Điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ: Còn nhiều bất cập

0
424

Luật sư Nguyễn Thanh Hà từ SBLAW có bài viết trên báo diễn đàn doanh nghiệp về việc sửa đổi nghị định về mua bán nợ.

Sau đây là nội dung bài viết:

Ngày 1 tháng 7 năm 2016, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; áp dụng đối với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ; tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ.

Mua bán nợ là việc bên bán nợ chuyển giao một phần hoặc toàn bộ quyền đòi nợ và các quyền khác liên quan đến khoản nợ cho bên mua nợ và bên mua nợ trả tiền cho bên bán nợ.

Kinh doanh dịch vụ mua bán nợ là việc thực hiện liên tục một hoặc một số hoạt động liên quan đến việc mua bán nợ nhằm mục đích sinh lợi, bao gồm: Mua nợ, bán nợ, môi giới mua bán nợ, tư vấn mua bán nợ và dịch vụ sàn giao dịch nợ.

Tổ chức (không phải là doanh nghiệp), cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải thành lập doanh nghiệp. Doanh nghiệp phải đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo quy định của pháp luật.

Để có cơ sở hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện việc đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, căn cứ trách nhiệm được giao tại Nghị định số 69/2016/NĐ-CP, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư số 53/2017/TT-BTC ngày 19/5/2017 hướng dẫn thi hành Nghị định số 69/2016/NĐ-CP.

Đây là cơ sở tiền đề cho các doanh nghiệp đăng ký kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, được kỳ vọng sẽ tạo “cú huých” cho sự ra đời và phát triển bền vững của thị trường mua bán nợ, trong đó có nợ xấu của doanh nghiệp, của các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai nghị định, đã phát sinh nhiều bất cập và cần phải sửa đổi và bổ sung.

Thứ nhất, đối tượng áp dụng của Nghị định 69 là tương đối hẹp, chỉ bao gồm các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ và các tổ chức, cá nhân có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ (Điều 2).

Trong khi đó hàng loạt chủ thể đang hoạt động trên thị trường mua bán nợ hiện nay đều bị gạt ra khỏi đối tượng áp dụng của Nghị định 69 và tiếp tục được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác.

Vậy có nên chăng ban soạn thảo nghiên cứu để đưa các đối tượng khác vào trong phần đối tượng điều chỉnh của Nghị định sửa đổi và bổ sung.

Thứ hai, về điều kiện kinh doanh dịch vụ mua bán nợ:

Nghị định 69 quy định cá nhân, tổ chức có nhu cầu kinh doanh dịch vụ mua bán nợ phải thành lập doanh nghiệp, có vốn điều lệ tối thiểu 100 tỉ đồng” (khoản 1, Điều 4 và khoản 2, Điều 7). Doanh nghiệp môi giới, tư vấn mua bán nợ phải có vốn điều lệ tối thiểu 5 tỉ đồng.

Vốn điều lệ của doanh nghiệp kinh doanh sàn giao dịch nợ tối thiểu là 500 tỉ đồng (khoản 2, Điều 8).

Ngoài ra, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ còn phải đáp ứng các điều kiện khác được quy định tại Nghị định 69 và phải đăng ký ngành nghề kinh doanh dịch vụ mua bán nợ theo quy định của pháp luật.

Những điều kiện về vốn với mức vốn quá lớn như quy định tại Nghị định 69 là cản trở rất lớn đối với các doanh nghiệp muốn tham gia vào lĩnh vực này.

Kiến nghị của tôi là cần phải bãi bỏ quy định về mức vốn pháp định, tạo điều kiện thuận lợi để có nhiều doanh nghiệp có thể tham gia thị trường. Không nên đặt điều kiện vốn pháp định để hạn chế việc tham gia thị trường của các doanh nghiệp.

Quy định tại khoản 3 Điều 5 Nghị định 69: “Người quản lý của doanh nghiệp mua bán nợ phải có trình độ học vấn từ đại học trở lên; là người quản lý hoặc có ít nhất năm năm làm việc trực tiếp trong lĩnh vực tài chính ngân hàng, kế toán, kiểm toán, pháp luật, định giá tài sản hoặc mua bán nợ”.

Theo tôi, quy định trên đây có phần khắt khe và không phù hợp, vì xét cho cùng thì khoản nợ cũng là một loại hàng hóa và để nó lưu thông, chuyển nhượng được, quan trọng là thực lực tài chính của bên mua và nhu cầu của thị trường cũng như khả năng bán lại của họ.

Doanh nghiệp mua bán nợ vốn ít, họ không phải là tổ chức tín dụng, không có chức năng huy động tiền trong dân và cho vay, nên quy định người quản lý phải đáp ứng tiêu chuẩn gần như điều hành một ngân hàng xem ra chưa thật sự phù hợp với tình hình thực tế.

