Đảm bảo trung thực, khách quan, minh bạch trong KDBĐS

0
640

Câu hỏi: Luật sư có thể cho tôi biết quy định của luật KDBĐS 2014 về sự đảm bảo trung thực, khách quan và minh bạch trong KDBĐS?

Luật sư trả lời: Trong hoạt động kinh doanh, bất kỳ một cá nhân, tổ chức kinh doanh nào cũng đều khát khao và đặt ra cho mình những mục tiêu để đạt được nguồn thu lợi nhuận lớn nhất. Khi đó “họ” sẽ có những công thức, chiến lược,… kinh doanh riêng của mình để đạt được mục tiêu đặt ra.

Nhưng các mục tiêu, cách thức, chiến lược nào đi nữa, thì cũng cần phải tuân thủ những qui định của pháp luật về sự đảm bảo trung thực, khách quan, minh bạch một cách đầy đủ,chặt chẽ và nghiêm minh.

Tuy nhiên, đôi khi, lại có những trường hợp cố ý vi phạm pháp luật để đạt được mục đích, hoặc cũng có thể vô ý do không hiểu rõ, không nắm được những qui định liên quan đến “cái” mình đang kinh doanh, mà đã gây cho đối phương những tình huống rủi ro không đáng có, từ những tình huống thiếu/không trung thực, thiếu/không công khai, minh bạch trong kinh doanh.

Luật Kinh doanh bất động sản (KDBĐS) 2014 đã có những qui định nhằm đảm bảo sự trung thực, công khai, minh bạch trong kinh doanh cho các cá nhân, tổ chức kinh doanh, như sau:

Thứ nhất, sự trung thực, công khai, minh bạch được thể hiện trong khỏan 3, điều 4, luật KDBĐS 2014, quy định về “Nguyên tắc kinh doanh bất động sản”, cụ thể như sau: “3. Kinh doanh bất động sản phải trung thực, công khai, minh bạch.”

Thứ hai, theo qui định tại điều 6, luật KDBĐS 2014, quy định về “Công khai thông tin về bất động sản đưa vào kinh doanh”, quy định như sau:

1. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản có trách nhiệm công khai thông tin về bất động sản theo các hình thức sau đây:

a) Tại trang thông tin điện tử của doanh nghiệp kinh doanh bất động sản;

b) Tại trụ sở Ban Quản lý dự án đối với các dự án đầu tư kinh doanh bất động sản;

c) Tại sàn giao dịch bất động sản đối với trường hợp kinh doanh qua sàn giao dịch bất động sản.

2. Nội dung thông tin về bất động sản bao gồm:

a) Loại bất động sản;

b) Vị trí bất động sản;

c) Thông tin về quy hoạch có liên quan đến bất động sản;

d) Quy mô của bất động sản;

đ) Đặc điểm, tính chất, công năng sử dụng, chất lượng của bất động sản; thông tin về từng loại mục đích sử dụng và phần diện tích sử dụng chung đối với bất động sản là tòa nhà hỗn hợp nhiều mục đích sử dụng, nhà chung cư;

e) Thực trạng các công trình hạ tầng, dịch vụ liên quan đến bất động sản;

g) Hồ sơ, giấy tờ về quyền sở hữu nhà, công trình xây dựng, quyền sử dụng đất và giấy tờ có liên quan đến việc đầu tư xây dựng bất động sản; hợp đồng bảo lãnh, văn bản cho phép bán, cho thuê mua của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc bán, cho thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai;

h) Các hạn chế về quyền sở hữu, quyền sử dụng bất động sản (nếu có);

i) Giá bán, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, cho thuê mua bất động sản.

Thứ ba, tại khoản 3 và 4, điều 8 Luật này, qui định về “các hành vi bị cấm”, cũng có qui định như sau:

3. Không công khai hoặc công khai không đầy đủ, trung thực thông tin về bất động sản.

4. Gian lận, lừa dối trong kinh doanh bất động sản.

Thứ tư, luật này cũng đưa ra các hình thức xử vi phạm pháp luật trong KDBĐS, được quy định tại điều 79 luật này, cụ thể như sau:

1. Tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật trong kinh doanh bất động sản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.

2. Xử lý thu hồi dự án bất động sản:

a) Cơ quan có thẩm quyền quyết định việc đầu tư dự án quyết định thu hồi dự án để giao cho chủ đầu tư khác tiếp tục thực hiện trong các trường hợp chủ đầu tư dự án vi phạm các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng, quy hoạch, kiến trúc mà không có giải pháp khắc phục theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và những trường hợp dự án thuộc diện bị thu hồi đất theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp dự án có chủ đầu tư đề nghị được nhận chuyển nhượng theo quy định tại Mục 6 Chương II của Luật này;

b) Chủ đầu tư bị thu hồi dự án có trách nhiệm giải quyết những tồn tại của dự án bảo đảm quyền lợi, nghĩa vụ của khách hàng và các bên có liên quan tới dự án;

c) Cơ quan quyết định thu hồi dự án có trách nhiệm yêu cầu chủ đầu tư bị thu hồi dự án giải quyết những tồn tại của dự án; thông báo và tổ chức lựa chọn chủ đầu tư mới để giao tiếp tục thực hiện dự án;

d) Chủ đầu tư có dự án bị thu hồi không được giao làm chủ đầu tư dự án kinh doanh bất động sản mới trong thời gian 02 năm kể từ ngày dự án bị thu hồi.