Ý nghĩa Luật Cảnh sát biển Việt Nam khi đi vào thực tế

0
531

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty Luật SB Law đã chia sẻ về những vấn đề liên quan đến Luật Cảnh sát biển năm 2018 trong đó có ý nghĩa về đạo luật này khi đi vào thực tế.

Ý nghĩa Luật Cảnh sát biển Việt Nam khi đi vào thực tế

Cán bộ, chiến sĩ Hải đoàn 11 phát tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân về bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026. (Ảnh BQP)

PV: Với vai trò là một Luật sư, ông đánh giá thế nào về ý nghĩa của đạo Luật này khi đi vào thực tế?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Luật Cảnh sát biển Việt Nam ra đời là bước phát triển về cơ sở pháp lý, có ý nghĩa quan trọng trong thực thi pháp luật trên biển; thể hiện sự tập trung ý chí của Đảng, Nhà nước, nguyện vọng của nhân dân, là tuyên bố mạnh mẽ về quyết tâm bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ chủ quyền. Luật đã kế thừa, phát triển Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; cập nhật, bổ sung nhiều quy định mới và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, tư duy chiến lược của Đảng về quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, trực tiếp là quản lý, bảo vệ biển, đảo trong bối cảnh nước ta hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, tạo khuôn khổ pháp lý vững chắc cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam thực thi tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.

Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; phù hợp với những thay đổi của hệ thống pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam; thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường năng lực quốc phòng, an ninh trên biển; xây dựng, phát triển Cảnh sát biển Việt Nam “cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đảm bảo sự tương đồng với thực tiễn lập pháp của các nước trên thế giới, giúp nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam. Luật Cảnh sát biển Việt Nam sau khi đi vào thực tiễn không chỉ tạo cơ sở để nâng cao hiệu quả công tác quản lý, bảo vệ vùng biển, mà còn tạo thuận lợi cho hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam, xây dựng mối quan hệ hữu nghị, hợp tác với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trên thế giới.

Có thể nói, Luật Cảnh sát biển Việt Nam không những đảm bảo cơ sở pháp lý, hoàn thiện hơn về mặt pháp lý về Cảnh sát biển Việt Nam mà còn thiết thực hỗ trợ hoạt động ngoại giao của Nhà nước, đối ngoại quốc phòng trong giải quyết những vấn đề quốc tế liên quan đến chủ quyền, an ninh biển, đảo.

PV: Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 có những điểm mới gì so với pháp lệnh trước đây?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: So với Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam số 03/2008 của Uỷ ban thường vụ Quốc Hội, Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 đã có quy định rõ ràng về vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam. Trước đây, Điều 1 của Pháp lệnh cũng có đề cập đến vị trí nhưng rất chung chung và không quy định về chức năng. Tuy nhiên chỉ đến khi có Luật, vị trí, chức năng của Cảnh sát biển mới được cụ thể hóa, chuyên môn hóa và dễ hình dung hơn tại Điều 3 của Luật.

Tương tự như vậy, nhiệm vụ và quyền hạn của Cảnh sát biển được quy định trong Luật đầy đủ và chi tiết hơn so với Pháp lệnh trước đây. Nói riêng về hình thức đã có sự cải thiện rõ rệt: Pháp lệnh năm 2008 nhiệm vụ quyền hạn được quy định chung trong một mục, rất khó phân biệt đâu là nhiệm vụ đâu là quyền hạn. Nhưng Luật 2018 lại chia ra 2 điều rất rõ ràng. Về mặt nội dung, Luật mới đã quy định 7 nhóm nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam, trong đó bổ sung mới 2 nhiệm vụ, một là tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý tình huống quốc phòng, an ninh trên biển; hai là tiếp nhận, sử dụng nhân lực tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền. Luật cũng quy định 10 quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trên cơ sở tập hợp hoá các quy định trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành; bổ sung 3 quyền hạn mới cho Cảnh sát biển Việt Nam gồm: Sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ; Huy động người, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị dân sự của cơ quan, tổ chức, công dân Việt Nam trong trường hợp khẩn cấp; Đề nghị tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ trong trường hợp khẩn cấp.

Hay như về biện pháp công tác, Luật quy định rõ 7 biện pháp công tác Cảnh sát biển gồm: vận động quần chúng, pháp luật, ngoại giao, kinh tế, khoa học – kỹ thuật, nghiệp vụ, vũ trang để bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn trên biển theo quy định của pháp luật; Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam quyết định việc sử dụng các biện pháp công tác Cảnh sát biển, chịu trách nhiệm trước pháp luật và cấp trên về quyết định của mình. Đây là quy định mới, rõ ràng hơn so với Pháp lệnh năm 2008; khắc phục được bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành đang chưa có quy định về biện pháp công tác Cảnh sát biển.

