Dự thảo nghị định kinh doanh bia: Người tiêu dùng gánh thêm 2.000 tỉ đồng/năm?

0
333

Trong bài báo Dự thảo nghị định kinh doanh bia: Người tiêu dùng gánh thêm 2.000 tỉ đồng/năm? của tác giả Duyên Duyên trên báo điện tử motthegioi.vn, có nêu ý kiến của luật sư Nguyễn Thanh Hà, giám đốc công ty luật SBLAW, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài báo:

Dự thảo Nghị định kinh doanh bia vừa được Bộ Công thương lấy ý kiến đã quy định các sản phẩm bia trong nước hoặc nhập khẩu phải dán tem trên bao bì, và theo tính toán của Hiệp hội Bia – Rượu – NGK Việt Nam thì mỗi năm người tiêu dùng sẽ phải gánh thêm 2.000 tỉ đồng tiền tem dán.
Doanh nghiệp nói không cần thiết!
Nên hay không nên đưa ra quy định dán tem cho bia cũng là vấn đề chính được bàn luận tại Hội thảo Góp ý dự thảo Nghị định quản lý sản xuất kinh doanh bia do Hiệp hội Bia-rượu-NGK Việt Nam tổ chức ngày 12.11.
Theo ông Nguyễn Văn Việt – Chủ tịch Hiệp hội Bia – Rượu – Nước giải khát Việt Nam (VBA), bia là ngành công nghiệp rất quan trọng, có đóng góp lớn vào ngân sách quốc gia cũng như góp phần tạo công ăn việc làm, tạo thu nhập cho người lao động. Theo tính toán, năm 2013, ngành bia đã đóng góp cho ngân sách hơn 30.000 tỉ đồnỉ, cùng với 9 loại thuế khác nhau. Tính trung bình trong những năm gần đây, mỗi năm ngành bia cũng góp 35.000-36.000 tỉ đồng cho ngân sách Nhà nước.
“Ngành bia cũng tạo công ăn việc làm cho gần 68.000 người lao động trực tiếp, 45.000 lao động gián tiếp và lao động thương mại là gần 220.000 người. Tính chung lại, tổng số người lao động làm trong ngành bia cũng lên đến 332.000 người” – ông Việt cho biết.
Hiện nay, việc quản lý, quy hoạch ngành bia theo ông Việt cũng được thực hiện rất tốt và bia đang là sản phẩm đồ uống có độ cồn thấp, hầu như không có hàng lậu, hàng giả nên việc cơ quan soạn thảo đưa quy định dán tem cho bia trong dự thảo Nghị định kinh doanh bia là không cần thiết và gây tốn kém cho doanh nghiệp cũng như người tiêu dùng.
“Mỗi năm chúng ta đang sản xuất khoảng 3 tỉ lít bia, tương ứng với khoảng 10 tỷ sản phẩm bia. Nếu phải dán tem thì giá mỗi con tem vào khoảng 200 đồng, nhân với 10 tỷ sản phẩm bia thì chỉ riêng tiền mua tem đã tốn khoảng 2.000 tỷ đồng/năm. Đó là chưa kể tiền trang bị máy móc kỹ thuật để dán tem” – ông Việt nói.
Theo Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-NGK Việt Nam, với quy định dán tem bia sẽ làm tăng chi phí cho doanh nghiệp và kéo theo việc tăng giá thành, giảm lợi nhuận, giảm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, giảm sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong khi Việt Nam đang chuẩn bị tham gia sâu rộng vào các Hiệp định thương mại như EU, TPP… Quan trọng nhất, khi chi phí từ việc dán tem tăng lên thì cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng sẽ phải trả tiền nhiều hơn và người muốn uống bia phải chịu.
Đồng quan điểm với ông Việt, ông Phan Đăng Tuất – Chủ tịch Công ty nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) cũng cực lực phản đối quy định dán tem cho bia. Theo tính toán của Sabeco, nếu dán tem thì tính riêng với bia Sài Gòn sẽ tốn khoảng 920 tỉ đồng/năm, tức là tốn trung bình 696 đồng/lít bia.
“Chi phí xã hội sẽ ném cho người tiêu dùng, CPI tăng và các doanh nghiệp chật vật hơn trong kinh doanh. Chưa kể là sẽ phụ thuộc rất nhiều vào kỹ thuật vì dán tem phải chuẩn xác 100%, không chuẩn là vứt đi hết, lãng phí kinh khủng. Cho nên tôi xin các nhà làm Luật phải thấm đẫm hơn nữa vấn đề này” – ông Tuất bức xúc.
