Chủ tịch SBLaw: Chỉ giỏi luật thôi chưa đủ

0
369

Là một luật sư giỏi đã khó, để gắn kết được hàng chục con người cùng có sự hiểu biết về luật, cùng có cá tính mạnh và cùng có quan điểm độc lập khác nhau cho một mục tiêu chung của một hãng luật còn khó hơn gấp bội. Theo Chủ tịch SBLaw, ông Nguyễn Thanh Hà, để làm được điều quan trọng là biết tin vào mình, tin vào những gì mình theo đuổi và hơn cả là phải có thêm tý chất “liều” của một doanh nhân.

Là một trong số ít những hãng luật được vinh danh bởi các tổ chức pháp lý uy tín quốc tế như ASIALAW, LEGAL 500, IFRL1000, Thomson…., trong hơn 10 năm SBLaw đã thực hiện nhiều thương vụ thành công trong các lĩnh vực đăng ký bảo hộ, xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp ở nước ngoài. Các khách hàng đại diện tiêu biểu do SBLaw đại diện được nhiều người biết tới như Nippon Steel, Viettel, Vietnam Fund Management, MBank và MHY Singapore tại Việt Nam, Lào, Campuchia và Myanmar,…VSTV, LG và Daio Paper Corporation và gần đây là PVFC, Watts Regulator Company và Panera LLC.

Những vụ việc tiêu biểu về tư vấn sở hữu trí tuệ bao gồm tư vấn cho tập đoàn China Railway No.8 Engineering Group trong việc nộp đơn sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, đại diện cho PVFC đăng ký nhãn hiệu trên toàn cầu và tư vấn cho tập đoàn Tín Nghĩa trong việc thực thi và xử lý vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Ngoài ra, SB Law cũng tham gia giải quyết thành công các tranh chấp thương mại và đại diện cho nhiều đơn vị nước ngoài như trường hợp Công ty có vốn Nhà nước Petrol Manning phản bác việc công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài của Trung tâm Trọng tài Quốc tế Hồng Kông. Sau đó, Tòa án đã tuyên hợp đồng vô hiệu do người đại diện trong giao dịch không đúng thẩm quyền.

Trong lĩnh vực về M&A về tài chính và đầu tư nước ngoài, SBLaw cũng được biết tới khi tham gia tư vấn vào nhiều giao dịch phức tạp có giá trị lớn của các ngân hàng có tên tuổi trong khu vực như Ngân hàng Công thương Trung Quốc, Ngân hàng DBS và Công ty tài chính PetroVietnam, Ngân hàng Quân đội,…

Hiện tại, SBLaw cũng đang là đơn vị cung cấp các dịch vụ pháp lý và thủ tục đầu tư cho một tập đoàn lớn của Hoa Kỳ như Microsoft, IBM, hay Singapore như Ascort, Sinpaore Airline và Nhật Bản như Logitem

Với số lượng số lượng gần 40 luật sư và chuyên gia pháp lý có kinh nghiệm, theo chia sẻ của ông Hà, để xây dựng lên một thương hiệu luật như bây giờ, SBLaw đã phải trải qua cả một chặng đường dài nhiều khó khăn và thử thách. Đặc biệt khi cách đây hơn 10 năm, tư vấn pháp lý gần như là một lĩnh vực mới và gần như chưa được định hình một cách rõ ràng và cụ thể.

Ông nghĩ tới việc khởi nghiệp với nghề tư vấn pháp lý từ khi nào?

Tôi bắt đầu nghĩ đến việc thành lập một công ty tư vấn luật từ hơn chục năm, khi mới ra trường vài năm và làm việc trong một số công ty luật của nước ngoài. Vào thời điểm đó, tư vấn pháp lý vẫn là một cái gì đó khá mơ hồ, gần như chưa được định hình là một nghề nghiệp cụ thể. Ngay cả các quy định pháp lý cũng không hề rõ ràng.

Trong khi đó, nhu cầu về tư vấn pháp lý lại rất lớn, đặc biệt là khi Việt Nam bắt đầu gia nhập Tổ chức Thương mại Quốc tế (WTO), nhiều doanh nghiệp dù rất muốn tận dụng cơ hội từ hội nhập, nhưng lại rất lúng túng vì không hiểu rõ về các quy định pháp lý cũng như sự khác biệt về tư duy làm việc giữa các đối tác nước ngoài và doanh nghiệp Việt.

Thời điểm đó, nếu muốn tư vấn pháp lý, chỉ có một là tìm đến những luật sư có tiếng, hai là tìm đến các hãng luật nước ngoài, vì hầu như chưa có hãng luật riêng nào tại Việt Nam. Ngoài ra, doanh nghiệp có thể tìm đến những đơn vị không chuyên là các tổ chức tài chính như ngân hàng hoặc bảo hiểm. Vì thế, chi phí thuê tư vấn pháp lý rất đắt đỏ, và nhiều trường hợp lại không mang lại hiệu quả không cao do mức độ phức tạp cũng như ràng buộc về yếu tố chuyên môn nghiệp vụ.

