Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn trong chương trình Tòa tuyên án về Vụ án Cuồng ghen nên giết vợ. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Vụ án: Chị Dịu là người hiền lành, sống chan hòa nên được người dân trong thôn rất yêu quý. Chị được bầu làm chi hội phó chi hội phụ nữ của thôn. Thỉnh thoảng chị đi họp, tham gia công tác cộng đồng, nên anh Văn – chồng chị thường hay ghen tuông, tìm cớ gây sự. Nhiều lần, anh Văn bắt chị Dịu phải nghỉ, không được tham gia hoạt động đoàn thể, nhưng chị Dịu không đồng ý.
Tối 7/3/2017 chị Dịu đi họp chi hội phụ nữ thôn để chuẩn bị cho các hoạt động ngày 8/3 hôm sau. Chị Dịu cầm ấm sang nhà bố lấy nước để nấu nước pha chè. Văn sau khi uống rượu say đã đến nhà văn hóa xem vợ có đúng là đi họp chi hội phụ nữ không. Hai tiếng sau, thấy vợ sang nhà bố đẻ lấy nước, vừa đi vừa bấm điện thoại, nghi ngờ nhắn tin cho người đàn ông khác, anh ta nổi máu ghen nên to tiếng, rồi sát hại…. Rạng sáng hôm sau, Văn bỏ thi thể vào bao tải, giấu ở bãi đất trống xã bên cạnh. Gây án xong, Văn trình báo với cán bộ thôn rằng vợ mất tích để đánh lạc hướng cơ quan điều tra.
Ngày 8/3/2017, Công an tỉnh nhận tin báo chị Lê Thị Dịu (31 tuổi) tới nhà văn hóa xã Hải Lộc từ tối hôm trước nhưng không thấy về. Phía sau nhà bố chị này, người dân tìm thấy một đôi dép, một ấm đun nước, máu và tóc dính trên nền đất.
Hàng chục cảnh sát hình sự tới khám nghiệm hiện trường, phát hiện mặt ngoài tường nhà có vết máu thấm từ trên xuống, xung quanh cỏ cây bị dẫm đạp. Trinh sát nhận định đây có thể là vụ án mạng, hung thủ sau khi gây án đã giấu xác chỗ khác.
Hàng xóm cho hay chị Dịu tính hiền lành, sống chan hòa, không có mâu thuẫn nào gay gắt đến mức bị tước đoạt mạng sống. Trinh sát đưa ra giả thiết chị bị cướp sát hại hoặc do mâu thuẫn tình ái, ghen tuông.
Sau nhiều ngày tìm kiếm, chiều muộn ngày 10/3/2017, nhà chức trách phát hiện tại khu đất trống xã Kha Trung, cách nhà văn hóa 3km có một bao tải chứa xác chị Dịu. Nạn nhân chết ba ngày trước, thi thể nhiều vết máu.
Quá trình tìm hiểu các mối quan hệ, cảnh sát nhận thấy chồng chị Dịu là Vì Trung Văn thường xuyên ghen do vợ hay tham gia các hoạt động cộng đồng của chi hội phụ nữ.Do nạn nhân còn hoa tai vàng và tiền, trinh sát loại trừ đây là vụ cướp. Căn cứ nhiều vết chém, ban chuyên án nhận định hung thủ đã gây án trong cơn tức giận. Trong hai giả thiết còn lại, cảnh sát nghiêng về việc đã xảy ra mâu thuẫn vợ chồng, dẫn tới án mạng.
Khi làm việc với cảnh sát, Văn khai hôm vợ mất tích, anh ta có đến nhà bạn xóm bên để nhậu. Tuy nhiên, người hàng xóm khai 21h đã tan cuộc nhậu. Tiếp cận con trai của vợ chồng chị Dịu, nhà chức trách nhận được thông tin khoảng 23h bố về nhà và nói mẹ đang ở nhà văn hóa. Nửa đêm, Văn đi xe máy rời nhà, 30 phút sau quay về.
