“Chơi xấu” doanh nghiệp trên mạng: Con dao hai lưỡi!

0
517

Trong bài báo “Chơi xấu” doanh nghiệp trên mạng: Con dao hai lưỡi! trên tờ thoibaokinhdoanh.vn có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài viết.

Vụ việc tung tin đồn thất thiệt mới đây về hoạt động của Công ty CP Đại Quang Minh tại Khu đô thị Thủ Thiêm (Tp.HCM) tiếp tục là lời cảnh báo các cơ quan chức năng không thể lơ là trước vấn nạn dùng mạng xã hội “chơi xấu” doanh nghiệp.

Vài tháng trở lại đây, mạng xã hội rộ thông tin bán tín bán nghi liên quan tới hoạt động của Công ty CP Đại Quang Minh ở Khu đô thị Sa La thuộc Khu đô thị Thủ Thiêm (quận 2, Tp.HCM). Trong đó, nổi lên các thông tin xấu về vốn đầu tư dự án, về tài chính, khó khăn trong hoạt động kinh doanh, về lãnh đạo công ty. Vụ việc khiến các khách hàng và giới đầu tư bất động sản ở Thủ Thiêm hoang mang, lo lắng.

“Xính rính” vì tin đồn

Trả lời báo chí hôm 7/8 vừa qua, Tổng giám đốc Công ty Đại Quang Minh Trần Bá Dương, đồng thời là Chủ tịch ô tô Trường Hải, cho biết: “Theo những bài viết trên mạng mà chúng tôi dẫn về phân tích thì các tin đồn này xuất phát từ động cơ chủ yếu là cạnh tranh không lành mạnh, tập trung vào Đại Quang Minh và Khu đô thị Sala. Chúng tôi khẳng định, công ty đủ năng lực tài chính để thực hiện các hợp đồng BT đã nhận cũng như xây dựng Khu đô thị Thủ Thiêm hoàn thành theo đúng với kế hoạch đề ra”.

Đây không phải là lần đầu tiên công ty này vấp phải tin đồn thất thiệt trên mạng. Trước đó, vào tháng 6/2015, trên facebook và trang blog xuất hiện những bài viết bịa đặt bôi nhọ công ty.

Những người giấu mặt đã lập facebook mạo danh ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng và danh hài Hoài Linh đưa thông tin đại loại như: “Công ty CP Đại Quang Minh nổi tiếng trên thị trường bất động sản bởi là chủ một số dự án lớn và nay là Chủ đầu tư Khu đô thị Sala. Thế nhưng, do cách làm ăn gian dối, công ty này bị mất uy tín và hậu quả là đang đối diện với làn sóng phản đối, tẩy chay của các khách hàng và các đối tác”…

Đó là chưa kể hồi đầu năm 2015 xuất hiện nhiều website mạo danh Công ty Đại Quang Minh, gây nhầm lẫn cho khách hàng có nhu cầu tìm hiểu về dự án Sala. Thậm chí, có trang web tự nhận là nhà phân phối chính thức của dự án và thông báo sẵn sàng nhận tiền đặt cọc mua sản phẩm của dự án khiến phía công ty phải đính chính.

tien-ich-khu-do-thi-sala2-20150810-21080323

Dự án khu đô thị Sala của công ty Đại Quang Minh
đang vướng vào tin đồn trên mạng xã hội

Ngoài Đại Quang Minh, có thể kể vài trường hợp nổi cộm gần đây mà doanh nghiệp là nạn nhân của mạng xã hội. Đơn cử như Công ty CP TMDV Quốc tế Việt Úc (chủ sở hữu nhãn hàng khăn ướt Baby Care) trong Bốn tháng trở lại đây bị đối thủ lập hai diễn đàn trên Facebook là “Tẩy chay hóa chất độc hại đối với trẻ em” và trang fanpage “Tẩy chay các nhà sản xuất vô lương tâm” với những lời lẽ sai sự thật, thóa mạ, xúi giục người tiêu dùng tẩy chay thương hiệu này. Sau đó, trên chính diễn đàn này quảng cáo sản phẩm cùng loại khác.

Tương tự với Công ty Tân Hiệp Phát. Hồi tháng 2/2015, sau khi xuất hiện thông tin một số chai nước giải khát có dị vật, màu sắc bất thường ở một số địa phương, trên mạng xã hội đã xuất hiện một trang fanpage với tên gọi “Tẩy chay Tân Hiệp Phát” thu hút khoảng 36.000 người like.

