Điểm mới trong chính sách trợ giúp xã hội

0
396

Ngày 15 tháng 3 năm 2021, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 20/2021/NĐ-CP quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01/7/2021, thay thế Nghị định số 136/2013/NĐ-CP. Đây là chính sách mang đậm tính nhân văn, có tác động rất lớn đến đời sống của những người có hoàn cảnh khó khăn.

Để bạn đọc nắm bắt kịp thời về sự thay đổi chính sách này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SB LAW sẽ trả lời xung quanh vấn đề này.

Theo quy định tại Nghị định số 20/2021/NĐ-CP thì chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội có điểm gì mới nổi bật, thưa luật sư?

Có thể nói, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP là bước đột phá cải thiện đời sống đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Nghị định số 20/2021/NĐ-CP có 6 điểm mới nổi bật, đó là:

Thứ nhất, nâng mức chuẩn trợ giúp xã hội từ 270.000 đồng/tháng lên 360.000 đồng/tháng, tăng 1,33 lần (mức cũ quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP là 270.000 đồng/tháng).

Điều chỉnh hệ số tính mức cho đối tượng ở trong cơ sở trợ giúp xã hội với mức thấp nhất là hệ số 4. Các chế độ hỗ trợ chi phí mai táng, hỗ trợ sửa chữa nhà ở bị đổ, sập, trôi cháy do thiên tai, hỏa hoạn cũng được điều chỉnh tăng phù hợp.

Thứ hai, Nghị định mới quy định bổ sung một số nhóm đối tượng hưởng chính sách. Cụ thể: Người từ 75-80 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn; trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn. Đồng thời, quy định tùy vào điều kiện kinh tế-xã hội tại địa phương, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định bổ sung những đối tượng khó khăn trên địa bàn hưởng chính sách.

Bên cạnh đó, Nghị định cũng tạo cơ chế để các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định mức áp dụng trên địa bàn cao hơn mức tối thiểu tùy thuộc vào điều kiện kinh tế – xã hội của địa phương.

Thứ ba, cải cách thủ tục hành chính theo hướng hợp nhất thủ tục hành chính, trong đó đã cắt giảm 5 thủ tục hành chính. Tạo thuận lợi để người dân đăng ký, kê khai thông tin hưởng chính sách…

Thứ tư, quy định chi tiết về phương thức, cách thức thực hiện chi trả chính sách thông qua cơ quan cung cấp dịch vụ. Trong đó hướng tới chi trả điện tử thông qua tài khoản ngân hàng.

Thứ năm, phân công, phân cấp trách nhiệm rõ trong quá trình thực hiện chính sách. Bỏ quy định thành lập hội đồng xét duyệt chính sách ở cấp xã, giao trực tiếp trách nhiệm cán bộ công chức và UBND cấp xã.

Thứ sáu, quy định cụ thể về kinh phí, cơ chế lập dự toán, phân bổ, chấp hành và quyết toán kinh phí tạo thuận lợi để các địa phương huy động nguồn lực cho thực hiện.

Cụ thể, đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng gồm những ai?

Theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, các đối tượng bảo trợ xã hội hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm 8 nhóm sau:

– Trẻ em dưới 16 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP, như: Bị bỏ rơi chưa có người nhận làm con nuôi; mồ côi cả cha và mẹ; mồ côi cha hoặc mẹ và người còn lại bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật; cả cha và mẹ bị tuyên bố mất tích theo quy định của pháp luật…

– Người thuộc diện quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng mà đủ 16 tuổi nhưng đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất thì tiếp tục được hưởng chính sách trợ giúp xã hội cho đến khi kết thúc học, nhưng tối đa không quá 22 tuổi.

– Trẻ em nhiễm HIV/AIDS thuộc hộ nghèo.

– Người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa có chồng hoặc chưa có vợ; đã có chồng hoặc vợ nhưng đã chết hoặc mất tích theo quy định của pháp luật và đang nuôi con dưới 16 tuổi hoặc đang nuôi con từ 16 đến 22 tuổi và người con đó đang học văn hóa, học nghề, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học văn bằng thứ nhất quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

– Người cao tuổi thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

– Người khuyết tật nặng, người khuyết tật đặc biệt nặng theo quy định pháp luật về người khuyết tật.

– Trẻ em dưới 3 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo không thuộc đối tượng quy định tại các khoản 1, 3 và 6 Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP đang sống tại địa bàn các xã, thôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đặc biệt khó khăn.

– Người nhiễm HIV/AIDS thuộc diện hộ nghèo không có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng như tiền lương, tiền công, lương hưu, trợ cấp bảo bảo hiểm xã hội, trợ cấp xã hội hàng tháng.

Vậy các đối tượng trên được hưởng mức trợ cấp bao nhiêu tiền/tháng?

Mức trợ cấp xã hội hàng tháng được quy định chi tiết tại khoản 1 Điều 6 Nghị định trên. Theo đó, kể từ ngày 01/7/2021 các đối tượng trên được trợ cấp xã hội hàng tháng với mức bằng mức chuẩn trợ giúp xã hội 360.000 đồng/tháng x (nhân) với hệ số tương ứng.

Ngoài ra, các đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng được cấp thẻ bảo hiểm y tế; bên cạnh đó, các đối tượng quy định tại Điều 5 Nghị định số 20/2021/NĐ-CP học giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp, cao đẳng và đại học được hưởng chính sách hỗ trợ về giáo dục, đào tạo và dạy nghề theo quy định của pháp luật.

Được biết, chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội còn quy định về các trường hợp trợ giúp khẩn cấp. Đó là những trường hợp nào? Mức trợ giúp ra sao?

Chính sách trợ giúp xã hội khẩn cấp được quy định tại Chương III, Nghị định số 20/2021/NĐ-CP. Các chính sách hỗ trợ khẩn cấp gồm:

– Hỗ trợ lương thực và nhu yếu phẩm thiết yếu: Hỗ trợ 15kg gạo/người/tháng trong thời gian 1 tháng cho mỗi đợt hỗ trợ đối với đối tượng thuộc hộ thiếu đói dịp Tết âm lịch…

– Hỗ trợ chi phí điều trị người bị thương nặng: Người bị thương nặng do thiên tai, hỏa hoạn; tai nạn giao thông, tai nạn lao động nghiêm trọng hoặc do các lý do bất khả kháng khác…

– Hỗ trợ chi phí mai táng: Hộ gia đình có người chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh

– Hỗ trợ làm nhà ở, sửa chữa nhà ở: Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn có nhà ở bị đổ, sập, trôi, cháy hoàn toàn do thiên tai, hỏa hoạn…

– Hỗ trợ khẩn cấp đối với trẻ em khi cha, mẹ bị chết, mất tích do thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh hoặc các lý do bất khả kháng khác:

– Hỗ trợ tạo việc làm, phát triển sản xuất: Hộ gia đình có người là lao động chính bị chết, mất tích hoặc hộ gia đình bị mất phương tiện sản xuất chính do thiên tai, hỏa hoạn…

Trên đây là một số thông tin cơ bản về chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội theo quy định mới. Để biết thông tin chi tiết, các bạn tham khảo Nghị định số 20/2021/NĐ-CP.

Nguồn bài viết: https://langmoi.vn/diem-moi-trong-chinh-sach-tro-giup-xa-hoi/?fbclid=IwAR2wwYYrYvc4eZv_sOADNtRcdj_8xbF2GhbdW8FOhR6bYQBdCIlCW-CrUaQ