Liệu sử dụng hóa đơn điện tử có giảm được gian lận thuế không?

0
373

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời phỏng vấn trên Truyền hình Thông tấn xã Việt Nam về vấn đề hóa đơn điện tử. Dưới đây là nội dung chi tiết bài phỏng vấn:

Câu 1. Hóa đơn điện tử có cần đóng dấu không? Hóa đơn điện tử có cần chữ ký của người mua hàng? Liệu sử dụng hóa đơn điện tử có giảm được gian lận thuế không? VÌ sao?

Trả lời:

Căn cứ theo Điểm a, b Khoản 2 Điều 5 Thông tư số 119/2014/TT-BTC (sửa đổi điểm a Khoản 3 Điều 4 Thông tư số 39/2014/TT-BTC) thì:

“a) Tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, dịch vụ có thể tạo, phát hành và sử dụng hóa đơn không nhất thiết phải có chữ ký người mua, dấu của người bán trong trường hợp sau: hóa đơn điện; hóa đơn nước; hóa đơn dịch vụ viễn thông; hóa đơn dịch vụ ngân hàng đáp ứng đủ điều kiện tự in theo hướng dẫn tại Thông tư này.

Trường hợp kinh doanh dịch vụ thì trên hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “đơn vị tính”.

b) Các trường hợp sau không nhất thiết phải có đầy đủ các nội dung bắt buộc, trừ trường hợp nếu người mua là đơn vị kế toán yêu cầu người bán phải lập hóa đơn có đầy đủ các nội dung hướng dẫn tại khoản 1 Điều này:

– Hóa đơn tự in của tổ chức kinh doanh siêu thị, trung tâm thương mại được thành lập theo quy định của pháp luật không nhất thiết phải có tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký của người mua, dấu của người bán.

– Đối với tem, vé: Trên tem, vé có mệnh giá in sẵn không nhất thiết phải có chữ ký người bán, dấu của người bán; tên, địa chỉ, mã số thuế, chữ ký người mua.

– Đối với doanh nghiệp sử dụng hóa đơn với số lượng lớn, chấp hành tốt pháp luật thuế, căn cứ đặc điểm hoạt động kinh doanh, phương thức tổ chức bán hàng, cách thức lập hóa đơn của doanh nghiệp và trên cơ sở đề nghị của doanh nghiệp, Cục thuế xem xét và có văn bản hướng dẫn hóa đơn không nhất thiết phải có tiêu thức “dấu của người bán”.

– Các trường hợp khác theo hướng dẫn của Bộ Tài chính”.

Như vậy, người mua không phải bắt buộc Ký số vào hoá đơn điện tử cũng như không bắt buộc phải có dấu của người bán trên hoá đơn điện tử trừ trường hợp hoá đơn điện tử chuyển đổi sang hoá đơn giấy bắt buộc phải có chữ ký và đóng dấu của người bán.

Khi sử dụng HĐĐT, ngay sau khi giao dịch mua – bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, bên bán xuất hóa đơn cho bên mua, thì hóa đơn đã được thể hiện ngay trên hệ thống của cơ quan thuế. Cơ quan thuế xác định được ngay giao dịch đã diễn ra và ngay lập tức phát hiện ra gian lận.

Đối với doanh nghiệp bỏ trốn, mất tích, ngay lập tức, cơ quan thuế dừng HĐĐT, nên không có cơ hội gian lận thuế, trốn thuế.

HĐĐT ưu việt hơn hóa đơn giấy rất nhiều, mang lại rất nhiều lợi ích, tiện ích cho doanh nghiệp, người bán hàng, người mua hàng, cơ quan thuế, cơ quan quản lý nhà nước… Trong đó, việc góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế chỉ là một trong những ưu việt của HĐĐT.

Câu 2. Theo ông những thuận lợi cũng như khó khăn khi triển khai hóa đơn điện tử trong điều kiện của Việt Nam

Trả lời:

Hóa đơn điện tử giúp khắc phục tình trạng làm giả hóa đơn, góp phần ngăn chặn tình trạng gian lận thuế, trốn thuế, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thời gian cho doanh nghiệp khi thực hiện các thủ tục hành chính thuế. Tuy nhiên trong quá trình sử dụng hóa đơn điện tử vẫn tồn tại những khó khăn nhất định. Cụ thể:

Lợi ích áp dụng hóa đơn điện tử là rất rõ nhưng hiện tại chi phí áp dụng vẫn cao hơn nhiều so với việc DN tự in hóa đơn, đó là lý do đầu tiên DN không lựa chọn.

Thứ hai, hóa đơn trong nhận thức của đại bộ phận người dân Việt Nam vẫn là chứng từ giấy, hóa đơn điện tử chưa được nhiều người biết đến và sử dụng nên khi mới áp dụng, các DN thường gặp rất nhiều khó khăn trong việc giải thích cho khách hàng hiểu thế nào là hóa đơn điện tử và tính pháp lý của hóa đơn này.