Tiếp tục làm việc với Văn, điều tra viên yêu cầu chứng minh quãng thời gian từ 21-23h đi đâu, làm gì thì anh ta không đưa ra được câu trả lời thuyết phục. Khám nhà Văn, cảnh sát thu chiếc áo dính máu, con dao. Kết quả giám định cho thấy đây là máu của Văn và chị Dịu. Lúc này, Văn mới nhận tội.
TRANH LUẬN
Kiểm sát viên 1:
Kính thưa Hội đồng xét xử, thưa toàn thể các quý vị!
Bị cáo Vì Trung Văn bị truy tố về tội Giết người theo quy định tại khoản 1 điều 123 Bộ luật hình sự và được đưa ra xét xử tại phiên tòa hôm nay. Hành vi của bị cáo không chỉ gây nên cái chết đau thương cho người bị hại, gây nên những tổn thất to lớn cho gia đình người bị hại và chính gia đình mình, mà còn gây bất bình, căm phẫn trong quần chúng nhân dân, hành vi của bị cáo đã thể hiện sự ghen tuông đê hèn của một kẻ mất hết tính người, coi thường tính mạng, tài sản của người khác, thể hiện sự coi thường pháp luật cao độ của bị cáo.
Hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, đã cố ý tước đoạt tính mạng của người bị hại Lê Thị Dịu, vì vậy, cần áp dụng các điểm n, q khoản 1 Điều 123 BLHS 2015, đề nghị tuyên phạt bị cáo hình phạt tử hình về tội giết người đối với bị cáo Trần Công Trị.
Đề nghị HĐXX áp 584, 585, 589 Bộ luật dân sự 2015 để buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình ông Lê Đình Thể 350 triệu đồng.
Trên đây là toàn bộ quan điểm của Viện kiểm sát về hướng giải quyết đối với vụ án, đề nghị HĐXX cân nhắc, ra một bản án đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, xin trân trọng cảm ơn.
Luật sư 1: Kính thưa HĐXX, thưa quý vị đại diện Viện kiểm sát, thưa toàn thể các quý vị đang theo dõi phiên tòa.
Chúng tôi………………………………………… là Luật sư thuộc ……… ………….., đoàn LS tỉnh Long Hà, chúng tôi được các cơ quan tiến hành tố tụng tỉnh chỉ định và Công ty Luật đã cử chúng tôi tham gia tố tụng để bào chữa cho thân chủ của chúng tôi là bị cáo Vì Trung Văn tại phiên tòa sơ thẩm hôm nay.
Trước hết, tôi xin chia buồn và bày tỏ sự tiếc thương sâu sắc trước mất mát to lớn của gia đình ông Lê Đình Thể trước sự ra đi của chị Lê Thị Dịu . Diễn biến hành vi mà thân chủ chúng tôi bị cáo buộc đã được nêu lên tương đối đầy đủ trong cáo trạng và luận tội của đại diện VKS, tôi xin phép không nhắc lại. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề khác trong vụ án này cần lưu tâm xem xét mà vị KSV chưa đề cập đến hoặc đề cập đến nhưng chưa đầy đủ. Vì vậy, kính mong HĐXX xem xét các vấn đề sau đây:
Thứ nhất, chúng tôi không tán đồng với cáo buộc của Viện Kiểm sát về tình tiết tăng nặng định khung quy định tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS mà Viện kiểm sát đã truy tố thân chủ của chúng tôi. Việc thân chủ chúng tôi thực hiện hành vi làm tử thương người bị hại, hoàn toàn không có tính chất côn đồ, bởi lẽ, sự mâu thuẫn của hai người không phải mới phát sinh, cũng không phải là mâu thuẫn nhỏ nhặt, mà đây là mâu thuẫn gia đình rất trầm trọng, đã phát sinh trong một thời gian dài, chỉ đến ngày 07.3.2017 mới bùng phát đến đỉnh điểm. Trong cuộc cãi vã giữa hai người, thân chủ chúng tôi bị kích động mạnh vì những lời nói, cử chỉ của chị Dịu nên mới ra tay quá đà với người vợ mà mình rất mực yêu thương. Vì vậy, chúng tôi ch rằng cáo buộc của Viện kiểm sát đối với thân chủ chúng tôi về tình tiết này là thiếu cơ sở.