Phân tích vấn đề dưới góc độ pháp lý, ông Nguyễn Thanh Hà – Giám đốc Công ty Luật S&B cho rằng, mục đích của việc dán tem bia được đề cập trong dự thảo Nghị định kinh doanh bia đều đã được thể hiện và đáp ứng tại những văn bản quy định hiện hành. Cụ thể, tại quy định về gắn nhãn hàng hóa trên bao bì sản phẩm đã buộc các doanh nghiệp trong khi lưu hành hàng hóa trên thị trường phải tuân thủ luật sở hữu trí tuệ. Việc gắn mã số, mã vạch cũng đã đảm bảo vấn đề về nhãn hàng hóa trên bao bì, nên quy định phải dán tem cho bia sẽ làm tăng chi phí không cần thiết.
“Bên cạnh đó, đối với việc dán tem trên mũ bảo hiểm, thuốc lá… hiện nay cũng chưa đánh giá được hết tác động của việc này. Trong nhiều trường hợp như mũ bảo hiểm, rất nhiều cơ sở sản xuất luôn tem giả và dán vào đấy, nên cũng cần phải xem xét lại. Tại các quốc gia khác, khi đưa sản phẩm bia vào thị trường người ta cũng rất ít khi yêu cầu các doanh nghiệp phải dán tem” – ông Hà cho biết.
Cơ quan quản lý: Nên làm!
Đứng trên phương diện cơ quan quản lý, ông Huỳnh Văn Nam – Trưởng phòng chính sách thuế (Vụ Chính sách Thuế, Bộ Tài chính) bày tỏ quan điểm đồng tình với quy định dán tem cho bia của Bộ Công thương. Ông Nam cho biết, Chính phủ cũng đã đồng ý với Bộ Công thương về quy định dán tem bia và đã giao cho Bộ Tài chính thực hiện.
“Khi tham gia đề án, Bộ Tài chính ủng hộ việc dán tem. Nhưng sau khi rà soát và nghe ý kiến của các doanh nghiệp thì Bộ Tài chính đã đề nghị Bộ Công thương bổ sung làm rõ thêm một số vấn đề trong quy định dán tem bia như về công nghệ, máy móc, kỹ thuật để dán tem như thế nào? Đồng thời, lắng nghe ý kiến của Hiệp hội Bia-Rượu-NGK để đánh giá tác động của việc dán tem bia” – ông Nam nói.
Từ việc thực hiện dán tem cho rượu từ trước đó, ông Nam cũng thừa nhận đã gặp phải những vướng mắc vì chi phí cho việc dán tem không biết là tính cho doanh nghiệp hay tính cho Nhà nước.
“Nhưng thuộc về ai thì cũng phải tốn một khoản chi phí, và đứng dưới góc độ quản lý Nhà nước, nếu chịu khoản chi phí này thì cũng mất 1 khoản ngân sách. Tuy nhiên, nếu DN chịu chi phí này thì cũng không ảnh hưởng đến thu nhập của người lao động hay người tiêu dùng, chỉ là doanh nghiệp giảm một chút về mức lãi mà thôi, chúng tôi đã có tính toán kỹ vấn đề này” – ông Nam khẳng định.
Giữ vai trò chính trong việc xây dựng dự thảo Nghị định kinh doanh bia, ông Bùi Trường Thắng – Phó Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương) lý giải, việc xây dựng dự thảo Nghị định là dựa trên cơ sở chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Và đối với đề án dán tem bia, về phía các doanh nghiệp, không có doanh nghiệp nào muốn tăng chi phí và giám sát hoạt động của doanh nghiệp mình, tuy nhiên, trên cơ sở chỉ đạo và ý kiến từ nhiều Bộ ngành, ban soạn thảo đã xin chủ trương để triển khai một số nội dung.
“Với đề án dán tem cho bia, hiện nay chúng tôi đã thành lập một tổ liên bộ. Qua thời gian xây dựng và khảo sát, hiện nay đã hoàn thiện đến bước xây dựng hồ sơ mời các nhà cung cấp trong nước và nước ngoài cung cấp trang thiết bị để dán tem. Và hồ sơ này cũng có đầy đủ quy định về kỹ thuật, thẩm mỹ, giải pháp…
Đây là công cụ của quản lý Nhà nước và bia cũng thuộc mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt nên nguy cơ trốn thuế cao, hàng giả hàng nhái nhiều. Hiện chúng tôi đã báo cáo Thủ tướng và chờ Thủ tướng có ý kiến. Chúng tôi làm việc rất có trách nhiệm và tâm huyết, nên đề nghị doanh nghiệp bình tĩnh”- ông Thắng nhấn mạnh.
Duyên Duyên