Luật sư Nguyễn Thanh Hà phát biểu tại buổi hội thảo Đóng góp ý kiến Dự thảo Nghị định quản lý sản xuất và kinh doanh bia.

0
533

Nhận lời mời của Hiệp hội bia-rượu-nước giải khát Việt Nam, Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW đã có bài phát biểu tại buổi hội thảo Đóng góp ý kiến Dự thảo Nghị định quản lý sản xuất và kinh doanh bia.

Hội thảo diễn ra tại Khách sạn Fortuna, ngày 12 tháng 11 năm 2014.

Sau đây là toàn văn bài phát biểu:

Tính khả thi của Dự thảo Nghị định và vấn đề dán tem.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà, chủ tịch công ty luật SBLAW.

 

Kinh thưa các vị đại biểu,

Hôm nay, tôi rất vui mừng được đến dự và có bài tham luận nhằm góp ý cho dự thảo Nghị định quản lý sản xuất và kinh doanh bia của Bộ công thương trình Chính phủ ban hành.

Với tư cách là một luật sư, tư vấn cho nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước, tôi xin có ý kiến cụ thể như sau về dự thảo nghị định.

Nghị định ra đời nhằm thực hiện Quyết định 244 của thủ tướng chính phủ về chính sách quốc gia phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn đến năm 2020.

Tuy nhiên, có một số điểm trong dự thảo Nghị định theo quan điểm của tôi, cơ quan soạn thảo cần xem xét lại để đảm bảo tính khả thi của Nghị định và trợ giúp cho doanh nghiệp.

1.Về phạm vi áp dụng của dự thảo.

Theo quy định của Điều 1 Dự thảo có quy định “Nghị định này quy định về quản lý sản xuất, kinh doanh bia bao gồm các hoạt động sau: đầu tư, sản xuất, xuất khẩu, nhập khẩu, mua bán và các hoạt động khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh bia”.

Theo quan điểm của tôi, dự thảo nên bỏ câu hoạt động khác liên quan đến sản xuất, kinh doanh bia, câu này quá rộng và không được quy định trong dự thảo, vì vậy, sẽ rất khó xác định hoạt động nào là hoạt động khác.

Để đảm bảo tính khả thi và thống nhất áp dụng giữa doanh nghiệp và cơ quan chức năng, nên bỏ cụm từ này.

2.Về quy định Tem sản phẩm bia.

Dự thảo nghị định tại Điều 8, cụ thể như sau:

[Điều 8. Tem sản phẩm bia 

1. Sản phẩm bia sản xuất trong nước hoặc nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam phải dán tem trên bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm.

2. Bộ Tài chính quy định việc in, ban hành và quản lý sử dụng tem đối với sản phẩm bia sản xuất trong nước và sản phẩm bia nhập khẩu để tiêu thụ tại Việt Nam.

3. Sản phẩm bia sản xuất để xuất khẩu thực hiện việc dán tem theo quy định của nước nhập khẩu.]

Quy định như dự thảo của cơ quan nhà nước về việc dán tem sản phẩm với mục đich mục đích quản lý thống nhất từ khâu sản xuất (SX), nhập khẩu đến phân phối, bán lẻ đối với từng sản phẩm bia, từ đó loại bỏ các hành vi gian lận thương mại như khai gian sản lượng, buôn lậu, hàng giả, bảo vệ người tiêu dùng và các nhà sản xuất chân chính. Dán tem bia cũng làm tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước bằng việc giảm thiểu và loại bỏ gian lận về thuế.

Tuy nhiên, quy định này cũng rất khó quản lý được vấn đề sản xuất và lưu hành tem giả trên thị trường.

Bên cạnh đó, hiện tại, chúng ta đang áp dụng việc dán tem đối với các mặt hàng như rượu, thuốc lá, mũ bảo hiểm, nhưng việc dán tem đối với những mặt hàng này chưa hiệu quả, chưa giúp cho cơ quan chức năng trong việc chống nhập lậu, hàng giả hàng nhái.

Hiện tại, việc sản xuất của doanh nghiệp đều khó khăn, việc quy định dán tem vào từng sản phẩm khó khả thi về mặt kinh tế vì doanh nghiệp sẽ phải tiếp tục đầu tư để có một quy trình công nghệ dán tem,  tăng chi phí không cần thiết của doanh nghiệp mà hiệu quả không cao.

Việc dán tem còn tạo ra một thủ tục hành chính của việc xin cho, điều này đi ngược lại chủ trương của chính phủ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho kinh doanh.

Mặt khác, đối với sản phẩm bia hiện nay, các nhà máy và đơn vị nhập khẩu đều phải tuân thủ các quy định về sở hữu trí tuệ về nhãn hiệu, các quy định về gắn nhãn hàng hóa theo quy định của Nghị định số 89 của Chính phủ và Thông tư 2007 của Bộ Khoa học công nghệ, theo quan điểm của tôi, các quy định này cũng giúp rất nhiều cho công tác quản lý của cơ quan nhà nước. Quy định này cũng đã được đề cập tại Điều 7 của bản dự thảo.

Chính vì những lý do trên, tôi kính đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định tại Điều 8 của bản dự thảo, không quy định doanh nghiệp phải dán tem trên sản phẩm bia.

Luật sư Nguyễn Thanh Hà phát biểu tại Hội thảo

Luật sư Nguyễn Thanh Hà phát biểu tại Hội thảo góp ý dự thảo Nghị định quản lý sản xuất và kinh doanh bia.

 3.Về quy định Cấp giấy phép sản xuất bia.

Theo quy định tại Điều 4 khoản 1, có quy định như sau:

1.Hoạt động sản xuất sản phẩm bia phải đáp ứng các điều kiện và được cấp Giấy phép sản xuất bia theo quy định tại Nghị định này.

Theo quy định của khoản 1 Điều 12 về  Giấy phép sản xuất bia có quy định  

1.Thương nhân chỉ được quyền hoạt động sản xuất bia kể từ ngày được cấp giấy phép.

Theo quan điểm của cá nhân tôi, không nên quy định việc cấp phép sản xuất bia vì bia không phải là mặt hàng hạn chế kinh doanh, bên cạnh đó, quốc hội cũng đang sửa đổi luật đầu tư và luật doanh nghiệp theo hướng hạn chế các thủ tục hành chính, nhất là cơ chế “xin cho”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động kinh doanh.

Vì vậy, chỉ cần quy định các điều kiện để sản xuất bia và tăng cường công tác tiền kiểm và hậu kiểm đối với việc sản xuất.

 4. Về quy định các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về sản xuất, kinh doanh bia.

Theo quy định tại khoản 6 và 7 Điều 16 dự thảo có quy định:

6.[Kinh doanh sản phẩm bia tại các địa điểm: trường học, bệnh viện, công sở.]

7. Bán sản phẩm bia cho người dưới 18 tuổi.

Các quy định này cần cân nhắc có nên đưa vào dự thảo hay không vì khó có tính khả thi trên thực tế.

Giống với quy định là cấm hút thuốc là nơi công cộng, tuy nhiên, rất khó kiểm soát việc này.

5. Về quy định trách nhiệm của Bộ Y Tế.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 20. Trách nhiệm của Bộ Y tế

Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành có liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tác hại của lạm dụng bia: quy định lượng bia tối đa được bán cho một khách hàng sử dụng tại chỗ; quy định về thông tin, in cảnh báo trên nhãn sản phẩm về tác hại của lạm dụng bia.

Theo quan điểm của tôi, ban soạn thảo cũng cần cân nhắc vì rất khó khả thi trên thực tế khi đưa quy định định lượng bia tối đa được bán cho một khách hàng sử dụng tại chỗ

Trên đây là một số đóng góp và ý kiến của tôi về dự thảo Nghị định, kính mong các đại biểu thảo luận và cho ý kiến thêm.