Dự thảo Luật Doanh nghiệp và vấn đề tối giản lợi thủ tục thành lập doanh nghiệp

0
469

Chỉ sau hơn 3 năm thực hiện, một lần nữa Luật Doanh nghiệp lại được mang ra lấy ý kiến sửa đổi. Ở lần sửa đổi này, một lần nữa câu chuyện làm thế nào để có thể tối giản được thủ tục thành lập doanh nghiệp lại được mang ra lấy ý kiến và sửa đổi.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã có bài trả lời PV về nội dung này.

  1. Ông có đánh giá như thế nào về thủ tục đăng ký doanh nghiệp được quy định trong Luật Doanh nghiệp. Qua quá trình thực hiện, ông đánh giá như thế nào về những bất cập của Luật này, tác động này đã ảnh hưởng như thế nào tới doanh nghiệp?

Trả lời:

Bên cạnh những điểm tiến bộ, Luật doanh nghiệp năm 2014 sau hơn 4 năm được áp dụng vào thực tiễn đã phát sinh nhiều vướng mắc, bất cập cần phải giải quyết, sửa đổi.

Điển hình như, thủ tục đăng ký doanh nghiệp mặc dù được đánh giá là bước tiến của cải cách thủ tục hành chính, tuy nhiên trên thực tế vẫn còn một số vướng mắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp,ví dụ: việc xác định mã ngành cấp 4 khi đăng ký kinh doanh, thời gian để hoàn thành việc đăng ký doanh trên thực tế với quy định của luật vẫn còn vênh nhau; ….

Hay Điều 3 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định “Trường hợp luật chuyên ngành có quy định đặc thù về việc thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và hoạt động có liên quan của doanh nghiệp thì áp dụng quy định của Luật đó”. Theo đó Luật Doanh nghiệp và các văn bản hướng dẫn chỉ áp dụng đối với chủ thể kinh doanh như công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh, Doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp mà không phục vụ đăng ký các loại hình kinh doanh khác trong các lĩnh vực đặc thù như ngân hàng liên doanh, tổ chức kinh doanh chứng khoán, các công ty bảo hiểm, …

Đối với các doanh nghiệp chịu sự điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật chuyên ngành thì trình tự, thủ tục, hồ sơ thành lập doanh nghiệp đó vẫn chịu sự chi phối có tính quyết định bởi pháp luật chuyên ngành. Doanh nghiệp trong các lĩnh vực này không cần phải tiến hành thủ tục đăng ký doanh nghiệp tại Sở Kế hoạch và Đầu tư mà đăng ký tại cơ quan quản lý chuyên ngành theo quy định của Luật chuyên ngành. Hệ quả của nó là các quy định thông thoáng về thủ tục đăng ký kinh doanh tại Luật Doanh nghiệp bị vô hiệu hóa bởi pháp luật chuyên ngành. … Những bất cập này có thể cản trở, thành “thông điệp ngược” cho tinh thần cải cách của đạo luật này.

  1. Tối giản thủ tục thành lập nhưng vẫn đảm bảo được hiệu quả quản lý của Nhà nước đối với doanh nghiệp đang là vấn đề được nhiều người quan tâm. Ở góc nhìn của ông, Luật Doanh nghiệp sửa đổi cần thay đổi nội dung gì để giải bài toán này?

Trả lời:

Hiện nay, đối với thủ tục thành lập doanh nghiệp trong nước, từ khi Luật Doanh nghiệp năm 2014 có hiệu lực thời gian, hồ sơ và trình tự thủ tục đã được rút ngắn, đơn giản hóa. Tất nhiên, các doanh nghiệp vẫn kỳ vọng thủ tục này được đơn giản hóa hơn nữa.

Thiết nghĩ, việc tiếp tục đơn giản hóa thủ tục thành lập doanh nghiệp chủ yếu nên sửa đổi đối với thủ tục thành lập doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Trong thời gian qua đầu tư nước ngoài đã trở thành một nhân tố quan trọng trong sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam. Chúng ta trở thành một quốc gia thu hút vốn đầu tư thành công trên thế giới và trong khu vực. Có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn đầu tư theo hình thức bỏ vốn, góp phần vào thành lập một doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, thực tế và theo như những quy định thì việc thành lập doanh nghiệp FDI vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn về mặt tài liệu giấy tờ, thủ tục. Điều đó tạo ra sự e ngại cho các nhà đầu tư nước ngoài khi lựa chọn hình thức này để đầu tư vào Việt Nam.

  1. Ông nghĩ sao trước một số ý kiến e ngại rằng thủ tục quá đơn giản sẽ lại tạo cơ hội cho một số doanh nghiệp trục lợi, ví dụ như thành lập chỉ để lừa đảo hoặc mua bán hóa đơn…?

Trả lời:

Việc quản lý của cơ quan nhà nước về những mối lo ngại trên đương nghiên không chỉ nằm ở mỗi khâu thành lập mà còn cả trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp. Việc đơn giản hóa thủ tục thành lâp doanh nghiệp, mục tiêu nhắm đến là góp phần thu hút hơn nữa nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam.

Nếu cơ quan quản lý nhà nước vì mục tiêu quản lý mà đã tạo ra những rào cản ngay từ giai đoạn khởi sự kinh doanh của doanh nghiệp thì sẽ gây nên tâm lý e ngại cho các doanh nhân, các nhà đầu tư trong nước và nhà đầu tư nước ngoài đang mong muốn tìm kiếm cơ hội kinh doanh tại Việt Nam.