Vì thế, tôi và một số anh em, bạn bè đồng nghiệp đã cùng đứng ra thành lập SBLaw nhằm xây dựng một đơn vị dịch vụ chuyên sâu về mảng pháp lý hoạt động cho các doanh nghiệp. Đây chính là xuất phát điểm ban đầu của SBLaw.

Người ta thường nói khởi nghiệp đã khó, khởi nghiệp với lĩnh vực tư vấn pháp lý dường như còn khó khăn hơn gấp bội, vì không chỉ cần nắm rõ cả “rừng” văn bản pháp luật, mà còn cần biết xử lý hàng trăm vấn đề, mà đây lại là thách thức lớn với người trẻ tuổi. Ông đã vượt qua những thách thức này như thế nào?

Thực tế thì đúng như vậy, nên hầu như các luật sư đứng ra mở hãng luật riêng thường phải có thời gian tích lũy kinh nghiệm và có sự trải nghiệm rất lớn, mới có thể xây dựng được hãng luật vững mạnh, có doanh thu và sống được với nghề.

Thời điểm khởi nghiệp, với tôi và một số thành viên ban đầu trong SBLaw đều rất bỡ ngỡ, dù thực tế đã được trải nghiệm tại nhiều tổ chức tư vấn khác nhau. Điều khó khăn nhất không phải là về chuyên môn, bởi chúng tôi đều là luật sư, đều đã hiểu biết về luật và từng tham gia nhiều thương vụ về giải quyết tranh chấp,…nhưng cái khó là việc xây dựng một công ty chuyên nghiệp về dịch vụ pháp lý như thế nào mới là điều quan trọng.

Khác với các doanh nghiệp thông thường, các công ty cung cấp dịch vụ pháp lý chịu sự điều chỉnh và ràng buộc khác nhau, đặc biệt là vấn đề tư cách đạo đức trong hành nghề. Vì vậy, để xây dựng được một tổ chức tư vấn nhận được tín nhiệm và làm việc không trái với đạo đức và lương tâm nghề nghiệp là không hề dễ dàng. Sự khác biệt lớn nhất giữa một Luật sư là cách nhìn về một vấn đề liên quan đến quy định pháp luật sẽ rất khác nhau, và đôi khi khó dung hòa. Vì vậy, muốn xây dựng được một Doanh nghiệp chuyên nghiệp về lĩnh vực này là không dễ.

Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này không thưa ông?

Nếu làm luật sư, mọi thứ đều phải tuân thủ theo luật, không được “liều”. Nhưng doanh nhân lại được phép “liều”. Vậy làm sao để vừa “liều”, vừa đúng luật thì là bài toán cực kỳ hóc búa. Doanh nghiệp sẽ luôn hướng tới bài toán lợi nhuận, nhưng không thể bỏ qua yếu tố an toàn pháp lý khi hoạt động. Vì nếu không có an toàn pháp lý, lợi nhuận đó có thể bị thu hồi.

Bên cạnh đó, ở góc độ nghề nghiệp, nếu không hiểu về cách vận hành một tổ chức, chỉ thuần túy về chuyên môn nghề nghiệp thì sẽ rất khó duy trì được một tổ chức về luật. Ở đây có nghĩa, khi đã làm lãnh đạo một công ty về luật, giỏi chuyên môn chưa đủ, mà còn phải cơ bản nắm rõ các phương thức quản trị một doanh nghiệp từ việc tạo dựng thương hiệu, phát triển khách hàng, nghiên cứu sản phẩm đến quản lý con người, xây dựng văn hóa hoạt động, đào tạo nghiệp vụ….

Điều này còn quan trọng hơn đối với một doanh nghiệp chuyên về dịch vụ tư vấn pháp lý, bởi lẽ, các nhân viên của bạn cũng đều là những người rất giỏi chuyên môn về luật, nên để họ nghe mình nói thì không thể trình bày rằng mình giỏi hơn họ về luật, mà phải cho họ định hướng về một con đường mà mình đã chọn cho họ, hay nói cách khác là doanh nghiệp của mình có đủ tiềm năng để khiến họ trở thành nhân viên của mình hay không. Đây chính là tầm nhìn của một doanh nhân, chứ không phải tầm nhìn của một luật sư.

Như vậy, khởi nghiệp với nghề tư vấn pháp lý quả thật là khó phải không thưa ông?