Thứ hai, về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự cho bị cáo theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51, đó là người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả.
Thân chủ chúng tôi sau khi bị bắt đã động viên bố mẹ đẻ của mình đến thăm và bồi thường 120 triệu đồng cho gia đình người bị hại, và sau khi xảy ra sự việc, thân chủ chúng tôi đã rất thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, thể hiện bằng việc đã thật thà khai báo, hợp tác với cơ quan chức năng trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử. Vì vậy thân chủ của chúng tôi xứng đáng được hưởng tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015.
Ngoài ra, chúng tôi còn đề nghị Hội đồng xét xử xem xét các tình tiết: gia đình bị cáo cực kỳ khó khăn, bị cáo lại là lao động chính trong gia đình, đây cũng là một tình tiết giảm nhẹ theo quy định của khoản 2 Điều 51 BLHS 2015.
Từ những phân tích trên, chúng tôi kính đề nghị HĐXX hãy xem xét để tuyên một mức án thấp nhất có thể, để thân chủ tôi còn có cơ hội chuộc lại lỗi lầm của mình trở thành người có ích cho xã hội.
Xin cảm ơn HĐXX và các quý vị đã chú ý lắng nghe.
Chủ tọa hỏi: Bị cáo đứng dậy, bị cáo đã nghe rõ lời lời bào chữa của Luật sư chưa?
Văn: Bị cáo đã nghe rõ.
Hỏi: Bị cáo có bổ sung gì không?
Đáp: Thưa không ạ …
Chủ tọa hỏi: Đại diện hợp pháp của người bị hại có ý kiến tranh luận gì không?
Ông Thể: Thưa Tòa. Giết người phải đền mạng, tôi đề nghị Tòa án xử tử hình bị cáo để đem lại công bằng cho gia đình tôi.
Chủ tọa: Đề nghị đại diện VKS đối đáp lại ý kiến của LS.
Kiểm sát viên 2: Chúng tôi không tán đồng với quan điểm của vị Luật sư cho rằng bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 51, đó là người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải theo quy định tại điểm s khoản 1 Điều 51 BLHS 2015. Bởi lẽ, việc thăm hỏi, nhang khói, phúng viếng một số tiền cho gia đình người bị hại đó là do bố mẹ bị cáo tự thực hiện, còn khi đó bị cáo đã bị công an bắt giữ, còn có lúc nào mà động viên, nhắc nhở gia đình bồi thường, vì vậy bị cáo không thể được hưởng tình tiết giảm nhẹ này.
Bị cáo cũng không thể được hưởng tình tiết thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bởi lẽ sau khi phạm tội, bị cáo đã tạo tình huống giả, xóa dấu vết hòng trốn tránh pháp luật. Cho nên bị cáo cũng không được hưởng tình tiết quy định tại điểm s khoản 1 Điều 46 BLHS.
Luật sư 2: Thưa quý Viện, khi bị bắt để tạm giam, thân chủ chúng tôi đã dặn lại gia đình về việc lo ma chay, an táng, bồi thường cho bố mẹ người bị hại, tại sao Viện kiểm sát lại không chấp nhận đề xuất về tình tiết giảm nhẹ này cho thân chủ của chúng tôi. Sự việc xảy ra cũng làm thân chủ chúng tôi rất đau lòng, trong lúc bồng bột, nhất thời thân chủ tôi đã phạm tội, nhưng sau đó đã ăn năn, hối hận vô cùng. Hơn nữa, hoàn cảnh gia đình thân chủ tôi cũng rất khó khăn, con của thân chủ chúng tôi còn rất nhỏ, mẹ chết, bố đi tù, nên phải sống với ông bà nội. Tại sao Viện kiểm sát không đề cập đến các tình tiết này? Vì vậy chúng tôi không tán thành quan điểm trên của Viện kiểm sát. Đề nghị HĐXX xem xét lại các cáo buộc nêu trên.
