Chống gian lận xuất xứ tại Việt Nam, một số giải pháp

0
432

Đáng nói, không chỉ lô nhôm 4,3 tỷ USD vừa bị phanh phui, dư luận trong nước từng rúng động trước thông tin nhiều mặt hàng ở Việt Nam bị bóc mẽ, cáo buộc có xuất xứ Trung Quốc nhưng “đội lốt” hàng Việt như lụa Khaisilk, hàng điện tử dân dụng hay các sản phẩm gỗ ván ép…

Thực trạng này một lần nữa khiến những lo ngại xung quanh câu chuyện xuất xứ hàng hóa tăng lên. Đặc biệt, Việt Nam hoàn toàn có thể bị áp thuế bán phá giá và phải chịu những trừng phạt thương mại và khiến những doanh nghiệp Việt chân chính chịu ảnh hướng nghiệp trọng.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW đã có phần trao đổi với báo chí về nội dung này:

Theo ông, trong vụ việc này, những kịch bản có thể xảy ra với Việt Nam như: tác động tới doanh nghiệp trong nước; có thể bị áp thuế bán phá giá và phải chịu những trừng phạt thương mại

  1. Phân tích những lỗ hổng pháp lý trong Luật quản lý Ngoại thương và những quy định pháp luật có liên quan…

Trả lời:

Cho đến nay, Việt Nam đã ban hành nhiều quy định về xuất xứ hàng hóa, trong đó có quy định như thế nào thì một sản phẩm được coi là có xuất xứ Việt Nam. Tuy nhiên, các quy định này mới chỉ áp dụng cho hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu, giúp hàng hóa được hưởng ưu đãi thuế nhập khẩu theo cam kết tại các hiệp định thương mại tự do hoặc phục vụ các mục tiêu khác của quản lý ngoại thương.

Với hàng hóa sản xuất, bao gồm cả sản xuất từ đầu vào nhập khẩu, và sau đó lưu thông trong nước, hiện chưa có quy định như thế nào thì được gắn nhãn “sản phẩm của Việt Nam” hay “sản xuất tại Việt Nam”.

Cụ thể, Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu không quy định cụ thể về quy tắc xuất xứ và tiêu chí xuất xứ thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, mà việc ghi xuất xứ hàng hóa như cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” được giao cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định.

Đồng thời, tại Nghị định số 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa quy định các tổ chức, cá nhân gắn nhãn hàng hóa tự chịu trách nhiệm về ghi nước xuất xứ. Chính quy định này đã làm cho tình trạng gian lận nhãn hàng hóa, nguồn gốc xuất xứ hàng hóa gia tăng vì ý thức của một số bộ phận doanh nghiệp chưa cao. Họ vì cái lợi trước mắt mà cố ý dùng thủ đoạn gian lận xuất xứ, làm ảnh hưởng đến những doanh nghiệp khác nói riêng cũng như nền kinh tế Việt Nam nói chung.

 

  1. Giải pháp để hạn chế tình trạng gian lận thương mại

Trả lời:

Trong những năm vừa qua, tình hình gian lận thương mại tiếp tục diễn biến phức tạp. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi tình hình Mỹ – Trung đang căng thẳng đã kéo theo nhiều hệ lụy tiêu cực đến nền kinh tế nước ta, như các sự việc nêu trên. Vì vậy, cơ quan chức năng cần tập trung thực hiện các giải pháp cơ bản sau:

Thứ nhất, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phổ biến chính sách, pháp luật và nâng cao nhận thức về mối nguy hại của hoạt động gian lận thương mại hướng đến các nhóm đối tượng là: doanh nghiệp, tổ chức, cộng đồng và cán bộ, công chức thuộc các cơ quan chức năng. Qua đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của mỗi cá nhân, tổ chức và toàn xã hội được nâng cao, góp phần tích cực đẩy mạnh hiệu quả hoạt động phòng, chống gian lận thương mại qua biên giới.

Thứ hai, tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, bám sát thực tiễn để đưa ra các quy định phù hợp, nâng cao hiệu quả, công tác quản lý của cơ quan có chức năng.

Thứ ba, phát triển, bố trí đầy đủ lực lượng có nghiệp vụ, chuyên môn, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ, tập trung vào các mặt hàng có nguy cơ cao gian lận.

Bên cạnh đó, các cơ quan tăng cường công tác phối hợp, chủ động ngăn chặn, phát hiện, bắt giữ và xử lý nghiêm khắc, kịp thời, có hiệu quả các hoạt dồng, hành vi gian lận.

 

  1. Khuyến nghị từ chuyên gia với doanh nghiệp

Trả lời:

Các doanh nghiệp cần phải chủ động trang bị những kiến thức cần thiết để phòng chống gian lận thương mại. Chủ động nâng cao ý thức của mình trong sản xuất hàng hóa, chú trọng hơn vào chất lượng sản phẩm của mình để nâng cao khả năng cạnh tranh với các sản phẩm nước ngoài. Đặc biệt, ngay từ bây giờ các doanh nghiệp phải tìm kiếm khách hàng tại các thị trường mới mà Việt Nam đã tham gia Hiệp định thương mại.

Đồng thời, phải thường xuyên theo dõi, phát hiện các mặt hàng giả, hàng nhái, tích cực cung cấp thông tin cho các cơ quan quản lý nhà nước, kết hợp hài hòa lợi ích giữa doanh nghiệp, nhà nước và người tiêu dùng nhằm tạo môi trường kinh doanh ổn định, nâng cao hiệu quả phòng chống gian lận thương mại. Bên cạnh đó, tăng cường áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất, kinh doanh nhằm giảm thiểu tối đa nguồn lực, nâng cao năng suất lao động.