Chương trình máy tính (CTMT) và các loại CTMT được bảo hộ theo luật Việt Nam

0
396

1.Khái niệm về CTMT.

Sự ra đời của máy tính điện tử để bàn có kích thước nhỏ gọn, thay thế cho nhiều máy tính điện tử cỡ lớn vào giữa thập kỷ 70 đã mở ra một kỷ nguyên mới cho loài người. Các nhà khoa học đã nghiên cứu cải tiến về kích thước, nâng cao tốc độ xử lý của máy tính, các CTMT được xây dựng, hoàn thiện không ngừng, mang lại những tiện ích to lớn cho xã hội.

Máy vi tính cũng là máy tính điện tử nhưng có bộ xử lý trung tâm là một hoặc nhiều bộ vi xử lý. Tuy nhiên để máy vi tính có thể hoạt động độc lập, thực hiện các phép toán cơ bản mà không có sự can thiệp của con người trong quá trình xử lý thì máy tính cần có hai bộ phận cấu thành: phần cứng (hardware) và phần mềm (software).

Phần mềm mang đặc tính vô hình, nếu một máy tính không được cài đặt phần mềm dưới bất kỳ hình thức nào thì đều trở nên vô nghĩa.

Thực tế có những cách gọi khác nhau khi dùng cả khái niệm “CTMT” và “CTMT”. Tuy nhiên “CTMT là tập hợp các chỉ dẫn được thể hiện dưới dạng các lệnh, các mã, lược đồ hoặc bất kỳ dạng nào khác, khi gắn vào một phương tiện mà máy tính đọc được, có khả năng làm cho máy tính thực hiện được một công việc hoặc đạt được một kết quả cụ thể theo mong muốn”.

Như vậy CTMT là đối tượng bảo hộ theo luật SHTT Việt Nam quy định.

2 Các loại CTMT được bảo hộ theo quy định của pháp luật Việt Nam

CTMT được phân chia theo những tiêu chí xác định khác nhau. Theo tiêu chí công dụng và mức độ chuyên sâu thì có thể phân chia CTMT ra thành các loại: ngôn ngữ hệ thống và ngôn ngữ lập trình; Hệ điều hành; Phần mềm lập trình và ứng dụng; Phần mềm mã nguồn mở; Cơ sở dữ liệu và sưu tập dữ liệu.

– Ngôn ngữ hệ thống và ngôn ngữ lập trình

 Đây đều là ngôn ngữ máy tính, trong đó ngôn ngữ hệ thống là ngôn ngữ ở dạng mã máy (ngôn ngữ lập trình ở mức độ thấp). Ngôn ngữ này được các nhà sản xuất máy tính thiết kế riêng cho từng loại, các chương trình viết bằng ngôn ngữ này gồm các số nhị phân (chỉ gồm số 0 và 1).

Ngôn ngữ lập trình được thiết kế cho những đòi hỏi của các nhà lập trình. Ngôn ngữ lập trình được coi là ngôn ngữ bậc cao. Nó được viết các ứng dụng trong thực tế như để viết các chương trình kinh doanh (ngôn ngữ COBOL) hay các chương trình tính toán khoa học (ngôn ngữ FORTRAN)…

 Hệ điều hành

 Hệ điều hành là sản phẩm được thiết kế từ các ngôn ngữ lập trình giúp cho máy tính vận hành. Hệ điều hành đóng vai trò tương tác giữa người sử dụng và máy tính. Trên thế giới có rất nhiều hệ điều hành khác nhau như hệ điều hành Windows của hãng Microsoft, OS/2 của hãng IBM, MAcintosh của Apple.

