Đánh giá tác động của các loại hình vận tải công nghệ

0
600

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn trên Truyền hình thông tấn xã việt nam về  Tác động của các loại hình vận tải công nghệ đối với đời sống, nền kinh tế của Việt Nam. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1.Ông có đánh giá thế nào về sự xuất hiện của loại hình vận tải công nghệ, trong đó phải kể đến taxi công nghệ Grab, Uber đối với đời sống, kinh tế của Việt Nam?

Trả lời:

Sự xuất hiện của các loại hình vận tải công nghệ như Uber, Grab không những tạo ra “cuộc chiến” giữa taxi công nghệ và taxi truyền thống mà còn “châm ngòi” cho cuộc đua ứng dụng công nghệ trên thị trường kinh doanh vận tải.

Ứng dụng gọi xe được Grab và Uber đưa vào Việt Nam cách đây 3 năm đã làm thay đổi cách vận hành của cả thị trường taxi. Sự dịch chuyển một lượng lớn khách hàng đang sử dụng taxi truyền thống sang việc gọi xe qua ứng dụng đã cho thấy một sự vận động rất khác của nhu cầu trong thời đại số.

Khi áp dụng công nghệ vào hoạt động vận tải sẽ giúp cơ quan quản lý nhà nước nắm bắt được số lượng đơn vị vận tải, số lượng phương tiện; bảo đảm được các điều kiện đối với phương tiện; nội dung ứng dụng hợp đồng điện tử được đáp ứng.

Đối với hành khách, việc đưa ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng đã tạo điều kiện thuận lợi cho hành khách trong việc đi lại như: lựa chọn phương tiện, biết được thông tin của lái xe (tên, số điện thoại), biết trước được giá cước, tăng khả năng tìm lại hành lý, tài sản, sử dụng dịch vụ tốt thông qua chất lượng của phương tiện. Bên cạnh đó, có thể giám sát đánh giá thái độ phục vụ khách hàng của đơn vị với lái xe, chia sẻ giám sát chuyến đi khi khách hàng muốn sử dụng nhằm nâng cao an toàn cho hành khách.

Nhờ có công nghệ hỗ trợ quản lý, hành khách không còn bị tài xế taxi cho “chạy lòng vòng” đường ngắn biến thành đường xa, vừa mất tiền oan, vừa mất thời gian. Quan trọng hơn cả, sự cạnh tranh quyết liệt trên thị trường vận tải đã buộc nhiều taxi truyền thống phải giảm giá cước, tăng khuyến mãi cho khách hàng, … Do đó, cần ứng xử với loại hình vận tải mới này theo hướng khuyến khích phát triển để người dân được hưởng dịch vụ vận tải tốt hơn.

Bên cạnh đó, loại hình này thúc đẩy, tạo điều kiện phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, phù hợp với định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước trong giai đoạn hiện nay. Đồng thời thúc đẩy việc đổi mới, ứng dụng công nghệ trong các đơn vị vận tải để nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải và an toàn giao thông, góp phần triển khai tốt việc thực hiện cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 của Việt Nam.

2. Mới đây, hãng Grab đã quyết định mua lại Uber theo đó là xu hướng các hãng vận tải truyền thống Việt Nam đầu tư công nghệ để phát triển theo hướng này. Theo ông, cần phải có giải pháp gì để đảm bảo có sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh truyền thống và áp dụng công nghệ?

Trả lời:

Theo nguyên lý thị trường, dịch vụ nào tốt, rẻ, minh bạch, có lợi cho bên mua, dịch vụ đó được đón nhận. Taxi truyền thống và xe khách tuyến cố định vốn nhiều điều tiếng, lại chậm đổi mới phương thức kinh doanh nên đã và đang gặp rất nhiều khó khăn trước sự xâm lấn của vận tải công nghệ. Để cạnh tranh được, doanh nghiệp phải đầu tư cải tiến về tổ chức, áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng phục vụ. Các hãng taxi truyền thống cũng cần áp dụng công nghệ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, xem xét lại tất cả quy trình quản lý, chất lượng dịch vụ, nâng cao hiệu quả khai thác và bắt kịp xu thế thời đại.

Việc ứng dụng khoa học – công nghệ hỗ trợ công tác điều hành, hỗ trợ hoạt động vận tải đã được người dân đánh giá rất cao, ngày càng phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân. Qua đó cho thấy sự bình đẳng, thúc đẩy ứng dụng công nghệ trong hoạt động vận tải, bảo đảm công khai giữa các đơn vị vận tải cũng như đơn vị cung cấp ứng dụng khoa học – công nghệ.

 

3/Theo ông, cần có sự quản lý đối tượng này như thế nào ngay từ khi mới xuất hiện nhằm để vừa tránh xung đột cơ sở hạ tầng vừa tạo nguồn thu cho ngân sách nhà nước?

Trả lời:

Thứ nhất, cần xem xét thay đổi cách nhận diện loại hình vận tải khách mới để tăng cường quản lý hoạt động dịch vụ vận tải khách đô thị bằng taxi

Một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là nhận diện loại hình vận chuyển khách bằng xe hợp đồng dưới 09 chỗ có sử dụng phần mềm vẫn được hiểu là xe “hợp đồng” theo các quy định hiện nay tại Nghị định số 86/2014/NĐ-CP về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Do đó, để bảo đảm tính cạnh tranh và tăng cường được công tác quản lý, Nhà nước cần xem xét loại hình này như loại hình “taxi công nghệ” và giải pháp quản lý nhà nước được áp dụng như taxi thông thường.

Thứ hai, cần khuyến khích các doanh nghiệp taxi truyền thống tham gia vào cuộc cạnh tranh trong cách mạng công nghệ 4.0.

Bằng việc quản lý hệ thống chung cho các đơn vị cơ quan quản lý nhà nước có thể kiểm soát tốt hơn hoạt động của các phương tiện vận tải từ đó đưa ra những quy định phù hợp phục vụ công tác quản lý và người dân có thể đặt xe taxi truyền thống theo cả 02 phương thức.

Phương tiện và người điều khiển phương tiện đối với các hãng taxi và các hãng xe hợp đồng có sử dụng phần mềm cần được kiểm soát chặt chẽ. Việc gia tăng số lượng phương tiện và niên hạn sử dụng phương tiện cần có điều chỉnh bằng việc phương tiện được đăng ký tại địa bàn hoạt động chỉ được hoạt động trên địa bàn đó. Quản lý tần suất hoạt động nhằm đưa ra niên hạn hoạt động phù hợp cho các phương tiện.

Thứ ba, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác quản lý, giám sát hoạt động vận tải khách bằng taxi cũng như hoạt động xe hợp đồng dưới 09 chỗ có sử dụng ứng dụng phần mềm đặt xe.

Hy vọng trong thời gian tới với sự ra đời của các cơ chế, chính sách đựợc điều chỉnh trong Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, NghỊ định sửa đổi, bổ sung Nghị định 86/2014/NĐ-CP sẽ nâng cao chất lượng công tác quản lý hoạt động vận tải khách bằng taxi và xe hợp đồng ngày càng hiệu quả hơn, đem lại cho người dân những lợi thế của công nghệ nhưng cũng hài hoà được các loại hình vận tải hiện hữu.