Có sự khác nhau nào giữa danh mục ngành, nghề sử dụng trong đăng ký kinh doanh danh mục ngành, nghề kinh tế quốc dân?

0
353

Sự khác nhau giữa ngành, nghề kinh doanh sử dụng trong đăng ký kinh doanh với ngành, nghề kinh tế quốc dân thể hiện trên những nội dung sau:

1) Phạm vi điều chỉnh: Ngành, nghề kinh tế quốc dân rộng hơn ngành, nghề kinh doanh. Ngành, nghề kinh tế quốc dân bao gồm toàn bộ hoạt động của các cơ quan và hiệp hội những hoạt động không kinh doanh như các hoạt động của Đảng, đoàn thể và hiệp hội, hoạt động quản lý nhà nước và an ninh quốc phòng, đảm bảo xã hội bắt buộc, hoạt động của các tổ chức và đoàn thể quốc tế.

2) Về thẩm quyền: Ngành, nghề kinh tế quốc dân do nhà nước ban hành, các cơ quan thống kê và các cơ quan nhà nước khác phải tuân thủ việc báo cáo theo quy chuẩn của ngành, nghề kinh tế quốc dân.

Ngành, nghề đăng ký kinh doanh là của người dân.

Người dân có quyền đăng ký những ngành, nghề kinh doanh mà pháp luật không cấm. Cơ quan đăng ký kinh doanh là người thư ký ghi lại những ngành, nghề đăng ký kinh doanh được thiết kế theo nguyên tắc mở để có thể bổ sung những ngành, nghề mới do người dân sáng tạo.

Đối với người dân không có phân cấp theo ngành,nghề. Người dân đăng ký ngành, nghề kinh doanh theo ý tưởng đầu tư của mình. Việc phân ngành, nghề vào cấp nào là do nhà nước thực hiện để phục vụ cho nhu cầu quản lý nhà nước.

3) Về mục đích: Danh mục ngành, nghề kinh tế quốc dân phục vụ cho việc phân tích để nhà nước quản lý, đề ra chính sách.

Danh mục ngành, nghề đăng ký kinh doanh phục vụ cho người dân tiện tra cứu và tìm tòi sáng tạo thêm những ngành, nghề mới.

Lưu ý hiện nay theo quy định tại điểm 6 Mục I Thông tư liên tịch 05/2008/TTLT-BKH-BTC-BCA ngày 29 tháng 7 năm 2008 giữa Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và Bộ Công an thì khi làm thủ tục đăng ký kinh doanh, người kê khai hồ sơ phải lấy mã ngành nghề cấp hai trong Danh mục ngành nghề kinh tế quốc dân ban hành kèm theo Quyết định 10/2007/QĐ-TTg ngày 23 tháng 01 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ để làm ngành nghề kinh doanh.

Còn theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 43/2010/NĐ-CP thì việc ghi mã ngành nghề đăng ký kinh doanh thực hiện như sau:

Ngành, nghề kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp được ghi và mã hóa theo ngành cấp bốn trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, trừ những ngành, nghề cấm kinh doanh .

Nội dung cụ thể của các phân ngành trong ngành kinh tế cấp bốn được thực hiện theo Quy định về nội dung hệ thống ngành kinh tế Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành.

Việc mã hóa ngành, nghề đăng ký kinh doanh trong Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp chỉ có ý nghĩa trong công tác thống kê.

Căn cứ vào Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam, người thành lập doanh nghiệp tự lựa chọn ngành, nghề kinh doanh và ghi mã ngành, nghề kinh doanh vào Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp. Cơ quan đăng ký kinh doanh đối chiếu và ghi ngành, nghề kinh doanh, mã số ngành, nghề kinh doanh vào Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Về bản chất, ngành nghề kinh doanh là của dân sáng tạo ra từ ngàn đời nay, cho nên việc dùng mã ngành, nghề kinh tế quốc dân để kê khai vào hồ sơ đăng ký kinh doanh như hiện nay là không hợp lý. Ví dụ: Người dân muốn mở một quán phở thì sẽ đăng ký là “bán phở”; còn Nhà nước xếp “bán phở” vào mã ngành nghề kinh tế quốc dân nào tùy thuộc vào mục đích quản lý nhà nước.

 Theo Luật gia: Cao Bá Khoát và Luật sư: Trần Hữu Huỳnh .