Còn ba năm trở lại đây là các trường hợp như Công ty TNHH Cơ khí ô tô Phạm Gia, Công ty nệm Kymdan, Công ty CP Taxi Trực tuyến, Công ty Châu Á Xanh, Công ty TNHH Cua Ngon, bánh trung thu Như Lan, mì Gấu Đỏ… đã bị mạng xã hội “mần thịt” không thương tiếc.

“Trò bẩn” cạnh tranh

Trên thực tế, có không ít cá nhân, doanh nghiệp làm ăn không chân chính đã nghĩ đơn giản rằng một trong những cách để sản phẩm, thương hiệu của mình “giành giật” được thị phần thì cần phải hạ bệ đối thủ cạnh trạnh bằng cách bịa đặt những tin đồn tiêu cực nhắm các đối thủ, bất chấp đó là thủ đoạn hèn hạ.

Theo luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, trong luật cạnh tranh hiện nay có quy định những hành vi bị cấm trong cạnh tranh: Cấm doanh nghiệp gièm pha doanh nghiệp khác bằng hành vi trực tiếp hoặc gián tiếp đưa ra thông tin không trung thực, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín, tình trạng tài chính và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp đó.

Ở Việt Nam, với hơn 30 triệu người dùng Facebook như hiện nay (trong đó người sử dụng ở độ tuổi từ 18 – 34 chiếm 3/4) nên Facebook đang là một trong những công cụ chủ yếu trên mạng xã hội cho những chiến dịch tung tin đồn nhằm triệt hại đối thủ cạnh tranh trên thương trường.

Tương tự, Google, một trong những công cụ tìm kiếm được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam với hàng triệu lượt truy vấn tìm kiếm mỗi ngày đang được đối tượng xấu sử dụng chức năng Google Suggest hướng người dùng tới kết quả xấu, gây bất lợi khó khăn cho đối thủ cạnh tranh. Ngoài ra, còn có khá nhiều website tự lập, tùy tiện và chưa có sự quản lý đã mặc sức tung các thông tin xấu về phía đối thủ cạnh tranh.

Bên cạnh đó, không ít công ty tiếp thị hoặc truyền thông, sẵn sàng “chống lưng” các doanh nghiệp không lành mạnh này để tung tin thất thiệt trên mạng nhằm thu lợi những khoản tiền “dơ bẩn”.

Một chuyên gia marketting cho rằng khi thông tin bị bóp méo trên mạng xã hội thì người tiêu dùng sẽ bị nhiễu thông tin về sản phẩm, dịch vụ mà họ đang tìm hiểu, dẫn đến hoang mang trong việc chọn mua hàng. Như vậy, phần thiệt hại sẽ thuộc về doanh nghiệp nhiều hơn là người tiêu dùng, do đó doanh nghiệp phải xử lý rốt ráo các thông tin sai lệch.

Ông Lê Quốc Hiệp, Giám đốc một doanh nghiệp tư nhân sản xuất thực phẩm tại quận Tân Bình, Tp.HCM, chia sẻ điều ông lo ngại nhất hiện nay là việc bị đối thủ chơi xấu, bôi nhọ hình ảnh doanh nghiệp của mình trên mạng Internet. Nhiều khi họ thuê người lập diễn đàn trên mạng, mở topic chia sẻ quan điểm, khen chê về một sản phẩm tiêu dùng mà mình đang cạnh tranh với sản phẩm của họ khiến mình không phản ứng kịp.

Rõ ràng, truyền thông mạng xã hội là “con dao hai lưỡi” cho những thủ đoạn tung tin bẩn nhằm triệt hại đối thủ cạnh tranh. Trong khi chế tài hiện nay vẫn chưa đủ sức răn đe tội “nói xấu” trên mạng, với mức phạt tối đa 100 triệu đồng căn cứ theo Nghị định số 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh.

Điều đó đòi hỏi các cơ quan quản lý cần sớm vào cuộc nhằm lập lại trật tự thông tin trên mạng Internet. Cơ quan điều tra cần làm rõ phía sau các thông tin sai lệch là động cơ gì để có chế tài xử lý thật mạnh tay, đủ sức răn đe để triệt tiêu những chiêu trò bẩn thỉu này, để đảm bảo cho các doanh nghiệp được cạnh tranh một cách lành mạnh.

Link bài viết: http://thoibaokinhdoanh.vn/Lang-kinh-8/Choi-xau–doanh-nghiep-tren-mang-Con-dao-hai-luoi-16694.html