Kiểm sát viên 1: Hành động của bị cáo thể hiện sự vô nhân tính, tàn ác, nguy hiểm cao độ khi bị cáo dùng tay xiết cổ, rồi dùng dao đâm nhiều nhát vào thân thể người bị hại, khi người bị hại tay không có vũ khí. Lại thêm nữa, bị cáo không những đã giết chết người bị hại vì ghen tuông mà còn tạo hiện trường giả, tạo chứng cứ ngoại phạm hòng trốn tránh sự trừng phạt của pháp luật. Tội ác ấy trời không dung, đất không tha, vậy mà các vị Luật sư vẫn cố tình xin giảm nhẹ cho bị cáo. Vì vậy chúng tôi không thể đồng tình với đề xuất của các vị Luật sư.
Luật sư 2: Thưa HĐXX, cổ nhân có câu rằng: “cứu một mạng người còn hơn xây cả tòa tháp 7 tầng”. Chúng tôi bào chữa cho bị cáo với hy vọng rằng Tòa án sẽ xem xét, đánh giá chứng cứ một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, để từ đí cứu vớt phần người, phần lương tâm của người phạm tội, để thân chủ chúng tôi còn có cơ hội sống, còn có thể được làm người, để cho con của bị cáo còn có bố. Vì vậy, chúng tôi có trách nhiệm tìm ra các tình tiết tháo gỡ, những tình tiết giảm nhẹ cho thân chủ của chúng tôi. Đó là những đề xuất hợp tình, hợp lý và phù hợp với quy định của pháp luật. Chúng tôi không còn ý kiến gì thêm. Đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc.
Chủ tọa: Đề nghị Đại diện VKS tiếp tục đối đáp
Kiểm sát viên 2: Chúng tôi cũng không đối đáp gì thêm,đề nghị Hội đồng xét xử tiếp tục làm việc.
Chủ tọa tuyên bố: Không ai có ý kiến tranh luận gì thêm, tôi kết thúc phần tranh luận, trước khi nghị án, cho bị cáo nói lời sau cùng.
Bị cáo: Bị cáo ân hận về hành vi của mình đã làm, mong tòa khoan hồng để bị cáo còn có cơ hội trở về với xã hội để chăm sóc con nhỏ …
TUYÊN ÁN
NHÂN DANH NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH LONG HÀ
NHẬN THẤY:
Chị Lê Thị Dịu – Sinh ngày 12.9. 1993 tại Tỏ 2, thôn Kha Lương, xã Kha Thụy, huyện Kha Long, tỉnh Long Hà là người hiền lành, sống chan hòa nên được người dân trong thôn rất yêu quý. Chị được bầu làm chi hội phó chi hội phụ nữ của thôn. Thỉnh thoảng chị đi họp, tham gia công tác cộng đồng, nên chồng chị là bị cáo Vì Trung Văn – Sinh ngày 17.8. 1988 thường hay ghen tuông, tìm cớ gây sự. Nhiều lần, Văn bắt chị Dịu phải nghỉ, không được tham gia hoạt động đoàn thể, nhưng chị Dịu không đồng ý.