Thứ ba, việc áp dụng hóa đơn điện tử rất cần một hạ tầng kỹ thuật tốt, tuy nhiên không phải DN nào cũng sẵn sàng đáp ứng được yêu cầu về mặt hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin – viễn thông. Không có nhiều DN cung cấp dịch vụ hoá đơn điện tử có đủ quy mô và năng lực cung cấp dịch vụ trên phạm vi rộng, từ các thành phố lớn tới địa bàn huyện, xã, …

Thứ tư, khi sử dụng hóa đơn điện tử sẽ dẫn đến nhiều vấn đề mà DN chưa biết cách xử lý, đặc biệt, đối với ngành nghề chuyên về vận chuyển. Khi vận chuyển hàng hóa phải có hóa đơn để trình cơ quan chức năng kiểm tra trên đường, như vậy khi dùng hóa đơn điện tử, DN không biết lấy hóa đơn nào để xuất trình. Đó là chưa kể các chi phí xác nhận, photo các hóa đơn chứng từ khi đối tác yêu cầu hóa đơn giấy rất mất thời gian.

Thứ năm, theo quy định của Luật Giao dịch điện tử năm 2005, điều kiện để thực hiện giao dịch điện tử khắt khe và phức tạp hơn nên việc triển khai chậm hơn. Hóa đơn điện tử chạy bằng phần mềm phải có chứng thư kĩ thuật số, hạ tầng ngành Viễn thông cũng như các điều kiện khác từ phía các DN, như phải kết nối cơ quan thuế và cơ quan liên quan thì mới có thể sử dụng.

Câu 3. Có ý kiến cho rằng: Hiện nay, vấn nạn hóa đơn giả còn tồn tại. Thậm chí có tình trạng hóa đơn là thật nhưng hàng hóa mua ngoài, nhập lậu, sau đó mua hóa đơn của DN cung cấp. Họ vẫn kê khai thuế bình thường rồi chuyển tiền vào DN ảo, rồi rút tiền khỏi tài khoản mà vẫn được khấu trừ thuế. Hóa đơn điện tử nếu thực hiện được phải thống nhất khâu làm hóa đơn với khâu quản lý luồng hàng ra/vào. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này? Hóa đơn định này.

Trả lời:

Tôi hoàn toàn đồng ý với nhận định này. Hiện nay hóa đơn điện tử thực hiện được thì phải thống nhất khâu làm hóa đơn với khâu quản lý luồng hàng ra vào. Có DN xuất hóa đơn trước khi xuất hàng, thậm chí sau khi xuất hàng rồi, mấy ngày sau mới làm được hóa đơn.

Điều kiện quan trọng nhất để áp dụng hóa đơn điện tử là hạ tầng công nghệ phải tốt, nếu hạ tầng không ổn định, DN không chuyển/nhận hóa đơn được sẽ rối loạn, giao dịch đình trệ. Đến lúc đó, muốn khắc phục hay quay về sử dụng hóa đơn giấy cũng khó.

Thiết nghĩ, bước đầu chỉ nên cho áp dụng thử hóa đơn điện tử với một số DN lớn, khi đủ điều kiện mới áp dụng đại trà. Với điều kiện hiện nay, nên lùi việc áp dụng hóa đơn điện tử vì khi thực hiện, các DN lớn đã áp dụng theo hóa đơn điện tử nhưng nếu khách hàng là DN nhỏ chưa áp dụng hóa đơn điện tử sẽ hoạt động không đồng bộ, gây khó khăn cho DN khi xử lý hóa đơn. Trong thực tế chỉ một số ít DN sử dụng hóa đơn điện tử mà nhiều khi đã gây ra tình trạng ách tắc đường truyền.

Câu 4. Trong điều kiện hơn 90% DN đang hoạt động có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ. Một bộ phận DN không hoan nghênh quy định về hóa đơn điện tử không phải do họ không minh bạch mà do không muốn tốn chi phí đầu tư hạ tầng, nhân sự cho việc áp dụng hóa đơn điện tử. Ông có ý kiến gì về nhận định này.

Trả lời:

Như tôi đã trình bày ở trên, một trong những khó khăn khi áp dụng hóa đơn điện tử là chi phí áp dụng vẫn cao hơn nhiều so với việc DN tự in hóa đơn. Đặc biệt, đối với các DN đang hoạt động có quy mô nhỏ và vừa, thậm chí siêu nhỏ thì việc áp dụng hóa đơn điện tử lại càng trở nên khó khăn. Do đó, thiết nghĩ, để việc áp dụng hóa đơn điện tử không gây quá nhiều khó khăn đến DN, cần có lộ trình thay đổi dài hơi. Nhiều DN chưa có đủ điều kiện về cơ sở vật chất, nhân lực và cũng chưa được hướng dẫn cụ thể về cách thức thực hiện loại hóa đơn điện tử, chưa nắm rõ thông tin về cách xử lý những tình huống phát sinh đối với hóa đơn điện tử mà đã phải áp dụng ngay thì DN sẽ gặp rất nhiều trở ngại. Chính vì thế, khi tiến hành áp dụng sử dụng loại hóa đơn này, Nhà nước cần có một lộ trình để các DN có thể chuẩn bị một cách đầy đủ và chủ động hơn.

Mặc dù có nhiều lợi ích khi sử dụng hình thức hóa đơn điện tử nhưng những bất cập được các DN đưa ra cũng là điều mà cơ quan chức năng cần xem xét để có hướng giải quyết phù hợp, giúp việc sử dụng hóa đơn điện tử trở thành một giải pháp tốt nhất cho hoạt động kinh doanh của DN trong thời kỳ hiện đại hóa. Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế cần đẩy mạnh tuyên truyền về hành lang pháp lý và lợi ích của việc phát hành hóa đơn điện tử, để các DN hiểu rõ được những lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử và triển khai thực hiện sớm loại hình dịch vụ này.