Doanh nghiệp hỏi: Chúng tôi là doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu thủy sản, muốn đăng ký nhãn hiệu tại Châu Âu, công ty luật tư vấn trình tự và thủ tục cho chúng tôi?
Luật sư trả lời: Chúng tôi xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Quý công ty vì đã tin tưởng sử dụng dịch vụ tư vấn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu của chúng tôi. Công ty SBLAW, với đội ngũ các luật sư và chuyên viên tư vấn giàu kinh nghiệm luôn sẵn sàng hỗ trợ Quý công ty với chất lượng phục vụ cao nhất.
SBLAW là một đại diện sở hữu công nghiệp giàu kinh nghiệm cung cấp dịch vụ tư vấn toàn diện về các khía cạnh từ việc hỗ trợ đăng ký xác lập quyền, khai thác thương mại của quyền sở hữu trí tuệ cho đến việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với bản quyền, sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, giống cây trồng. Quý công ty có thể tham khảo thêm thông tin chi tiết về chúng tôi qua website chính thức: http://www.sblaw.vn.
Liên quan đến yêu cầu của Quý công ty về việc tư vấn đăng ký nhãn hiệu tại các quốc gia Châu Âu, chúng tôi xin trả lời cụ thể như sau:
Đối với việc đăng ký nhãn hiệu tại các Quốc gia châu Âu, Quý công ty có thể xem xét lựa chọn đăng ký theo các hình thức sau đây:
I. ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU CỘNG ĐỒNG THÔNG QUA OHIM
Bằng cách nộp đơn đăng ký nhãn hiệu cộng đồng thông qua OHIM, nhãn hiệu của Quý công ty sẽ có cơ hội được bảo hộ đồng thời ở tất cả các quốc gia thành viên thuộc liên minh Châu Âu bao gồm: Bỉ, Đan Mạch, Đức, Phần Lan, Pháp, Hy Lạp, Ai len, Italia, Luxembua, Hà Lan, Áo, Bồ Đào Nha, Thụy Điển, Vương quốc Anh, Cộng hòa Séc, Estonia, Síp, Latvia, Lithuana, Hungary, Malta, Ba Lan, Slovenia, Slovakia, Bungari, Rumani và Tây Ban Nha.
Hình thức đăng ký nhãn hiệu cộng đồng thông qua OHIM có thể tiết kiệm được cho Quý công ty một khoản chi phí tương đối lớn so với việc đăng ký trực tiếp nhãn hiệu tại từng quốc gia khác nhau thuộc Liên minh châu Âu. Điểm hạn chế duy nhất của hình thức đăng ký này là, trong trường hợp một trong các quốc gia thành viên của Liên minh châu Âu từ chối đăng ký bảo hộ, thì nhãn hiệu của Quý công ty có nguy cơ bị từ chối đăng ký nhãn hiệu cộng đồng.
Tài liệu cần thiết: Mẫu nhãn hiệu và danh sách sản phẩm, dịch vụ dự kiến đăng ký
Thời gian tối thiểu để được cấp văn bằng đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Liên minh châu Âu là 12 tháng, kể từ ngày nộp đơn.
II. ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU THEO NGHỊ ĐỊNH THƯ MADRID
Qua cuộc trao đổi trực tiếp giữa chúng tôi và Quý công ty, chúng tôi được biết, nhãn hiệu dự định đăng ký của Quý công ty đã được đăng ký nhãn hiệu hàng hoá tại Việt Nam. Do Việt Nam là thành viên của Nghị định thư Madrid, vì vậy, Quý công ty có thể xem xét đăng ký nhãn hiệu tại châu Âu thông qua Nghị định thư Madrid dựa trên Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đã được cấp tại Việt Nam.
Hiện nay, Nghị định thư Madrid có 75 quốc gia thành viên gồm Albani, Antigua và Barbuda; Armenia, Australia, Áo; Azerbaijan; Baranh; Belarus; Bỉ; Butan, Bungari, Trung Quốc, Croatia, Cuba; Đảo Síp, Cộng hoà Séc; Đan Mạch; Estonia; Cộng đồng châu Âu; Phần Lan; Pháp; Georgia; Đức; Ghana; Hungary; Ai xơ len; Iran; Ailen; Italia; Nhật Bản, Kenya, Hàn Quốc, Triều Tiên; Kyrgystan; Latvia; Lesotho; Liechenstein; Luxemborg; Macedonia; Madagasca; Malta; Moldova; Monaco; Montenegro; Maroc; Nauy; Balan; Bồ Đào Nha, Rumani; Nga, San Mario; Secbia; Sierra Leon; Singapo; Slovakia; Slovenia; Tây Ban Nha; Thuỵ Sỹ; Thuỵ Điển; Nam Tư Cũ, Thổ Nhĩ Kỳ, Turkmenistan; Ukraina, Anh, Mozambic; Uzbekistan, Việt Nam, Namibia, Zambia, Hy Lạp, Hà Lan.
Điều kiện để đăng ký theo Nghị định thư Madrid là Quý công ty đã nộp đơn đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam.
Lưu ý:
Việc chuyển nhượng nhãn hiệu sau này chỉ được phép tiến hành với các chủ thể có quốc tịch là thành viên của Nghị định thư.
Tại mỗi quốc gia được chỉ định việc xem xét khả năng bảo hộ của nhãn hiệu sẽ tuân theo các quy định tại các quốc gia này.
Tài liệu cần thiết
– 05 mẫu nhãn hiệu giống với mẫu nhãn hiệu đã đăng ký tại Việt Nam;
– Bản sao đơn đã nộp tại Việt Nam.
– Uỷ quyền (mẫu)
– Danh mục sản phẩm dịch vụ theo đăng ký nhãn hiệu GCN tại Việt Nam.
Thời gian đăng ký
– Từ 12 đến 14 tháng
– Thời gian bảo hộ là 10 năm, có thể gia hạn nhiều lần.