây dựng đường cao tốc có tổng vốn đầu tư từ 10.000 tỷ đồng trở lên; đầu tư mua máy bay theo chương trình được Thủ tướng duyệt; các dự án ứng dụng công nghệ cao, dự án sản xuất hàng hóa, cung ứng dịch vụ xuất khẩu đáp ứng tiêu chí là dự án quan trọng quốc gia và thuộc lĩnh vực, địa bàn được khuyến khích đầu tư.
Trong khi trước đây, các chương trình tín dụng có mục tiêu của Nhà nước; dự án đầu tư xây dựng cảng và khai thác cảng biển nước sâu; xây dựng cầu giao thông quốc gia; mua sắm đầu máy toa xe trong dự án đầu tư hệ thống đường sắt quốc gia… cũng thuộc diện được xem xét cấp bảo lãnh Chính phủ.
Quyết định có hiệu lực từ 30/09/2015