Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là nhằm định hướng, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, giúp doanh nghiệp hoạt động và phát triển dựa trên một nền tảng pháp lý ổn định, chắc chắn, bền vững, lâu dài. Theo đó, các doanh nghiệp được hỗ trợ một cách hoàn toàn công bằng, không phân biệt đối xử.
Trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, doanh nghiệp ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng kinh tế – xã hội của đất nước. Vì vậy, để tạo ra một môi trường pháp lý thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp, trong thời gian qua Nhà nước đã ban hành mới nhiều đạo luật quan trọng như: Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Doanh nghiệp năm 2014; Luật Đầu tư năm 2014; Luật Thương Mại năm 2005; Luật Cạnh tranh năm 2004; … và nhiều văn bản pháp luật khác liên quan đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Các văn bản pháp luật này đã tạo nên một khung pháp lý tương đối đầy đủ cho các doanh nghiệp hoạt động.
1. Sự cần thiết hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp Việt Nam
Hiện nay, ở Việt Nam, vấn đề hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã trở nên quen thuộc và không thể thiếu đối với cộng đồng doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp tham gia thị trường thì rất nhiều rủi ro pháp lý, mà doanh nghiệp thường sẽ gặp phải như: Rủi ro trong việc tranh chấp giữa các thành viên công ty; rủi ro trong việc tranh chấp với chính người lao động của doanh nghiệp mình; rủi ro trong việc tổ chức vận hành hoạt động và cơ cấu nội bộ của công ty; rủi ro trong hoạt động kinh doanh; rủi ro trong vay vốn tín dụng, … và thực tế là ngay cả khi doanh nghiệp phá sản thì cũng có rủi ro là “chết nhưng không được chôn”.
Việc được biết các thông tin pháp lý, các kiến thức pháp luật về kinh doanh đối với doanh nghiệp là rất cần thiết. Rất nhiều doanh nghiệp khi tham gia thị trường, nhưng không nắm rõ quy định của Luật Doanh nghiệp, sự quan trọng của Bản Điều lệ doanh nghiệp, dẫn đến việc tranh chấp thường xảy ra trong nội bộ doanh nghiệp; doanh nghiệp không nắm rõ quy định pháp luật về đấu thầu, nên thường thua thiệt trong hoạt động đấu thầu; doanh nghiệp không nắm rõ quy định pháp luật thương mại quốc tế, nên bị Chính phủ nước ngoài bắt giữ tàu biển, phong tỏa tài khoản ở nước ngoài… đấy là những vấn đề pháp lý rất cần được Nhà nước đặc biệt quan tâm hỗ trợ, bởi bản thân doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa như ở Việt Nam khó có thể tự mình thực hiện được và nhất là trong điều kiện kinh tế khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp cần hơn hết là sự hỗ trợ về mặt pháp lý từ Nhà nước để tăng cường năng lực cạnh tranh của mình.
Bên cạnh đó, thực tế hiện nay có nhiều chủ doanh nghiệp, nhà quản lý doanh nghiệp quan niệm rằng: pháp luật là câu chuyện của nhà nước đặt ra để trói buộc doanh nghiệp, và nếu không có “chạy chọt” để “cởi trói” thì dù có giỏi pháp luật đến mấy cũng không thể làm được. Thực tế cho thấy, tuy chưa hoàn toàn loại trừ được tham nhũng, tiêu cực, nhưng nếu doanh nghiệp am hiểu pháp luật, thì hoàn toàn có thể tự bảo vệ mình trước các rủi ro pháp lý trong kinh doanh, cũng như dễ dàng hơn trong các giao dịch hành chính đối với cơ quan nhà nước.
2. Hệ thống văn bản pháp luật quy định về hỗ trợ pháp lý dành cho doanh nghiệp hiện nay
Văn bản đánh dấu bước đột phá chính thức về cơ chế để hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là Nghị định số 66/2008/NĐ-CP của Chính phủ. Nghị định này quy định hình thức, nội dung hỗ trợ pháp lý, điều kiện bảo đảm hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. thức và thực hiện pháp luật tốt, thì hiệu quả quản lý nhà nước từ đó cũng sẽ tăng lên.
Nguyên tắc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định 66 được thực hiện đối với mọi doanh nghiệp, không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh và lĩnh vực hoạt động. Như vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng sẽ có cơ hội để thụ hưởng những lợi ích của chính sách này. Chính phủ cũng khuyến khích hoạt động hỗ trợ pháp lý được thực hiện bằng nhiều cách theo những hình thức phù hợp. Và một nội dung quan trọng là hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cần được thực hiện trên nguyên tắc có sự phối hợp giữa cơ quan nhà nước với các tổ chức đại diện của doanh nghiệp. Như vậy, vai trò của các hiệp hội, tổ chức xã hội của doanh nghiệp từ trung ương đến địa phương được xác định là hết sức quan trọng trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Ngược lại, Nghị định 66 cũng xác định trách nhiệm của doanh nghiệp là cần chủ động tìm hiểu pháp luật, bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế doanh nghiệp hoặc thuê luật sư tư vấn để giúp doanh nghiệp thực thi pháp luật đồng thời phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp trong việc thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý.
Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện bằng 2 phương thức là hỗ trợ chung và hỗ trợ cụ thể. Phương thức chung như xây dựng cơ sở dữ liệu pháp luật, ban hành các tài liệu hướng dẫn và tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp. Một nguyên tắc cần đảm là: Việc hỗ trợ là dành cho tất cả các doanh nghiệp chứ không phải dành riêng cho từng doanh nghiệp cụ thể. Ngoài phương thức hỗ trợ chung, Nghị định 66 còn quy định cách thức hỗ trợ cụ thể bao gồm giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp và tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp để từ đó hoàn thiện pháp luật. Về phương thức giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp thì Nghị định 66 quy định doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp. Như vậy trách nhiệm trong giải đáp pháp luật trước tiên thuộc về chính quyền địa phương. Chỉ trong trường hợp việc giải đáp pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh chưa đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu các Bộ có liên quan giải đáp, tức là cho phép các doanh nghiệp trực tiếp đề nghị cấp Bộ trả lời nếu thấy việc trả lời của địa phương là không đáng tin cậy. Tuy nhiên, quy định sau đây mới đáng chú ý, đó là: Việc giải đáp pháp luật của cơ quan nhà nước không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Theo Nghị định 66, Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi cả nước. Thực hiện quy định này, Bộ Tư pháp đã xây dựng chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, ngày 05/5/2008, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 585/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010 – 2014”. Chương trình được thực hiện thông quan 03 dự án cụ thể bao gồm Dự án “Hỗ trợ nâng cao chất lượng hoạt động thông tin pháp lý cho doanh nghiệp”, dự án “Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên một số hoạt động cụ thể” và dự án “Tăng cường năng lực cho các cơ quan, tổ chức thực hiện chức năng hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp”.
Để thực hiện chương trình, Quyết định 585 đưa ra các giải pháp đồng bộ bao gồm giải pháp về chính sách, giải pháp về cơ chế và giải pháp về chuyên môn.
Giải pháp về chính sách như khuyến khích các Luật sư, Luật gia, Tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên tư vấn pháp luật tham gia hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các địa bàn kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; hỗ trợ các tổ chức đại diện của doanh nghiệp để nâng cao năng lực thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thành viên; khuyến khích tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến sức mạnh của truyền thông khi huy động các phương tiện thông tin đại chúng như Đài truyền hình, truyền thanh, báo viết thực hiện tuyên truyền pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp.
Giải pháp về cơ chế như cơ chế huy động nguồn lực hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo hướng khuyến khích sự đóng góp nguồn lực xã hội hóa; cơ chế tổ chức triển khai bằng cách thành lập Ban chỉ đạo liên ngành đồng thời phân công trách nhiệm thực hiện các hoạt động của Chương trình cho từng cơ quan cụ thể; và cơ chế phối hợp nhằm tăng cường phối hợp công tác giữa các cơ quan nhà nước từ trung ương đến địa phương và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp và doanh nghiệp tham gia thực hiện chương trình.
Giải pháp về chuyên môn là giải pháp quan trọng nhất, có tính quyền định về hiệu quả của các giải pháp trên như bồi dưỡng, cập nhật kiến thức pháp luật và quy trình kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; thông tin, bồi dưỡng kiến thức cơ bản về pháp luật kinh doanh cho doanh nghiệp cũng như khuyến cáo các doanh nghiệp về những rủi ro pháp lý trong kinh doanh; kết hợp các phương thức truyền thống với các phương thức hiện đại trong việc bồi dưỡng, hỗ trợ pháp lý; đồng thời kết hợp việc xây dựng mô hình điểm để nhân rộng.
Mới đây, ngày 12/6/2017, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa đã chính thức được Quốc hội thông qua. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có một luật riêng về vấn đề này. Luật quy định về nguyên tắc, nội dung, nguồn lực hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức và cá nhân liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. doanh nghiệp nhỏ và vừa đóng vai trò quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế – xã hội của hầu hết các quốc gia trên thế giới, là động lực tăng trưởng, xương sống của nền kinh tế.
Thời gian vừa qua, Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc thiết lập và duy trì môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng và thuận lợi cho doanh nghiệp với các nhóm giải pháp tạo khung khổ pháp lý với quy trình, thủ tục hành chính đơn giản, minh bạch và hiệu quả, tăng cường khả năng tiếp cận nguồn lực và hỗ trợ mở rộng cơ hội sản xuất, kinh doanh, tiếp cận thị trường cho doanh nghiệp. Với việc Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa được thông qua một lần nữa minh chứng cho Đảng và Nhà nước đang rất quan tâm đến doanh nghiệp.
Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ra đời được cho là sẽ góp thêm động lực để thực hiện mục tiêu đến năm 2020, cả nước có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp hoạt động nhằm tạo động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Luật này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2018.
3. Thực trạng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp hiện nay
Thứ nhất, quy định và thực trạng giải đáp pháp luật còn nhiều bất cập
Trong những quyền lợi của doanh nghiệp, có lẽ cần thiết nhất là “Doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp”. Mà trong việc giải đáp pháp luật, thì việc giải đáp thắc mắc về các vụ việc cụ thể mới là điều các doanh nghiệp cần và mới thực sự có ý nghĩa, tác dụng. Thậm chí nhiều trường hợp, thông tư hướng dẫn cũng phải kèm theo các ví dụ cụ thể thì mới bảo đảm hiểu chính xác quy định. Tuy nhiên, những trường hợp này lại thuộc diện được loại trừ trách nhiệm giải đáp theo quy định: “Việc giải đáp pháp luật quy định tại Điều này không áp dụng đối với các yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp về những trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”.
Trên thực tế, đa số các văn bản giải đáp của các bộ là giải đáp về những tình huống cụ thể của doanh nghiệp. Như vậy, nếu cứ bám sát câu chữ, thì việc các Bộ đã và đang tích cực giải đáp pháp luật là đã làm quá yêu cầu của quy định hiện hành. Nhưng nếu chỉ dừng lại ở sự giải đáp chung chung mà không giải quyết các tình huống cụ thể, thì mục tiêu nhằm hỗ trợ tốt hơn thành ra lại hạn chế hơn thực tế đang diễn ra. Chưa nói cùng một vấn đề, thường ý kiến tư vấn pháp luật của luật sư rất khó được các cơ quan thừa hành công nhận, trong khi giải đáp của cơ quan nhà nước thì lại được mặc nhiên coi trọng như văn bản pháp quy.
Hiện nay, có một thực tế là, ngay nhiều công việc rõ ràng là thuộc trách nhiệm giải quyết của bộ, đã có những quy định cụ thể về thủ tục và thời hạn, mà còn thường xuyên bị chậm trễ, gây khó dễ, thì việc hỗ trợ cho doanh nghiệp lại càng khó được bảo đảm.
Điều cần nhất trong bối cảnh hiện nay của các doanh nghiệp, không chỉ là được tuyên truyền, đào tạo, phổ biến pháp luật mà là ở chỗ cần được tư vấn để giải quyết những vướng mắc thực tế, nhưng khi hỏi thì thường được giải đáp một cách chung chung, nên rất khó thực hiện, trong khi trên thực tế, vướng mắc cụ thể của doanh nghiệp này cũng là vướng mắc của nhiều doanh nghiệp khác. Nhiều trường hợp trên các website của Bộ, của UBND cấp tỉnh, của các cơ quan chuyên môn có phần giải đáp, nhưng chỉ là những câu hỏi giản đơn, thậm chí có mục giải đáp nhưng chẳng có câu hỏi lẫn câu trả lời.
Thứ hai, hỗ trợ thông tin pháp lý đã được tăng cường nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp
Theo đánh giá chung thì các Bộ, ngành trung ương và UBND, cơ quan chuyên môn cấp tỉnh ở địa phương đã có những “cú hích” trong hành động nhằm hỗ trợ pháp lý cho các doanh nghiệp như tăng cường hoàn thiện các trang thông tin điện tử, các tài liệu để phổ biến pháp luật. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều tổ chức đại diện cho doanh nghiệp thì khả năng tiếp cận thông tin pháp luật của doanh nghiệp hiện nay còn hạn chế.
Qua theo dõi Cổng thông tin điện tử của nhiều địa phương, nhận thấy trên các trang điện tử chính thức chỉ đăng những gì mà cơ quan đó muốn đăng, chứ không phải đăng những gì mà các doanh nghiệp cần. Nhìn chung vẫn còn thiếu nhiều văn bản và những văn bản đã có thì cũng khó tra cứu vì phần mềm quản trị website chạy rất chậm. Đặc biệt vô lý khi mà các website của Bộ thì thiếu rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản điều hành của chính Bộ mình, trong khi một số trang web kinh doanh thì lại có khá đầy đủ văn bản giải đáp của các Bộ, tất nhiên khi truy cập thì phải trả tiền. Hệ thống văn bản pháp luật hoặc văn bản điều hành được đăng tùy tiện, thiếu sự liền mạch, thiếu sắp xếp hợp lý, đôi khi còn lãng phí nguồn tài nguyên cũng như công sức của các cơ quan chức năng.