Tối 7/3/2017 chị Dịu đi họp chi hội phụ nữ thôn để chuẩn bị cho các hoạt động ngày 8/3 hôm sau. Chị Dịu cầm ấm sang nhà bố lấy nước để nấu nước pha chè. Văn sau khi uống rượu say đã đến nhà văn hóa xem vợ có đúng là đi họp chi hội phụ nữ không. Hai tiếng sau, thấy vợ sang nhà bố đẻ lấy nước, vừa đi vừa bấm điện thoại, nghi ngờ chị Dịu nhắn tin cho người đàn ông khác, Văn nổi máu ghen nên to tiếng, rồi dùng tay và dao sát hại chị Dịu…. Rạng sáng hôm sau, Văn bỏ thi thể chị Dịu vào bao tải, giấu ở bãi đất trống xã bên cạnh. Gây án xong, Văn trình báo với cán bộ thôn rằng vợ mất tích để đánh lạc hướng cơ quan điều tra.
Quá trình điều tra tìm hiểu khám phá tội phạm, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Long Hà đã phát hiện và làm rõ thủ phạm chính là Vì Trung Văn, và nguyên nhân giết người là do ghen tuông.
Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Long Hà truy tố Vì Trung Văn về hành vi giết người.
Tại phiên tòa hôm nay, đại diện VKS đã đề nghị Hội đồng xét xử các điểm n, q khoản 1 Điều 123 BLHS 2015, đề nghị tuyên phạt bị cáo hình phạt tử hình về tội giết người đối với bị cáo Trần Công Trị.
Viện kiểm sát cũng đề nghị HĐXX áp 584, 585, 589 Bộ luật dân sự 2015 để buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình ông Lê Đình Thể 350 triệu đồng.
Bào chữa cho bị cáo, các vị Luật sư cho rằng: bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ quy định tại các điểm b, s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 BLHS, đó là người phạm tội đã tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả và tình tiết: gia đình bị cáo cực kỳ khó khăn, bị cáo lại là lao động chính trong gia đình.
Từ đó, các vị Luật sư đề nghị HĐXX xem xét để tuyên một mức án thấp nhất có thể, để bị cáo còn có cơ hội chuộc lại lỗi lầm của mình trở thành người có ích cho xã hội.
XÉT THẤY:
Các hành vi của bị cáo là đặc biệt nguy hiểm cho xã hội, các hành vi ấy đã xâm hại đến tính mạng của con người – một khách thể được luật hình Việt Nam đặc biệt bảo vệ. Không những thế, hành vi của bị cáo còn xâm hại đến trật tự an toàn xã hội, gây lo sợ, hoang mang cao độ trong cộng đồng dân cư.
Chỉ vì sự ghen tuông mù quáng mà bị cáo đã chọn biện pháp dùng bạo lực tước đoạt tính mạng của chính người vợ của mình, mẹ của con trai mình, làm cho gia đình người bị hại và của chính bị cáo lâm vào cảnh đau thương, tang tóc … Dẫu rằng giờ đây bị cáo đã hối hận thì cũng đã quá muộn màng …
Xét hành vi mà bị cáo phạm phải là đặc biệt nghiêm trọng nên cần phải cách ly bị cáo suốt đời ra khỏi đời sống xã hội, đây là biện pháp trừng trị tương xứng với tội ác mà bị cáo đã gây nên, đồng thời cũng là lời cảnh báo, răn đe, giáo dục, phòng ngừa chung cho những ai còn manh nha, mấp mé bên bờ vực thẳm của tội lỗi.
Từ các tình tiết, chứng cứ nêu trên
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH SONG HÀ
QUYẾT ĐỊNH:
Tuyên bố:
– Bị cáo Vì Trung Văn phạm tội Giết người.
– Áp dụng các điểm q khoản 1 Điều 123, các điểm b, s khoản 1 Điều 51, khoản 2 Điều 51 BLHS 2015 xử phạt bị cáo Vì Trung Văn hình phạt chung thân.
– Áp dụng các điều: 589, 591,592 Bộ luật dân sự 2015 buộc bị cáo phải bồi thường cho gia đình người bị hại là ông Lê Đình Thể 350 triệu đồng, được trừ đi 120 triệu đồng mà gia đình bị cáo đã khắc phục, số còn lại là 230 triệu đồng.
