Câu hỏi: Điều kiện và thủ tục để mang xe ô tô từ nước ngoài về Việt Nam cho người nước ngoài làm việc.
hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa
Luật sư tư vấn:
1.Căn cứ pháp lý
– Luật hải quan 2014.
– Thông tư 143/2015/TT – BTC quy định thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.
– Thông tư 93/2018/TT-BTC sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư số 19/2014/TT-BTC ngày 11/02/2014 quy định thủ tục tạm nhập khẩu, tái xuất khẩu, tiêu hủy, chuyển nhượng xe ô tô, xe hai bánh gắn máy của đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam.
2.Nội dung tư vấn:
Công ty Luật TNHH SB Law cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:
Theo khoản 1 điều 16 Luật hải quan năm 2014 quy định: “Hàng hóa, phương tiện vận tải phải được làm thủ tục hải quan, chịu sự kiểm tra, giám sát hải quan; vận chuyển đúng tuyến đường, đúng thời gian qua cửa khẩu hoặc các địa điểm khác theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, nếu muốn mang ô tô từ nước ngoài về Việt nam, cá nhân cần thực hiện đúng thủ tục hải quan phù hợp được đăng tải trên trang thông tin chính chức của Cơ quan hải quan Việt Nam (customs.gov.vn)
– Điều kiện, thủ tục mang xe ô tô từ nước ngoài về đối với người nước ngoài không phải là đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ muốn nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô về Việt Nam làm việc.
Điều kiện về đối tượng áp dụng được quy định tại điều 2 Thông tư 143/2015/TT-BTC
Điều 2. Đối tượng áp dụng
- Người Việt Nam định cư tại nước ngoài là trí thức, chuyên gia, công nhân lành nghề về nước làm việc trong thời gian từ một năm trở lên theo lời mời của cơ quan Nhà nước Việt Nam.
- Chuyên gia nước ngoài tham gia quản lý và thực hiện các chương trình, dự án ODA tại Việt Nam đảm bảo điều kiện được tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy quy định tại Quyết định số 119/2009/QĐ-TTg ngày 01/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ.
- Tổ chức, cá nhân được nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy theo quy định tại các Điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết hoặc gia nhập.
- Các đối tượng khác được nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy không nhằm mục đích thương mại theo quy định của pháp luật có liên quan.
- Cơ quan hải quan, công chức hải quan thực hiện thủ tục hải quan và quản lý xe ô tô, xe gắn máy của các đối tượng được phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu không nhằm mục đích thương mại.
- Tổ chức, cá nhân Việt Nam nhận chuyển nhượng xe ô tô, xe gắn máy tạm nhập khẩu, nhập khẩu miễn thuế của các đối tượng quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này và xe ô tô nhập khẩu miễn thuế của đối tượng quy định tại khoản 4 (dưới đây gọi tắt là người mua xe).
Theo Điều 5 Thông tư 143/2015/TT-BTC quy định về thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy:
Bước 1: Đối tượng nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy không nhằm mục đích thương mại chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy: 02 bản chính. (Thủ tục xin cấp giấy phép này được quy định tại Điều 4 Thông tư 143/2015/TT-BTC).
- Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: 01 bản chụp;
- Tờ khai hàng hóa nhập khẩu ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/03/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu;
- Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô): 01 bản chính;
- Giấy đăng ký kiểm tra chất lượng xe gắn máy nhập khẩu (đối với xe gắn máy): 01 bản chính;
- Giấy ủy quyền của đối tượng quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 2 Thông tư này ủy quyền cho tổ chức, cá nhân khác tại Việt Nam làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe (nếu có): 01 bản chính.
Bước 2: Chi cục Hải quan làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu có trách nhiệm kiểm tra, đối chiếu thông tin trên giấy phép với thực tế hàng hóa, chỉ thông quan khi có giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với xe ô tô) và giấy kiểm tra chất lượng xe gắn máy nhập khẩu của cơ quan kiểm tra chất lượng.
