Trong bài “Đăng ký ô tô phải mở tài khoản: Chưa khả thi” đăng trên báo Một thế giới, có trích dẫn ý kiến của Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW. Dưới đây là nội dung chi tiết:
Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng việc sở hữu ô tô và việc vi phạm pháp luật giao thông dẫn đến bị “phạt nguội” không phải là vấn đề có tính đương nhiên, tất yếu nên buộc mở tài khoản chỉ để thu tiền phạt là không thật sự thuyết phục.
UBND TP.Hà Nội vừa kiến nghị Bộ Công an ban hành quy định về đăng ký ô tô, trong đó phải có tài khoản được mở tại ngân hàng để khấu trừ khi vi phạm trật tự an toàn giao thông được xử lý bằng hình thức “phạt nguội”. Kiến nghị này ngay lập tức có nhiều ý kiến khác nhau.
Đây cũng không phải lần đầu tiên chủ tưởng này được đưa ra. Trước đó, vào năm 2016, đề xuất này cũng đã được đưa ra và theo lý giải của Công an TP.Hà Nội lúc đó, việc mở tài khoản sẽ tạo thuận lợi cho quá trình xử lý vi phạm giao thông, ý thức của lái xe cao hơn rất nhiều nếu việc vi phạm bị trừ thẳng tiền vào tài khoản.
Bình luận về đề xuất này với phóng viên báo Một Thế Giới, Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng quy định này có thể hướng đến mục đích tạo sự thuận lợi trong việc nộp phạt của người vi phạm giao thông và thu tiền phạt của cơ quan Nhà nước.
Theo đó, người vi phạm có thể sẽ không mất nhiều thời gian đi lại, không phải đến kho bạc Nhà nước nộp phạt bằng tiền mặt. Tuy vậy, vấn đề ở đây là cần xem xét về tính hợp lý giữa quy định của pháp luật và quyền của người dân.
“Nếu chỉ vì mục đích “phạt nguội” mà bắt buộc người dân phải có tài khoản ngân hàng khi đăng ký ô tô là chưa thật sự hợp lý, bởi lẽ việc mở hay không mở tài khoản ngân hàng là quyền của người dân. Nếu bắt buộc người đăng ký ô tô phải có tài khoản để “bảo đảm” cho việc phạt nguội là khá khiên cưỡng, ảnh hưởng đến quyền sở hữu tài sản (đăng ký ô tô) và sử dụng dịch vụ của người dân (mở tài khoản ngân hàng)”, ông Vũ nói.
Hơn nữa, luật sư này cho rằng việc sở hữu ô tô và việc vi phạm pháp luật giao thông dẫn đến bị “phạt nguội” không phải là vấn đề có tính đương nhiên, tất yếu nên buộc mở tài khoản chỉ để thu tiền phạt là không thật sự thuyết phục.
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW lo ngại quy định này không có khả năng thực hiện. “Việc mở tài khoản ngân hàng là quyền của công dân chứ không phải nghĩa vụ, do đó, không thể ép buộc được vì công dân phải mất tiền mở tài khoản và phải thanh toán chi phí để duy trì tài khoản đó”.
“Quy định này không thể gọi là biện pháp để ngăn chặn hành vi vi phạm giao thông. Trong trường hợp cần ngăn chặn hành vi vi phạm giao thông thì các cơ quan chức năng cần phải tuyên truyền, giáo dục, hướng dẫn người tham gia giao thông chứ không phải là ép buộc người tham gia phải làm thẻ ngân hàng”, ông Hà nói.
Thậm chí, theo quan điểm của ông Hà, có tình trạng người dân mở tài khoản nhưng không để tiền vào trong tài khoản mà chỉ để số dư trong tài khoản thì việc phạt nguội bằng hình thức này cũng không thể thực hiện được.
Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã trở thành phương thức thanh toán, giao dịch phổ biến trên thế giới và đang triển khai tại Việt Nam. Tuy nhiên, ông Hà cho rằng nếu bắt buộc người mua và đăng ký ô tô phải mở tài khoản ngân hàng cần được xem xét và thăm dò ý kiến của người dân để thể hiện tính dân chủ, sau đó là khuyến khích thực hiện.
Theo ông Bùi Danh Liên, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải ôtô Hà Nội, việc sử dụng tài khoản ngân hàng để nộp phạt vi phạm giao thông, các nước đã làm từ lâu và Công an Hà Nội cũng từng đề xuất trước đây nhưng bị phản ứng.
Theo ông Liên, việc sử dụng tài khoản ngân hàng để nộp phạt vi phạm giao thông sẽ đem lại một số lợi ích như chống tham nhũng, tránh tình trạng rửa tiền, đỡ mất thời gian. Tuy nhiên, việc này cần phải có lộ trình để người dân hiểu ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này.
Chuyên gia này cho rằng thời điểm hiện tại, điều kiện kinh tế của người dân đã được nâng lên,việc có một tài khoản để đảm bảo cho việc xử phạt chính là có lợi với người dân, có lợi cho cơ quan Nhà nước. Theo hình thức truyền thống, lái xe vi phạm sẽ phải lấy biên bản đến kho bạc nộp phạt rồi lại quay lại lấy giấy tờ, việc làm này sẽ rất phiền hà cho người vi phạm.
Bên cạnh đó, việc mở tài khoản sẽ khiến cho việc nộp phạt được minh bạch hơn, số tiền nộp phạt chạy thẳng vào ngân hàng, chạy thẳng vào tài khoản của Nhà nước. Như vậy sẽ tránh hiện tượng “bôi trơn” giữa người vi phạm với lực lượng cảnh sát giao thông, gây ra nạn tham nhũng.
Lam Thanh
Nguồn: http://motthegioi.vn/thoi-su-c-66/xa-hoi-c-94/dang-ky-o-to-phai-mo-tai-khoan-chua-kha-thi-91981.html