Cơ chế xử lý hành vi buôn thần bán thánh

0
447

Câu hỏi : Hiện nay tràn lan các hội nhóm xem bói online, qua đó chào mời người dân mua những vật phẩm được trì chú… Luật sư đánh giá sao về tình trạng này. Đã có cơ chế xử lý với những hành vi buôn thần bán thánh như này hay chưa? Luật sư có lời khuyên nào cho người dân không?

Trả lời:

Thời gian qua, việc xem bói online đang ngày một thu hút sự chú ý của cư dân mạng. Nếu trước đây muốn xem bói phải đến tận nơi gặp “thầy”, thì hiện tại chỉ cần có điện thoại thông minh hoặc máy tính là có thể nhận được lời phán của “thầy” qua các ứng dụng online. Với cách thức quảng cáo rầm rộ với đủ mọi “dịch vụ tâm linh” được xem miễn phí, như tử vi, chọn ngày đẹp, xem tuổi, tìm mộ, tìm người thất lạc, thậm chí livestream (phát sóng trực tiếp) để lên đồng, bói toán…, các trang web, tài khoản mạng xã hội chuyên về xem bói, tử vi thu hút hàng chục, thậm chí hàng trăm nghìn lượt truy cập, theo dõi.

Điều đáng nói là các “dịch vụ tâm linh” online đang bị những kẻ xấu lợi dụng tuyên truyền mê tín dị đoan, lừa đảo tiền bạc từ trao đổi, mua bán bùa chú, vật phẩm tâm linh mang màu sắc mê tín dị đoan và đánh cắp thông tin cá nhân.

Bên cạnh hình thức xem bói, giải hạn online, nhiều tài khoản đã lợi dụng sự cả tin của người dân, vừa lôi kéo, vừa dụ dỗ và quảng cáo rằng có thể phù phép vào các loại vật phẩm, như vòng đeo tay, bột sa ngải, bùa chú… nhằm bán kiếm lời. Điểm đặc biệt là các loại vật phẩm được gọi là phong thủy này có giá không hề rẻ, giá từ vài trăm ngàn đồng tới vài triệu đồng tùy theo nhu cầu và sự “mạnh tay” của khách hàng. Nắm bắt được tâm lý mê tín lại nhẹ dạ cả tin của khách hàng, nhiều đối tượng còn hét “giá trên trời” mà vẫn nhộn nhịp người “mắc câu”. Một chiêu thức nữa mới xuất hiện gần đây là một số đối tượng đã lập các trang chuyên về tâm linh, bói toán, xem tướng,… đăng tải những bài viết có nội dung kêu gọi người dân để lại số điện thoại, ngày sinh, địa chỉ để thu thập thông tin cá nhân. Từ đó, các đối tượng tiến hành mạo danh nhà chùa gọi điện đến các số điện thoại đã thu thập được để mời chào, lừa bán các vật phẩm tâm linh.

Có thể thấy, sở dĩ tình trạng kinh doanh không hợp pháp liên quan vấn đề tâm linh vẫn tràn lan, thậm chí có chiều hướng ngày càng phát triển là do xuất phát từ lợi nhuận rất lớn của hoạt động này. Thói quen thực hiện nhu cầu tâm linh và hành vi thỏa mãn nhu cầu tâm linh của một bộ phận người dân cũng góp phần khiến việc kiểm soát, xử lý hành vi vi phạm trong lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Nhận thức còn phiến diện, lại đặt niềm tin vào sự chi phối của thế giới tâm linh vô hình, làm cho nhiều người dễ rơi vào vòng xoáy của mê tín dị đoan, dần dà bị lôi kéo, lợi dụng. Ngoài ra, những quy định của pháp luật về vấn đề này còn chưa đầy đủ, tạo kẽ hở khiến những người kinh doanh dịch vụ tâm linh online ngày càng có nhiều chiêu trò “lách luật” tinh vi.

Tùy vào mức độ của hành vi mà đối tượng vi phạm có thể bị xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Cụ thể:

Thứ nhất, xử phạt hành chính

Theo điểm đ Khoản 7 Điều 14 Nghị định 38/2021/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo, đối với hành vi tổ chức hoạt động mê tín dị đoan, đối tượng vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 15 triệu đến 20 triệu.

Thứ hai, xử lý hình sự

“Bói toán” là hình thức mê tín dị đoan bị pháp luật cấm, các đối tượng hành nghề bói toán có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng. Theo Điều 320, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tội hành nghề mê tín, dị đoan nêu rõ, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; nếu làm chết người hoặc thu lợi bất chính 200 triệu đồng trở lên hoặc gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội thì sẽ bị phạt tù từ 3-10 năm. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.

Trong cuộc sống không phải lúc nào cũng suôn sẻ, khi có muộn phiền hoặc bế tắc, con người trở nên bất lực trong việc “vận hành” cuộc sống của mình, thường có tâm lý tìm kiếm, bám víu vào một đấng, một sự siêu nhiên nào đó, đấy cũng là tâm lý bình thường. Thế nhưng, nếu sùng bái, tin tưởng thái quá vào các hoạt động bói toán, “mua thần bán thánh”, các hoạt động tâm linh biến tướng theo chiều hướng tiêu cực, thiếu lành mạnh thì cần cẩn trọng. Mỗi người cần giữ cho mình sự tỉnh táo để nhìn nhận đúng bản chất của vấn đề này, luôn cảnh giác đối với những lời mời chào xem bói trên mạng, không tin vào những đồn thổi vu vơ về quyền phép của bùa chú, không tin theo bói toán vô căn cứ để mê muội rồi dẫn đến tiền mất tật mang.