Chuyển giao công nghệ là chuyển giao quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng một phần hoặc toàn bộ công nghệ từ bên có quyền chuyển giao công nghệ sang bên nhận công nghệ
Chuyển giao công nghệ là hình thức mua và bán công nghệ trên cơ sở Hợp đồng chuyển giao công nghệ đã được thỏa thuận phù hợp với các quy định của pháp luật. bên bán có nghĩa vụ chuyển giao các kiến thức tổng hợp của công nghệ hoặc cung cấp các máy móc, thiết bị, dịch vụ, đào tạo…kèm theo các kiến thức công nghệ cho bên mua và bên có nghĩa vụ thanh toán cho bên bán để tiếp thu, sử dụng các kiến thức công nghệ đó theo các điều kiện thỏa thuận và ghi nhận trong Hợp đồng chuyển giao công nghệ .
Theo UNCTAD (1982) “chuyển giao công nghệ là việc chuyển giao kiến thức có hệ thống để sản xuất ra sản phẩm, áp dụng một quy trình hoặc thực hiện một dịch vụ” . Theo định nghĩa này bản chất chuyển giao công nghệ là quá trình chuyển giao kiến thức để sản xuất, áp dụng và thực hiện dịch vụ…
Theo UNESCO: “Chuyển giao công nghệ quan trọng nhất là chuyển giao tri thức, có hoặc không kèm thiết bị. Chuyển giao công nghệ xếp vào phạm trù chuyển giao tri thức (Transfer of Knowledge). Chuyển giao công nghệ gắn với thị trường”
Các kênh chuyển giao công nghệ:
Chuyển giao công nghệ không kèm hợp đồng patent và licence.
Chuyển giao công nghệ có kèm hợp đồng patent và licence.
Chuyển giao công nghệ không hoặc có kèm hợp đồng licence nhưng có kèm góp vốn.
Các định nghĩa trên đưa ra các cách hiểu khác nhau về chuyển giao công nghệ, phạm vi khác nhau nhưng bản chất chung vẫn hướng tới là: đối tượng nghiên cứu và mục tiêu của chuyển giao công nghệ.
Có nhiều khái niệm chuyển giao công nghệ, nhưng có thể hiểu như khái niệm của tác giả Trần Ngọc Ca “Chuyển giao công nghệ là quá trình đưa công nghệ từ một môi trường này sang một môi trường khác bằng mọi hình thức khác nhau để sản xuất ra sản phẩm, thực hiện dịch vụ và cho các mục đích khác. Chuyển giao công nghệ được hiểu theo nghĩa rộng, tức là không phải chỉ có việc mua bán công nghệ”.