Có nên mua các tài khoản dịch vụ số như Netflix, Canva… qua mạng xã hội không ?

0
687

Câu hỏi : Hiện nay cũng có nhiều hội nhóm rao bán các tài khoản dịch vụ số như Netflix, Canva… với giá vô cùng rẻ (các đối tượng lý giải là do dùng chung với nhiều người nên chia ra đầu người sẽ có giá rẻ). Tuy nhiên hầu hết đây là các tài khoản ăn cắp, tài khoản lậu hoặc chỉ là tài khoản ảo, khi người tiêu dùng chuyển khoản sẽ mất trắng mà không nhận được gì cả. Luật sư đánh giá sao về tình trạng này? Người dân cần làm gì trước tình trạng này?

Trả lời:

Thị trường mua bán “lậu” tài khoản Netflix ,Canva… tại Việt Nam thời gian qua khá sôi động, nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ lừa đảo. Mặc dù Netflix đã hỗ trợ người Việt có thể mua trực tiếp, mức phí từ 180 đến 260 nghìn đồng mỗi tháng bị đánh giá là cao với nhiều người. Tuy nhiên, cơ chế của Netflix là cho phép người dùng chia sẻ tài khoản cho nhau nên nhiều người mua gói lớn và chia sẻ các “slot” cho người thân, hoặc chỉ mua một “slot” và dùng chung tài khoản với 3 – 4 người khác.

 Một người bán tài khoản Netflix, gói cao nhất cho phép tối đa 5 máy xem cùng lúc. Tuy nhiên, xác suất cả 5 người cùng xem trong một thời điểm khá thấp, vì vậy, nhiều bên lợi dụng chính sách này để bán cho hàng chục người khác nhau. Điều này sẽ dẫn đến nhiều phiền toái cho những người cùng sử dụng một tài khoản, như lịch sử xem bị xáo trộn, các cài đặt bị thay đổi hay nặng hơn là bị Netflix khóa tài khoản do vi phạm chính sách. Một số bên bán hỗ trợ người mua chuyển sang tài khoản khác, nhưng cũng có bên sẽ “phủi” trách nhiệm và chặn người mua. Những nơi bán giá 20 nghìn đồng một tháng hay 350 nghìn đồng một năm dễ là lừa đảo. Thậm chí, sau khi trả tiền xong, người bán sẽ chặn luôn người mua để khỏi ảnh hưởng đến tài khoản

Tình trạng lừa đảo trên tài khoản Netflix giá rẻ đã có từ vài năm qua. Một thời gian, tình trạng này đã lắng xuống nhưng lại tăng cao từ tháng 3 do nhu cầu xem Netflix tăng cao khi nhiều người phải ở nhà tránh dịch, trong đó, nhiều người lần đầu sử dụng dịch vụ. Điều đó góp phần làm xuất hiện nhiều hội nhóm rao bán các tài khoản dịch vụ số như Netflix, Canva… với giá vô cùng rẻ tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người dùng.

Một số rủi ro người dùng có thể gặp phải như:

  • Reset tài khoản mỗi tháng: Sau mỗi 1 tháng, người dùng sẽ phải chuyển sang sử dụng Netflix trên một tài khoản mới do người bán cung cấp. Điều này giúp người xem vẫn có thể tiếp tục sử dụng Netflix giá rẻ mà không bị phát hiện, nhưng cũng đồng nghĩa rằng những dữ liệu quan trọng như phim bạn đã xem và những đề xuất dành riêng cho bạn sẽ bị xoá hết.
  • Không ổn định: Vào tháng 2/2020, hàng loạt tài khoản Netflix giá rẻ tại Việt Nam đồng thời bị chặn sử dụng. Những người dùng này đa phần đều mua các tài khoản Netflix giá rẻ theo phương thức chuyển vùng sang Thổ Nhĩ Kỳ hoặc lợi dụng chính sách “dùng thử một tháng”.
  • Thiếu tính riêng tư: Một tài khoản Netflix giá rẻ sẽ được share tối đa tới 4 người dùng cùng một lúc, hay còn gọi là các profile. Những profile này có thể dễ dàng truy cập mà không cần phải biết mật khẩu. Điều này đồng nghĩa rằng bạn và những người share tài khoản Netflix giá rẻ hoàn toàn có thể truy cập vào lịch sử phim của nhau mà không có bất kỳ rào cản nào. Điều này khiến nhiều người dùng cảm thấy khá e ngại vì sự riêng tư của bạn thân không được bảo đảm.
  • Không được hỗ trợ, người bán “đem con bỏ chợ”: Vấn đề hậu mãi là một trong những điều khiến người dùng đau đầu khi sử dụng Netflix giá rẻ. Việc bạn không thể truy cập tài khoản hay tài khoản đột nhiên bị khoá bởi Netflix là hoàn toàn có thể xảy ra, kể cả đó là tài khoản chính chủ. Trong trường hợp bạn sử dụng tài khoản giá rẻ, Netflix khó có thể hỗ trợ do những thông tin thiết yếu của tài khoản đều đã bị người bán nắm giữ. Lúc này sự hỗ trợ duy nhất mà bạn có thể “cầu cứu” là những người bán. Nếu may mắn, họ có thể “bảo hành” cho bạn bằng một tài khoản mới. Nhưng nếu không may mắn thì người bán hoàn toàn có thể “biến mất” vào lúc bạn cần họ nhất.

Như vậy, có thể thấy rằng việc các hội nhóm rao bán các tài khoản dịch vụ số như Netflix, Canva… trên facebook là những hàng vi lách luật nhằm thu lợi bất chính. Thậm chí những hành vi này còn có thể biến tướng thành các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản khi việc giao bán không trung thực, hoặc cụ thể hơn là việc cung cấp tài khoản giả mạo cho người mua sau đó người bán sẽ cắt đứt liên lạc khi đó người mua khó có thể xác định được các đối tượng lừa đảo này để đòi quyền lợi. Mặt khác với giá trị tài sản chiếm đoạt được cũng không lớn chỉ từ vài trăm nghìn đồng nên việc giải quyết và các chế tài áp dụng cho những hành vi này cũng không qúa nghiêm trọng. Khó khăn hơn cả là việc xác định được danh tính của những nhóm này, bởi lẽ việc giao dịch hoàn toàn là ở trên không gian mạng nên sẽ rất khó để xác định được.

Trước tình trạng này, người dân cần lưu ý, không thực hiện mua bán thông qua các hội nhóm rao bán các tài khoản dịch vụ số như Netflix, Canva… trên mạng vì đó khả năng cao là lừa đảo và khi mua bán như vậy vì không xác định được người bán nên các quyền lợi của người mua sẽ không được bảo hành và không được đảm bảo. Do đó, để không bị lừa đảo, tiền mất tật mang thì tốt hơn hết chúng ta nên sử dụng các ứng dụng này một cách đúng pháp luật, đúng các chính sách mà các ứng dụng này đề ra nhằm trải nghiệm được các dịch vụ này một cách tốt nhất và có những chính sách bảo hành uy tín. Đặc biệt việc bảo mật quyền riêng tư và các thông tin cá nhân của mình, điều đó cũng góp phần thuận lợi cho việc đảm bảo an ninh trên không gian mạng.