Mua bán nợ là giao dịch trong đó các quyền và nghĩa vụ đối với một khoản nợ được chuyển từ chủ thể này sang chủ thể khác và cũng có quan điểm cho rằng, “nợ” chỉ là một loại hàng hóa để mua bán thông thường, không có ảnh hưởng nào tới lợi ích công cộng được liệt kê tại khoản 1 Điều 7 Luật đầu tư năm 2014.

Do đó, ban soạn thảo cần xem xét, đánh giá sự cần thiết của quy định này theo hướng nên coi hoạt động mua bán nợ là một giao dịch dân sự thông thường không phải là một ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện, do đó đề nghị xem xét bỏ “kinh doanh dịch vụ mua bán nợ” ra khỏi danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện tại Luật đầu tư năm 2014.

Thứ ba, có một điểm hạn chế được quy định tại Nghị định 69 là “Doanh nghiệp mua bán nợ không được nhận cấp tín dụng từ ngân hàng để mua nợ của khách hàng vay tại chính ngân hàng đó” (khoản 5, Điều 7).

Mục đích của quy định này là để phòng ngừa khả năng các doanh nghiệp này vay tiền ngân hàng mua nợ cũ để tạo ra nợ mới (hay thực chất là đảo nợ).

Theo tôi, không nên quy định hạn chế như vậy, vì giả sử doanh nghiệp mua bán nợ vay tiền của một tổ chức tín dụng này để mua nợ của khách hàng tại một tổ chức tín dụng khác thì điều đó là hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc thị trường và doanh nghiệp phải tự chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ phát sinh từ các khoản vay độc lập.

Hơn nữa, với vốn điều lệ 100 tỉ đồng, nếu không cho các doanh nghiệp kinh doanh mua bán nợ vay vốn tín dụng để tham gia mua nợ thì các doanh nghiệp này sẽ rất khó khăn trong hoạt động.

Thứ tư, một trong những vấn đề mà các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ xấu trông đợi nhất là điều kiện để họ được tham gia mua nợ xấu từ Công ty Quản lý tài sản VAMC (tiếng anh: VIETNAM ASSET MANAGEMENT COMPANY) hay từ các công ty quản lý nợ và khai thác tài sản trực thuộc các tổ chức tín dụng.

Bởi vì trên thực tế hiện nay hầu hết lượng nợ xấu của các ngân hàng, tổ chức tín dụng đều đã được chuyển cho VAMC quản lý và xử lý, và đại đa số các khoản nợ này đều có tài sản đảm bảo, cho nên đây là một lượng hàng hóa có khả năng sinh lời hấp dẫn đối với các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ mua bán nợ xấu. Tuy nhiên vấn đề này vẫn còn bỏ ngỏ trong Nghị định 69. Do đó theo tôi, điều kiện này cần được bổ sung vào Nghị định 69 cho đảm bảo tính toàn diện.

Ngoài ra, Nghị định số 69/2016/NĐ-CP không quy định rõ ràng việc nhà đầu tư nước ngoài (bao gồm tổ chức tín dụng nước ngoài) có thể thành lập công ty 100% vốn nước ngoài hoặc mua lại toàn bộ một công ty kinh doanh dịch vụ mua bán nợ tại Việt Nam.

Vì vậy, trong Nghị định sửa đổi và bổ sung cần quy định rõ là nhà đầu tư nước ngoài có thể kinh doanh trong lĩnh vực này được hay không? Nhiều nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực tài chính và kinh nghiệm trong lĩnh vực này có thể tham gia, tuy nhiên, khi mua vốn của doanh nghiệp hiện hữu hoặc thành lập công ty 100% vốn nước ngoài, sẽ rất khó để cho cơ quan chức năng cấp phép vì luật không quy định và cam kết WTO cũng không có cam kết với lĩnh vực này.

Thiết nghĩ, việc phát triển thị trường mua bán nợ là vấn đề lớn, phức tạp; thị trường mua bán nợ là một thị trường mới của Việt Nam cần được thiết lập theo đúng các nguyên tắc của kinh tế thị trường nhằm phục vụ nhu cầu nội tại của nền kinh tế Việt Nam và đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế.

Vì vậy, cần có giải pháp tổng thể để hình thành và hoàn thiện thị trường mua bán nợ theo quy luật của thị trường với hành lang pháp lý đồng bộ, thống nhất, thông thoáng, tạo điều kiện cho các chủ thể chuyển giao quyền yêu cầu, chuyển giao nghĩa vụ của mình thông qua giao dịch, theo giá thị trường, cạnh tranh lành mạnh.

Nhà nước bảo đảm khung khổ pháp lý để hạn chế nguy cơ phát sinh rủi ro pháp lý nói chung, nợ xấu nói riêng trong thị trường mua bán nợ, nhất là điều kiện pháp lý để các tổ chức tín dụng chuyển giao quyền đòi nợ của mình cho chủ thể khác.

Việc xây dựng các nghị định về ngành nghề kinh doanh nên chú trọng đến yếu tố hỗ trợ, hướng dẫn và tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ thể tham gia thị trường thay vì chỉ tập trung vào mục tiêu quản lý của cơ quan nhà nước.