– Áp dụng Điều 47 BLHS, điểm a, khoản 2 Điều 106 BLTTHS 2015 tuyên tịch thu tiêu hủy 01 dao nhọn, bản rộng 0,25cm dài 20cm, một chiếc áo sơ mi nữ là tang vật của vụ án không còn giá trị sử dụng.
– Bị cáo phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.
– Bị cáo, đại diện hợp pháp của người bị hại có quyền kháng cáo trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa tuyên án.
HỘI ĐỒNG XÉT XỬ SƠ THẨM TAND TỈNH SONG HÀ
CÁC HỘI THẨM NHÂN DÂN – THẨM PHÁN, CHỦ TỌA PHIÊN TÒA (đã ký)
Thay mặt Hội đồng xét xử tôi tuyên bố kết thúc phiên Tòa. Yêu cầu lực lượng cảnh sát hỗ trợ tư pháp dẫn giải bị cáo về trại tạm giam.
Quan điểm của Luật sư:
1. Bị cáo Vì Trung Văn bị VKS đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS có hợp lý hay không?
Trả lời:
Giết người có tính chất côn đồ theo quy định của BLHS hiện hành là trường hợp khi giết người, người phạm tội rõ ràng đã coi thường những quy tắc trong cuộc sống, có những hành vi ngang ngược, giết người vô cớ (không có nguyên cớ) hoặc cố tình sử dụng những nguyên cớ nhỏ nhặt để giết người.
Tuy nhiên, việc xác định trường hợp giết người có tính chất côn đồ không phải bao giờ cũng dễ dàng như các trường hợp giết người khác được quy định tại khoản 1 Điều 123 Bộ luật hình sự.
Khi xác định trường hợp giết người có tính chất côn đồ cần phải có quan điểm xem xét toàn diện, tránh xem xét một cách phiến diện như: chỉ nhấn mạnh đến nhân thân người phạm tội, hoặc chỉ nhấn mạnh đến địa điểm xảy ra vụ giết người hay chỉ nhấn mạnh đến hành vi cụ thể gây ra cái chết cho nạn nhân, đâm nhiều nhát dao vào người nạn nhân là có tính chất côn đồ; nhưng có trường hợp người phạm tội chỉ đâm một nhát trúng tim nạn nhân chết ngay cũng là có tính chất côn đồ. Ở trường hợp này cần phải xem xét đến mối quan hệ giữa người phạm tội với nạn nhân, thái độ của người phạm tội khi gây án, nguyên nhân nào dẫn đến việc người phạm tội giết người …
Xét trong trường hợp của anh Văn, mâu thuẫn của hai người là mâu thuẫn đã phát sinh trong một thời gian dài, chỉ đến ngày 07.3.2017 mới bùng phát đến đỉnh điểm. Do đó, việc VKS đề nghị áp dụng tình tiết tăng nặng tại điểm n khoản 1 Điều 123 BLHS là không hợp lý.
2. Tại vụ án này bị cáo Trung có được áp dụng tình tiết giảm nhẹ nào hay không?
Trả lời:
Anh Văn có thể được áp dụng các tình tiết giảm nhẹ như người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả; thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải cũng là tình tiết được xem xét giảm nhẹ một phần trách nhiệm hình sự (điểm b, s Khoản 1 Điều 51 BLHS).
3. Mức 350 triệu mà bị cáo phải bồi thường cho gia đình ông Lê Đình Thể (bố nạn nhân) có hợp lý hay không?
Trả lời:
Điều 591 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định như sau:
Điều 591. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm
1. Thiệt hại do tính mạng bị xâm phạm bao gồm:
a) Thiệt hại do sức khỏe bị xâm phạm theo quy định tại Điều 590 của Bộ luật này;
b) Chi phí hợp lý cho việc mai táng;
c) Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng;
d) Thiệt hại khác do luật quy định.