Trong lĩnh vực hợp tác quốc tế, Luật Cảnh sát biển Việt Nam cũng có điểm mới so với Pháp lệnh 2008. Cụ thể, so với Pháp lệnh trước đây, Luật Cảnh sát biển Việt Nam quy định rõ ràng hơn về hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam, bố cục một mục riêng, gồm 3 Điều về nguyên tắc, nội dung và hình thức hợp tác quốc tế, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, thuận lợi để Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện trách nhiệm quốc gia ven biển theo quy định của các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Ý nghĩa Luật Cảnh sát biển Việt Nam khi đi vào thực tế
Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch công ty Luật SB Law

PV: Vậy chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam được quy định cụ thể trong Luật là gì, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Thứ nhất, về chức năng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam gồm (Điều 3):

– Tham mưu cho Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành theo thẩm quyền hoặc đề xuất với Đảng, Nhà nước về chính sách, pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển;

– Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam;

– Quản lý về an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm việc chấp hành pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên, thỏa thuận quốc tế theo thẩm quyền.

Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng thuộc Bộ Quốc phòng và được tổ chức chặt chẽ, cụ thể:

– Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;

– Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển và các đơn vị trực thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam;

– Đơn vị cấp cơ sở.

Thứ hai, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt nam gồm 7 nhóm nhiệm vụ, được quy định cụ thể tại Điều 8 Luật Cảnh sát biển năm 2018 như sau:

– Thu thập thông tin, phân tích, đánh giá, dự báo tình hình để đề xuất chủ trương, giải pháp, phương án bảo vệ an ninh quốc gia và thực thi pháp luật trên biển; nghiên cứu, phân tích, dự báo, tham mưu với cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, pháp luật về bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh quốc gia trong vùng biển Việt Nam, bảo đảm trật tự, an toàn và đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển.

– Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ tài nguyên, môi trường biển; bảo vệ tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân trên biển.

– Đấu tranh phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên biển; tìm kiếm, cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.

– Tham gia xây dựng thế trận quốc phòng, an ninh và xử lý các tình huống quốc phòng, an ninh trên biển.

– Thực hiện tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

– Tiếp nhận, sử dụng nhân lực, tàu thuyền và phương tiện, thiết bị kỹ thuật dân sự được huy động tham gia bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia trong vùng biển Việt Nam.

– Thực hiện hợp tác quốc tế trên cơ sở điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên và thỏa thuận quốc tế có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam.

PV: Tính đến nay, đã có những văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về chức năng, nhiệm vụ của lực lượng cảnh sát biển được ban hành, thưa luật sư?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà: Từ trước đến nay Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng có thẩm quyền cđã ban hành ra nhiều văn bản pháp luật liên quan đến lực lượng cảnh sát biển. Trong số văn bản đó có các văn bản quy định về chức năng, nhieemj vụ của Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam như sau:

– Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam năm 2008;

– Nghị định số 86/2009/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Lực lượng cảnh sát biển Việt Nam;

– Nghị định số 96/2013/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam;

– Nghị định số 13/2015/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi, bổ sung Điều 9 Nghị định số 86/2009/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam;

– Nghị định số 66/2010/NĐ-CP của Chính phủ ban hành Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển và việc phối hợp hoạt động giữa các lực lượng trên các vùng biển và thềm lục địa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

– Thông tư số 80/2011/TT-BQP của Bộ Quốc phòng quy định về Quy trình kiểm tra, kiểm soát trên biển của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam;

– Hiến pháp năm 2013;

– Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018.

PV: Vậy cụ thể cách thức hoạt động của lực lượng cảnh sát biển được quy định ra sao trong Luật, thưa ông?

Luật sư Nguyễn Thanh Hà:

Điều 4 của Luật Cảnh sát biển Việt Nam năm 2018 có quy định về nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam như sau:

“1. Đặt dưới sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự thống lĩnh của Chủ tịch nước, sự thống nhất quản lý nhà nước của Chính phủ và sự chỉ đạo, chỉ huy trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

2. Tuân thủ Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

3. Tổ chức tập trung, thống nhất theo phân cấp từ Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đến đơn vị cấp cơ sở.

4. Chủ động phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh và xử lý hành vi vi phạm pháp luật.

5. Kết hợp nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, quản lý an ninh, trật tự, an toàn trên biển với phát triển kinh tế biển.

6. Dựa vào Nhân dân, phát huy sức mạnh của Nhân dân và chịu sự giám sát của Nhân dân.”

Link bài viết: https://thoidai.com.vn/y-nghia-luat-canh-sat-bien-viet-nam-khi-di-vao-thuc-te-146598.html