Thực tế cũng cho thấy, việc siết chặt từ khâu thành lập, cơ quan quản lý nhà nước cũng không thể xóa bỏ được tình trạng lừa đảo hay mua bán hóa đơn giá trị gia tăng vẫn đang diễn ra từ trước đến nay. Việc hạn chế, loại bỏ tình trạng này cần phải có sự liên tục tại mọi giai đoạn quản lý hoạt động của công ty.

  1. Nhiều ý kiến mong muốn bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, ông nhìn nhận thế nào về việc này?

Trả lời:

Điều 29 Luật Doanh nghiệp năm 2014 quy định nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bao gồm:

– Tên doanh nghiệp và mã số doanh nghiệp.

– Địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp.

– Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần; của các thành viên hợp danh đối với công ty hợp danh; của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Thẻ căn cước công dân, Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác của thành viên là cá nhân; tên, mã số doanh nghiệp và địa chỉ trụ sở chính của thành viên là tổ chức đối với công ty trách nhiệm hữu hạn.

– Vốn điều lệ.

Như vậy, theo quy định hiện nay thì giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới không ghi nhận ngành nghề kinh doanh nữa.

Việc không ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ đảm bảo được nguyên tắc: “Doanh nghiệp được quyền kinh doanh tất cả các ngành nghề mà pháp luật không cấm, hoặc không hạn chế”. Đồng thời, cũng sẽ loại bỏ rất nhiều bất cập trong thời gian vừa qua từ các doanh nghiệp.

Thông thường các doanh nghiệp khi đăng ký thành lập doanh nghiệp thì để tránh việc phải thực hiện thủ tục thay đổi đăng ký kinh doanh sau này khi thực hiện hoạt động kinh doanh mới, các doanh nghiệp thường đăng ký “khống” thật nhiều ngành nghề (gồm cả những ngành nghề không hoạt động). Cùng với đó, cũng hạn chế được việc cơ quan nhà nước có xu hướng gây khó khăn cho doanh nghiệp khi áp mã ngành nghề, khi đăng ký lại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, việc không ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ gây ra những khó khăn nhất định.

  1. Dĩ nhiên, việc không ghi ngành nghề kinh doanh trên giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp sẽ gây ra những khó khăn nhất định. Chẳng hạn, doanh nghiệp khó có cơ sở xác định liệu doanh nghiệp đối tác có đủ điều kiện đáp ứng được hoạt động kinh doanh đối với những ngành nghề có điều kiện hay không? Vậy là thế nào để có thể khắc phục được điều này?

Trả lời:

Hiện nay, trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp bỏ ghi ngành nghề kinh doanh thì khi làm hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải kê khai ngành nghề kinh doanh đồng thời doanh nghiệp phải kê khai trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

Việc bỏ ghi ngành nghề kinh doanh trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp dễ dẫn tới tình trạng chưa đồng bộ trong hệ thống các văn bản pháp luật. Hiện tại, trong các văn bản pháp luật chuyên ngành có những quy định là yêu cầu doanh nghiệp phải cung cấp đăng ký kinh doanh có ngành nghề cụ thể nào đó thì mới thực hiện cấp các giấy phép;

Cơ quan nhà nước cũng cần thời gian để nghiên cứu thay đổi phương thức quản lý hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài và/hoặc hoạt động trong ngành nghề kinh doanh có điều kiện.

  1. Vậy theo ông, luật mới nên đơn giản hóa thủ tục thành lập cho doanh nghiệp FDI như thế nào?

Trả lời:

Chính phủ Việt Nam những năm vừa qua, dựa vào thực tiễn, đã đưa ra các biện pháp, chính sách nhằm giảm bớt gánh nặng những quy định đối với các doanh nghiệp FDI cả về thủ tục thành lập, thủ tục thuế lẫn tiết kiệm chi phí thời gian cho các doanh nghiệp. Kỳ vọng đơn giản hóa hơn nữa của các nhà đầu tư là điều dễ hiểu vì so với nhiều nước khác thì ở Việt Nam vẫn còn nặng tính quản lý nhà nước. Theo đó, trước tiên, cần đơn giản hóa yêu cầu về giấy tờ, tài liệu trong hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp.
Thứ hai, cần giảm thời gian thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp bằng việc áp dụng quy trình liên thông với một đầu mối là cơ quan đăng ký kinh doanh. Trong đó, cần bổ sung quy định về thời hạn trong trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, tài liệu đối với việc thành lập doanh nghiệp.

  1. Ông có cho rằng nên xây dựng một luật riêng về doanh nghiệp nhà nước thay vì chỉ dành một chương như trong dự thảo của Luật Doanh nghiệp sửa đổi?

Trả lời:

Nhìn vào thực tế quản lý của nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước so với các doanh nghiệp khác. Rõ ràng các doanh nghiệp nhà nước luôn được “đối xử” khác hơn so với các doanh nghiệp thông qua một loạt các văn bản dưới Luật. Việc này có phần đang đi ngược lại sự bảo đảm bình đẳng của Nhà nước đối với các doanh nghiệp quy định tại Luật doanh nghiệp hiện hành.

Như vậy, còn tùy thuộc vào cách nhìn nhận và quản lý của cơ quan nhà nước cùng các doanh nghiệp khi nghiên cứu dự thảo, sửa đổi lần này thì việc nên hay không nên xây dựng một luật riêng điều chỉnh các doanh nghiệp nhà nước mới được đặt ra.