2. Người chịu trách nhiệm bồi thường trong trường hợp tính mạng của người khác bị xâm phạm phải bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều này và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người bị thiệt hại, nếu không có những người này thì người mà người bị thiệt hại đã trực tiếp nuôi dưỡng, người đã trực tiếp nuôi dưỡng người bị thiệt hại được hưởng khoản tiền này. Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Như vậy, việc bồi thường bao nhiêu là do các bên thỏa thuận.
Đối với mức bồi thường về tổn thất tinh thần, nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa cho một người có tính mạng bị xâm phạm không quá một trăm lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định. Mức lương cơ sở hiện nay là 1,3 triệu đồng.
Như vậy, chi phí anh Văn sẽ phải bồi thường là (trong trường hợp không thỏa thuận được): 130 triệu đồng + Chi phí hợp lý cho việc mai táng + Tiền cấp dưỡng cho những người mà người bị thiệt hại có nghĩa vụ cấp dưỡng + Thiệt hại khác do luật quy định.
=>Việc yêu cầu bị cáo bồi thường cho gia đình nạn nhân có hợp lý hay không phụ thuộc vào sự thỏa thuận của các bên và chi phí phát sinh thực tế.
4. Ông/bà có cảnh báo gì cho người dân trước sự việc này?
Trả lời:
Đây là một sự việc rất đau lòng, người gây án và nạn nhân là những con người có quan hệ gần gũi gắn bó, hành động gây án xảy ra trong lúc nóng nảy, thiếu kiềm chế dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Thực tế cho thấy, không bao giờ có một khuôn mẫu ứng xử duy nhất đúng khi phải đối mặt với nguy cơ xung đột trong tình ái, bởi lẽ những gì diễn ra trong đời sống là vô cùng đa dạng và phức tạp. Tuy nhiên, nếu như mỗi người chúng ta biết cách để hạ bớt nhiệt cho những cái đầu “nóng”, những cơn giận dữ đang chực chờ để bùng phát thì đó chính là giải pháp để phòng ngừa sớm được hậu quả. Bởi một khi cách hành xử của bạn tình đã bắt đầu có những dấu hiệu mất kiểm soát, không còn sự dẫn dắt của lý trí thì sẽ rất dễ bị lâm vào tình trạng “quá giận mất khôn” để rồi gây ra những tội ác kinh hoàng.
Nếu như trong tình huống chồng (vợ) đã trở nên nóng giận, cuồng nộ thì cách tốt nhất là nên đi ra chỗ khác. Trước mắt, cần phải tìm cách thoát ly hẳn khỏi khu vực nguy hiểm để tránh nguy cơ xảy ra những cuộc xung đột không đáng có. Lúc này, tuyệt đối không nên ở lại để tiếp tục đôi co cãi vã mà cần phải đợi bạn tình nguôi bớt cơn giận, có thể bình tâm trở lại.
Nếu xảy ra tình huống khẩn cấp, nguy hiểm thì nên tri hô để báo tin cho người xung quanh hay cũng có thể gọi điện báo cho người thân, bạn bè chung của 2 người để họ đến trợ giúp việc can thiệp, hòa giải.
Đối với những gia đình có người chồng vì ghen tuông mù quáng, bệnh hoạn mà thường xuyên có những hành động bạo hành, tra tấn, ngược đãi… người vợ hãy nhờ cậy tới sự giúp đỡ của họ hàng, dòng tộc và chính quyền địa phương hoặc thông qua các thiết chế tại cơ sở như: Nhà thờ, tổ hòa giải, tổ dân phố hoặc ủy ban xã phường để sớm can thiệp. Nếu như bị hành hạ gây thương tích, cần báo cáo cho chính quyền để có biện pháp răn đe, giáo dục người vi phạm; tuyệt đối không nên cam chịu trong những trường hợp bị bạo hành vì điều này chỉ càng khiến cho tình trạng trở nên tồi tệ hơn mà thôi.