Tôi cho rằng, khó thì cũng không hẳn là vậy, nhưng dễ thì cũng không đúng. Có thể bạn chưa biết, nhưng dịch vụ về tư vấn pháp lý được đánh giá là một trong những dịch vụ phát triển mạnh mẽ nhất trong 5 năm gần đây. Với số lượng doanh nghiệp ngày càng mở rộng, quy định pháp lý ngày càng chặt chẽ và thường xuyên thay đổi cập nhập theo diễn biến của một thị trường, thì nhu cầu thuê các tổ chức tư vấn pháp lý độc lập là rất cần thiết, bởi việc xây dựng các bộ phận pháp lý riêng gần như là không thể vì tốn kém quá nhiều chi phí và không hiệu quả.

Tuy nhiên, quan điểm của tôi là đây là lĩnh vực không dễ, trước hết là đòi hỏi những người đứng ra thành lập doanh nghiệp này phải có thời gian tích luỹ kinh nghiệm, có sự trải nghiệm nhất định mới có thể xây dựng được một hãng luật vững mạnh, có doanh thu và sống được với nghề.

Đồng thời, nghề tư vấn pháp lý cũng đòi hỏi sự sáng tạo rất lớn, không chỉ giải quyết các tranh chấp, tư vấn pháp lý, mà còn phải biết không ngừng thay đổi bằng cách tận dụng công nghệ thông tin trong việc cung cấp các dịch vụ tới tận tay khách hàng.

Việc doanh nghiệp lựa chọn tìm đến các công ty tư vấn luật hiện nay là không nhiều. Ước tính ở mức 20% hiện nay mới chỉ là ước tính ban đầu, thực ra con số có lẽ sẽ thấp hơn. Trong đó, nguyên nhân được chỉ ra là do việc quy mô doanh nghiệp hiện nay là tương đối nhỏ, vì vậy, họ cho rằng việc phải thuê các đơn vị tư vấn độc lập sẽ rất tốn kém và không mang lại hiệu quả cao. Đây chính là bài toán một công ty tư vấn cần phải nghĩ tới.

Tất nhiên, cũng phải đặt vấn đề về tư cách đạo đức lên hàng đầu, vì pháp lý là những điều nhạy cảm. Nếu chỉ quan tâm đến dịch vụ và thu tiền của khách hàng sẽ không thể mang lại giá trị bền lâu trong dài hạn cho không chỉ khách hàng mà còn cả cộng đồng, xã hội.

Trên con đường khởi nghiệp của mình, điều gì ông cảm thấy đang trân trọng nhất?

Tôi cho rằng đó là tôi có sự ủng hộ của những người bạn, những đồng nghiệp, những cộng sự thân thiết hiểu tôi và có chung mục tiêu và định hướng phát triển SBLaw giống tôi. Họ đều có cá tính rất mạnh, có quan điểm độc lập, đặc biệt là vững vàng về luật, và họ đã tạo nên những sắc màu riêng của SBLaw.

Thực sự, để thuyết phục được họ theo mình quả thực là rất khó. Điều khiến họ theo mình không phải là việc mình có giỏi hơn họ về luật hay không, mà phải giúp họ tin tưởng rằng mục tiêu của mình cũng là của họ, nơi họ làm là gia đình họ và hơn cả cũng là tương lai của họ. May mắn thay, họ đã tin tưởng tôi, cùng đóng góp và giúp SBLaw có một vị trí nhất định trên thị trường hiện nay.

Ngoài những người bạn trên, tôi nghe nói , trên con đường xây dựng SBLaw của ông có bóng dáng một “người bạn” rất đặc biệt. Ông có thể chia sẻ gì về người bạn này?

Tôi chỉ có thể chia sẻ rằng, đó là một luật sư rất giỏi nghề, rất hiểu chuyện đời, và cũng rất hay thường xuyên giúp đỡ tôi về mặt tình cảm trong cuộc sống. Phải nói vui rằng, để thuê được cô ấy, tôi đã phải dành rất nhiều thời gian để thuyết phục, trả lương rất cao, bằng thu nhập “cả đời” của mình. ( Cười)

Câu hỏi cuối, nhiều người tò mò, ngoài việc phải thường xuyên cập nhật về các quy định pháp lý, ông có dành thời gian để đi học các chương trình quản lý, quản trị…?

Tôi thực sự chưa trải qua quá nhiều về các trường học về quản trị, nhưng tôi đọc nhiều sách, tiếp cận với nhiều người, cả những Luật sư có tên tuổi, cả những nhà báo kinh nghiệm rồi đến những doanh nhân từng trải trên thương trường. Mỗi người đều có một nét riêng, và nói chung cũng đều liên quan đến doanh nghiệp và pháp luật và nó sẽ là nguồn tài liệu và giáo trình quý giá để tôi chiêm nghiệm và suy nghĩ ra cách làm cho riêng mình.

Tất nhiên, để làm được điều đó, tôi nghĩ rằng mình cần có sự đam mê, nhu cầu sáng tạo mới có thể giúp tạo ra những sản phẩm, dịch vụ tốt nhất phục vụ khách hàng.