Có nên hợp pháp hoá sàn forex?

0
833

Forex là viết tắt của cụm từ Foreign Exchange, nghĩa là trao đổi tiền tệ quốc tế hay còn gọi là thị trường ngoại hối. Theo đó, có thể hiểu đây là nơi diễn ra các hoạt động trao đổi tiền tệ của các quốc gia thông qua hệ thống tổ chức tín dụng.

“Hàng hóa” được giao dịch qua forex là tiền, hoạt động kinh doanh trao đổi tiền tệ trong thị trường Forex được thực hiện bằng cách mua, bán, trao đổi loại tiền tệ này với loại tiền tệ khác với. Lợi nhuận của giao dịch sẽ tính theo phần chênh lệch giữa việc mua vào, bán ra.

Hiện nay, văn bản quy phạm pháp luật chính điều chỉnh vấn đề này là Pháp lệnh ngoại hối số 28/2005/PL-UBTVQH11 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013).

Theo Khoản 20 Điều 4 Pháp lệnh này thì kinh doanh ngoại hối được định nghĩa là hoạt động ngoại hối của tổ chức tín dụng được phép nhằm mục tiêu lợi nhuận, phòng ngừa rủi ro và bảo đảm an toàn, thanh khoản cho hoạt động của chính tổ chức tín dụng đó. Từ quy định trên có thể thấy chủ thể tiến hành kinh doanh ngoại hối chỉ có thể là các tổ chức tín dụng được phép. Khoản 11 của Điều này cho thấy các tổ chức tín dụng được phép là các ngân hàng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài được kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối theo quy định tại Pháp lệnh này.

Theo Điều 36 Pháp lệnh Ngoại hối năm 2005 (được sửa đổi, bổ sung năm 2013) quy định nguyên tắc kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối như sau:

(i) Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác được kinh

doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài sau khi được Ngân hàng

Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản;

(ii) Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về phạm vi kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối ở trong nước và nước ngoài, điều kiện, trình tự, thủ tục chấp thuận kinh doanh, cung ứng dịch vụ ngoại hối của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và các tổ chức khác.

Ngoài ra, Điều 22 Pháp lệnh cũng quy định: “Trên lãnh thổ Việt Nam, mọi giao dịch, thanh toán, niêm yết, quảng cáo, báo giá, định giá, ghi giá trong hợp đồng, thỏa thuận và các hình thức tương tự khác của người cư trú, người không cư trú không được thực hiện bằng ngoại hối, trừ các trường hợp được phép theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.” Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng đã khẳng định chưa cấp phép cho bất kỳ tổ chức, cá nhân nào kinh doanh hình thức sàn giao dịch vàng, ngoại hối. Như vậy, mọi hành vi kinh doanh ngoại tệ của cá nhân, tổ chức khác đều là vi phạm pháp luật.

Thời gian qua, Forex nổi lên như một hiện tượng giúp làm giàu nhanh chóng, nhiều người có lẽ không còn xa lạ với những lời chào mời, lôi kéo qua điện thoại hay mạng xã hội như zalo, facebook. Những thủ đoạn, chiêu trò tinh vi như lập trình website bằng tiếng Anh để khiến nhiều nhà đầu tư lầm tưởng đây là của nước ngoài thật, không hành động nhỏ lẻ mà có tổ chức, phân vị trí, vai trò rõ ràng, có người phát triển hệ thống, kỹ thuật, người phụ trách quảng cáo, marketing,…. Nhiều sàn giao dịch Forex sau khi đã chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư, các đối tượng đánh sập sàn giao dịch để tránh sự truy vết của cơ quan công an và nhà đầu tư không thể đi đòi tiền đã khiến không ít người đã phải mất hàng trăm triệu, thậm chí “tán gia bại sản” vì mô hình này. Ngoài rủi ro thiệt hại về tài sản thì người tham gia còn đang tiếp tay cho hoạt động bất hợp pháp về hoạt động ngoại hối.

Theo đó, các hành vi mua bán ngoại tệ trái phép có thể bị xử phạt theo Điều 23 Nghị định 88/2019/NĐ – CP Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng với mức phạt cao nhất lên đến 250 triệu đồng cho hành vi vi phạm. Bên cạnh đó, có các hình thức xử phạt bổ sung như: Tịch thu số ngoại tệ, đồng Việt Nam; Đình chỉ hoạt động ngoại hối trong thời hạn 03 tháng đến 06 tháng đối với tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có hành vi vi phạm;… hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290 Bộ luật hình sự năm 2015), với mức hình phạt tù đến 20 năm, có thể tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

Trên thế giới, nhiều quốc gia đã hợp pháp hóa Forex như tại nhóm quốc gia tại Liên minh Châu Âu (EU), Singapore, Mỹ, …nhưng ở Việt Nam, mặc dù chúng ta đã có Sandbox – cơ chế thử nghiệm hoặc thí điểm các chính sách, ý tưởng hoặc mô hình kinh doanh mới trong phạm vi và thời gian xác định nhưng vẫn phải chịu sự giám sát chặt của các nhà quản lý và chưa thực sự trở nên phổ biến. Forex vẫn chưa được pháp luật quy định chính thức do nhiều lý do như: nền kinh tế thị trường ở nước ta còn chưa phát triển mạnh, bên cạnh đó, kiến thức và kinh nghiệm của các sàn giao dịch cũng như nhà đầu tư còn hạn chế so với quốc tế. Ngoài ra, hầu hết các giao dịch được thực hiện bằng đồng USD nên việc đồng tiền của Việt Nam có nguy cơ leo tỷ giá theo đồng USD là điều có thể xảy ra. Do đó, ở thời điểm hiện tại, việc hợp pháp hóa forex phải được cân nhắc kỹ lưỡng.

Trong trường hợp Việt Nam cho phép hoạt động này thì cũng cần phải có những quy định riêng đối với Forex như: quy định về cơ quan có trách nhiệm quản lý, giám sát trực tiếp; quy định về việc thành lập, các điều kiện và các chứng chỉ được yêu cầu đối với những sàn Forex; yêu cầu, điều kiện đối với những người tham gia môi giới Forex; quy định về thuế đối với sàn và đối với nhà đầu tư; quy định về hạn chế mức đòn bẩy. Theo đó, chỉ những sàn Forex nào đã được các cơ quan nhà nước thông qua thì mới được cung cấp dịch vụ cho các nhà đầu tư. Đồng thời, văn bản luật cần quy định rõ các chế tài đối với các hành vi tư vấn thiếu chính xác, gây nhầm lẫn cho nhà đầu tư; không cung cấp rõ các thông tin khi cung cấp dịch vụ trao đổi ngoại tệ.