– Phần mềm lập trình và ứng dụng

 Đây là những dạng “sản phẩm” được thiết kế sẵn cho người sử dụng. Phần mềm lập trình thường được viết từ ngôn ngữ lập trình và vận hành trên nền của hệ điều hành. Nó có ứng dụng cao và phục vụ trực tiếp cho công việc của con người như: phần mềm ứng dụng soạn thảo văn bản, kỹ xảo đồ họa, thiết kế, trò chơi giải trí…

 Phần mềm mã nguồn mở (Free open Source Software: viết tắt là FOSS)

 Phần mềm mã nguồn mở là những chương trình mà quy trình cấp phép sẽ cho người dùng tự do chạy chương trình theo bất kỳ mục đích nào, kể cả quyền nghiên cứu và sửa đổi chương trình, sao chép và tái phát hành phần mềm gốc hoặc phần mềm đã sửa đổi (mà không phải trả tiền bản quyền cho những người lập trình trước). Đa số các phiên bản FOSS có thể tải từ Internet về và không phải mất phí.

– Cơ sở dữ liệu và sưu tập dữ liệu

Cơ sở dữ liệu (database) được hiểu là một tập hợp thông tin có cấu trúc, là tập hợp liên kết các dữ liệu, thường đủ lớn để lưu trên một thiết bị lưu trữ như đĩa hay băng. Dữ liệu này được duy trì dưới dạng một tập hợp các tập tin trong hệ điều hành hay được lưu trữ trong các hệ quản trị cơ sở dữ liệu.

Còn sưu tập dữ liệu được định nghĩa “là tập hợp có tính sáng tạo thể hiện ở sự tuyển chọn, sắp xếp các tư liệu dưới dạng điện tử hoặc dạng khác (khoản 2, điều 22 luật Sở hữu trí tuệ)

 3. Quy định của pháp luật Việt Nam về quyền tác giả với CTMT.

CTMT là một trong 12 loại hình tác phẩm được Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và sửa đổi bổ sung 2009 quyết định bảo hộ quyền tác giả (Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ).

Pháp luật Việt Nam hiện hành quy định về quyền tác giả đối với CTMT bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản.

Việc bảo hộ CTMT không được mở rộng đến tư tưởng, khái niệm, phát hiện, cách tính toán, quá trình xử lý và vận dụng được dùng khi phát triển phần mềm.

Ngoài ra còn có những văn bản pháp luật Việt Nam hiện hành quy định về quyền tác giả đối với CTMT:

– Bộ luật dân sự 2005

– Các văn bản hướng dẫn thi hành: Nghị định số 76/CP ngày 29/11/1996, số 60/CP ngày 6/6/1997

– Các văn bản pháp luật khác như nghị định số 31/2001/NĐ-CP, quy định 37/2005/QĐ-BTC

– Hiệp định song phương với một số nước như: Hiệp định về thiết lập quan hệ quyền tác giả, quan hệ thương mại với Hoa Kỳ, hiệp định bảo hộ Sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực Sở hữu trí tuệ với Thụy Sỹ…

– Các Bản ghi nhớ giữa Cục SHTT Thái Lan và Cục bản quyền tác giả văn hóa – nghệ thuật Việt Nam; Bản ghi nhớ giữa Cục SHTT Thái Lan và các cơ quan liên quan Việt Nam về hợp tác, thúc đẩy và bảo hộ SHTT; Bản ghi nhớ giữa Cục bản quyền tác giả nước CHND Trung Hoa và Cục bản quyền tác giả văn hóa – nghệ thuật Việt Nam về hợp tác, thúc đẩy và bảo hộ SHTT.

Như vậy Việt Nam đã thiết lập được hành lang pháp lý, giúp khuyến khích hoạt động sáng tạo đảm bảo lợi ích của các chủ thể, tương thích với hầu hết các điều ước quốc tế về quyền tác giả, đảm bảo cho việc hội nhập quốc tế, phát huy mặt tích cực của kinh tế xã hội như bảo vệ các nhà sản xuất phần mềm và ngành công nghệ phần mềm, tạo ý thức coi trọng giá trị sáng tạo, ý thức tuân thủ pháp luật, nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế…