Dựng rạp giữa đường, coi chừng phải bồi thường nặng

0
476

Trong bài viết Dựng rạp giữa đường, coi chừng phải bồi thường nặng đăng trên An ninh thủ đô điện tử có trích dẫn ý kiến của luật sư Nguyễn Thị Thu, luật sư của SBLAW, chúng tôi trân trọng giới thiệu nội dung bài báo:

ANTD.VN – Những ngày cuối năm là dịp cao điểm các gia đình tổ chức cưới hỏi, liên hoan, giỗ chạp. Để có nơi ăn uống, không ít hộ đã dựng rạp, kê bàn ghế ngay trên vỉa hè, lòng đường, hành lang chung cư gây cản trở việc đi lại chung.

Liên quan đến hiện tượng trên, ông Bùi Ngọc Hùng ở ngõ 189 đường Lạc Long Quân, quận Tây Hồ, Hà Nội chia sẻ, trên một số tuyến đường, dù lòng đường, vỉa hè khá chật chội với lưu lượng người qua lại đông đúc song một số hộ dân vẫn ngang nhiên chiếm dụng mỗi khi “nhà có đám”. Còn ở trong ngõ, mỗi khi rạp kiểu này xuất hiện, lối đi chung bị chiếm gần hết, những người hàng ngày qua lại khu vực đó có khi phải đi vòng đường khác.

Nguy hiểm nhất là trên các tuyến quốc lộ, có khi rạp chiếm tới 1/2 lòng đường, chỗ khách ngồi chỉ cách nơi xe tải đang chạy…1 tấm rèm mỏng! “Người bên trong rạp ngồi ăn uống, chúc tụng giữa khói bụi, tiếng ồn mà thấp thỏm không yên. Chỉ cần sơ sẩy một chút, cả chủ nhà, khách và người đi đường có thể mất mạng. Điều này là vô cùng nguy hiểm” – ông Hùng lo ngại.

Không chỉ cản trở giao thông, làm tăng nguy cơ xảy ra tai nạn mà việc kê ghế, bắc rạp tổ chức ăn uống ở những nơi công cộng có đông người qua lại còn tạo ra hình ảnh nhếch nhác, gây ô nhiễm môi trường. Đó là việc nấu nướng, xả rác bừa bãi, thậm chí còn xảy ra va chạm, cãi vã khi những người tham gia “quá chén”… Anh Nguyễn Văn Toàn ở khu đô thị Xa La, quận Hà Đông, Hà Nội cho biết, một số gia đình ở chung cư cũng tổ chức hiếu hỉ, nhất là liên hoan cuối năm.

Trong những dịp này, khu vực hành lang ở các tầng, sân chơi chung thường được trưng dụng. “Không chỉ khó khăn trong việc đi lại, các hộ dân trong khu vực còn tha hồ được thưởng thức mùi của các món ăn bốc lên nghi ngút cùng những lời chúc tụng với âm lượng vặn to hết cỡ. Nếu ai có ý kiến với gia chủ thì chỉ nhận được nụ cười trừ “thông cảm, nhà có việc”. Đơn vị quản lý thì đành làm ngơ với lý do… nhà nào chẳng có việc, mà có những việc trăm năm mới có một lần.

ảnh 1Rạp được dựng lên trong ngõ

Tai nạn xảy ra, có thể bị phạt nặng

Liên quan đến việc cấm sử dụng lòng, lề đường, pháp luật hiện hành đã có quy định về vấn đề này. Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt nêu rõ: Phạt tiền từ 2 – 3 triệu đồng đối với cá nhân, từ 4 – 6 triệu đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm như dựng rạp, lều quán, cổng ra vào, tường rào các loại, công trình tạm thời khác trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ; Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để họp chợ, kinh doanh dịch vụ ăn uống, bày, bán hàng hóa, sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị, rửa xe – luật sư Nguyễn Thị Thu, thuộc Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Trong trường hợp việc dựng rạp để phục vụ việc hiếu, hỉ lấn ra giữa đường dẫn đến tai nạn chết người thì cá nhân vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm theo Điều 203 BLHS về “Tội cản trở giao thông đường bộ”. Theo đó, người nào lấn chiếm, chiếm dụng vỉa hè, lòng đường; lấn chiếm hành lang bảo vệ đường bộ… gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khoẻ, tài sản của người khác thì bị phạt tiền từ 5-30 triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 3 năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 5-10 năm. Trường hợp vi phạm gây thiệt hại cho bên thứ ba thì phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người bị hại.

ảnh 2… và trên tuyến đường chính

Nâng cao ý thức, lối sống văn minh

Dưới góc độ văn hóa, theo PGS.TS Trịnh Hòa Bình – Phó Tổng Thư ký Hội Xã hội học Việt Nam, việc dựng rạp, tổ chức ăn uống khi có việc hiếu, hỉ tại lòng đường vỉa hè, hành lang chung cư đã khiến bộ mặt thành phố trở nên nhếch nhác. Bên cạnh đó, cách sống theo kiểu làng xã này dễ khiến người xung quanh  bị “vạ lây”, làm tăng nguy cơ gây ùn tắc và tai nạn giao thông.

Đành rằng gia đình nào cũng “có việc” và không phải ai cũng có điều kiện thuê nhà hàng, khách sạn để tổ chức, song mỗi người nên tôn trọng cuộc sống của những người xung quanh mình, không nên chỉ vì được việc của nhà mình mà ảnh hưởng tới hàng chục, hàng trăm người khác. Thử hỏi cuộc vui được tổ chức giữa lòng đường sẽ ra sao  khi khách đến dự cuộc vui đó hoặc những người đi đường ngang qua khu vực gặp tai nạn?

Để tránh xảy ra những sự cố đáng tiếc, mỗi gia đình cần có ý thức tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật và tôn trọng cộng đồng xung quanh, chỉ nên dựng rạp để tổ chức việc hiếu hỉ tại nhà văn hóa của địa phương hoặc các khu đất trống, tuyệt đối không được sử dụng đường giao thông, không gian chung làm nơi tổ chức việc riêng…