Bước 3: Chi cục Hải quan thực hiện thông quan đối với xe ô tô, xe gắn máy, trả cho người nhập khẩu, tạm nhập khẩu 01 giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe; 01 tờ khai nhập khẩu, tạm nhập khẩu đã hoàn thành thủ tục hải quan (đối với trường hợp thực hiện khai trên tờ khai hải quan giấy) hoặc 01 tờ khai in từ hệ thống (đối với trường hợp thực hiện thủ tục hải quan điện tử) có xác nhận, đóng dấu đã hoàn thành thủ tục hải quan của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu để làm các thủ tục đăng ký lưu hành xe theo quy định. Trường hợp thực hiện khai trên tờ khai hải quan giấy và cơ quan Hải quan chưa tra cứu được tờ khai nhập khẩu trên hệ thống thì trả thêm cho người nhập khẩu, tạm nhập khẩu 01 bản sao tờ khai có xác nhận của Chi cục Hải quan nơi làm thủ tục nhập khẩu và đóng dấu “dùng cho tái xuất hoặc chuyển nhượng”, 01 bản sao phiếu ghi kết quả kiểm tra theo mẫu ban hành kèm theo Thông tư số 38/2015/TT-BTC,
Bước 4: Chi cục làm thủ tục nhập khẩu, tạm nhập khẩu xác nhận và sao gửi tờ khai hàng hóa nhập khẩu, tạm nhập khẩu cho Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy phép nhập khẩu, tạm nhập khẩu trong vòng 05 (năm) ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thủ tục thông quan để theo dõi và cập nhật đầy đủ dữ liệu thông tin về tờ khai nhập khẩu, tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy.
– Điều kiện, Thủ tục tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy của người nước ngoài là đối tượng được hưởng quyền ưu đãi, miễn trừ tại Việt Nam
Điều kiện về đối tượng áp dụng được quy định tại Điều 2 Thông tư 19/2014/TT-BTC và Khoản 1 Điều 1 Thông tư 93/2018/TT-BTC bao gồm: Cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự và cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam; Viên chức ngoại giao thuộc cơ quan đại diện ngoại giao, viên chức lãnh sự thuộc cơ quan lãnh sự, viên chức thuộc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam; Nhân viên hành chính kỹ thuật thuộc cơ quan đại diện ngoại giao và cơ quan lãnh sự; nhân viên thuộc cơ quan đại diện của tổ chức quốc tế có trụ sở tại Việt Nam
Theo Khoản 4 Điều 1 Thông tư 93/2018/TT – BTC sửa đổi bổ sung Điều 5 Thông tư 19/2014/TT – BTC thì thủ tục tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy được quy định cụ thể:
Bước 1: Đối tượng ưu đãi miễn trừ chuẩn bị hồ sơ bao gồm:
- Giấy tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy: 02 bản chính;
- Vận tải đơn hoặc các chứng từ vận tải khác có giá trị tương đương: 01 bản chính (có đóng dấu treo của Cục Hải quan tỉnh, thành phố nơi cấp giấy tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy);
- Tờ khai hàng hóa nhập khẩu theo các chỉ tiêu thông tin tại Mẫu số 01 – tờ khai hàng hóa nhập khẩu Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ trưởng Bộ Tài chính.
- Bản đăng ký kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu (đối với ô tô): 01 bản chính;
- Bản đăng ký kiểm tra chất lượng xe/động cơ nhập khẩu (đối với xe gắn máy): 01 bản chính.
Bước 2: Thủ tục tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy thực hiện tại Chi cục Hải quan cửa khẩu theo quy định của pháp luật. Đối tượng nêu tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 2 Thông tư 19/2014/TT-BTC có trách nhiệm nộp đầy đủ 01 bộ hồ sơ đề nghị cấp giấy tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy cho Chi cục Hải quan làm thủ tục tạm nhập khẩu xe.
Bước 3: Kết thúc thủ tục thông quan đối với xe ô tô, xe gắn máy, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu xác nhận kết quả làm thủ tục tạm nhập khẩu xe ô tô, xe gắn máy vào 02 bản giấy tạm nhập khẩu xe và trả cho người khai hải quan 01 bản.