Thiếu hành lang pháp lý cho xã hội hoá đầu tư vào đường sắt

0
430

Luật sư Nguyễn Thanh Hà trả lời PV báo Diễn đàn doanh nghiệp về hành lang pháp ý đầu tư vào đường sắt.

Mặc dù Luật Đường sắt sửa đổi được thông qua được xem như một “cú hích” để thu hút các nhà đầu tư vào đường sắt.

Tuy nhiên, doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn đang “vướng”. Điều này được thể hiện ở việc mới có 1/18 dự án đường sắt được xã hội hoá thành công.

Một trong những lý do được đưa ra đó là đó là thiếu hành lang pháp lý. Vậy, LS có thể chia sẻ về vấn đề này:

1/ Cụ thể thiếu hành lang pháp lý ở đây là gì?

Trả lời:

Luật Đường sắt (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2018 vừa qua. Đáng chú ý, Luật Đường sắt (sửa đổi) đã bổ sung một số quy định được cho những cú hích lớn cho lĩnh vực đường sắt, trong đó nổi bật là việc kinh doanh vận tải đường sắt được xác định là ngành, nghề được ưu đãi đầu tư; tổ chức, cá nhân hoạt động đường sát được hưởng ưu đãi, hỗ trợ như miễn tiền sử dụng đất đối với diện tích đất xây dựng kết cấu hạ tầng, các mức ưu đãi cao nhất về thuế suất thu nhập doanh nghiệp, vay tín dụng ưu đãi nhất; áp dụng cơ chế giá đối với phương thức cho thuê hoặc chuyển nhượng quyền khai thác kết cấu hạ tầng đường sắt.

Luật Đường sắt (sửa đổi) với nhiều cơ chế ưu đãi tạo thêm sức hút cho các nhà đầu tư đổ vốn vào các dự án hạ tầng, vận tải đường sắt.

Tuy nhiên, hiện nay đường sắt vẫn khó thu hút các nguồn lực đầu tư theo hình thức xã hội hóa vì khi tìm hiểu, cả nhà đầu tư lẫn các đơn vị được giao quản lý dự án chưa xác định được đầu tư theo phương thức nào để vừa hiệu quả vừa đúng quy định của Nhà nước.

Hơn nữa, việc xác định phương án thu hồi vốn cũng còn nhiều vướng mắc, nhiều nhà đầu tư đã khảo sát, nhưng cuối cùng họ trả lời không thể làm được, vì hành lang pháp lý chưa có, tính thanh khoản không cao, tính sở hữu không có vì đất, tài sản kết cấu hạ tầng, kể cả nhà ga đều là của Nhà nước, không thể xây lên rồi bán hay khai thác được.

Ngoài ra, đặc thù đầu tư kết cấu hạ tầng đường sắt là giá thành cao gấp 3 lần so với đầu tư đường bộ. Vì thế, việc đầu tư vào hạ tầng đường sắt đòi hỏi vốn rất lớn, trong khi khả năng thu hồi vốn trực tiếp khó khăn, thời gian hoàn vốn kéo dài.

 

2/ Yếu tố này ảnh hưởng như thế nào đến quyết định đầu tư của doanh nghiệp? Ngoài ra, anh có thể đề xuất giải pháp gì đế “vá” được sự thiếu này, thưa anh.

Trả lời:

Chính việc thiếu cơ chế, thiếu chính sách rõ ràng, trong khi nguồn vốn đầu tư quá lớn, khiến các dự án xã hội hóa đầu tư đường sắt, nhất là lĩnh vực hạ tầng luôn trong tình trạng “ế” nhà đầu tư.

Theo tôi, để thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực này, cần làm rõ phần nào thuộc quản lý Nhà nước đối với tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt như kho, bãi, ranh giới, … cũng như đánh giá đúng thực trạng giá trị của các phương tiện vận tải đường sắt làm cơ sở xác định giá trị.

Đồng thời làm rõ, chi tiết, cụ thể các danh mục, hạng mục, vật tư, trang thiết bị, kể cả các dịch vụ liên quan… Có vậy, các nhà đầu tư mới tính toán được hiệu quả đầu tư.

Nhìn ra các nước, chỉ có Chính phủ là người đầu tư chính cho kết cấu hạ tầng đường sắt. Hiếm nhà đầu tư nào bỏ vốn lớn đầu tư cho ngành kinh tế chậm thu lợi như ngành này.

Vì vậy, nhà nước cần tạo điều kiện, xây dựng chính sách, nhất là ưu đãi về tín dụng, đầu tư và đơn giá cơ sở hạ tầng, …

Ngoài ra, Luật Đường sắt sau khi ban hành phải tạo động lực phát triển ngành một cách toàn diện.

Do đó, phải có chính sách xã hội hoá mạnh mẽ, tạo cơ chế để Nhà nước hỗ trợ các DN đầu tư xây dựng mới và nâng cấp đường sắt, cũng như tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp kinh doanh thu hồi vốn để tiếp tục xây dựng, bảo trì kết cấu hạ tầng đường sắt.