Thứ ba, nội dung các chương trình bồi dưỡng kiến thức pháp luật và nhận thức từ phía doanh nghiệp còn nhiều hạn chế
Trong thời gian qua, các chương trình triển khai đã đạt được những kết quả rõ rệt bởi sự hưởng ứng của các doanh nghiệp và sự phối hợp nhiệt tình của các cơ quan tham gia, đặc biệt ở địa phương. Nhiều Hội thảo và các chương trình bồi dưỡng được thực hiện ở nhiều địa phương, góp phần phổ biến kiến thức pháp luật cho các doanh nghiệp. Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đang ngày càng hội nhập, nên nhận thức về tầm quan trọng của kiến thức và kỹ năng kinh doanh nói chung và kiến thức pháp luật nói riêng của các doanh nghiệp đang từng bước được cải thiện.
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, đặc biệt là những chương trình sử dụng nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước còn tồn tại những hạn chế chủ yếu:
Một là, nhiều chương trình được thực hiện chưa sát với đòi hỏi của thực tiễn và những điều doanh nghiệp cần. Các chương trình bồi dưỡng thường lệ thuộc vào việc ban hành các văn bản mới, mà thiếu đi tính gắn kết tổng thể với hệ thống quy định nên người nghe tương đối khó nắm bắt và áp dụng. Việc thiết kế nhiều chương trình đào tạo còn mang tính chủ quan từ phía các cơ quan chủ trì chương trình, chưa có những điều tra, nghiên cứu cụ thể nhu cầu của doanh nghiệp.
Hai là, đa phần trường hợp là cán bộ quản lý doanh nghiệp nhà nước thì việc tham gia thường có tính chất chiếu lệ, do mệnh lệnh là chính chứ không xuất phát từ nhu cầu tự thân của các cán bộ quản lý doanh nghiệp. Do đó, việc phản hồi và tham gia vào quá trình học của họ là tương đối hạn chế. Điều đó cho thấy là đến thời điểm này, nhận thức của một bộ phận cán bộ quản lý doanh nghiệp về vai trò của kiến thức pháp lý cũng còn rất hạn chế. Khối doanh nghiệp ngoài quốc doanh tuy có khá hơn đôi chút, nhưng việc tập hợp gặp nhiều khó khăn vì không có cơ chế gì ràng buộc.
Bên cạnh đó, nhiều đại diện doanh nghiệp khi tham gia tập huấn, bồi dưỡng chỉ hướng đến việc giải đáp những vướng mắc cụ thể của mình, mà không biết thấy được rất có thể những vấn đề được trình bày trong chương trình sẽ giúp mình tránh được những vướng mắc về sau này.
4. Giải pháp nhằm phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp
Để khắc phục những hạn chế, bất cập ở trên, đồng thời góp phần phát huy vai trò của các tổ chức tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp trong việc hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, thiết nghĩ cần:
Thứ nhất, hoàn thiện khung pháp lý cho doanh nghiệp hoạt động
Việc ban hành các văn bản chính sách liên quan đến doanh nghiệp phải được thực hiện theo hướng tạo những điều kiện thông thoáng nhất cho doanh nghiệp hoạt động (như trong lĩnh vực đấu thầu, đất đai, thuế, đầu tư, phá sản doanh nghiệp…). Không làm chính sách theo lối “không quản được thì cấm hay hạn chế”, hay ban hành văn bản, chính sách thì tùy tiện, thiếu cân nhắc và xa lạ với thực tế đời sống thường ngày, giảm bớt các quy định, giấy phép can thiệp hành chính vào thị trường.
Thứ hai, tăng cường năng lực tiếp cận thông tin chính sách pháp luật cho doanh nghiệp
Việc xây dựng trang thông tin điện tử về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp là rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng, hiện nay chúng ta chưa có một chuyên trang riêng biệt về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, với đặc điểm chính của Việt Nam đa phần là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, hiện nay, chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa được ban hành rất nhiều, từ cấp Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương về các lĩnh vực như trợ giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa, về thuế cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, hỗ trợ công nghiệp phụ trợ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, chính sách khoa học công nghệ đối với doanh nghiệp, … Các văn bản này nằm tản mạn tại các bộ, ngành và địa phương và thực tế các doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam rất khó tiếp cận. Chính vì vậy, để phù với tinh thần của Hiến pháp năm 2013, đề nghị cần hình thành chuyên trang về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và liên kết đến các trang thông tin của các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp để cung cấp thông tin một cách có hệ thống các văn bản chính sách pháp luật đến được với doanh nghiệp. Hiện nay, Việt Nam cũng đang hoc hỏi kinh nghiệm của Hàn Quốc, khi mà nhu cầu doanh nghiệp được thúc đẩy và tầm vai trò của doanh nghiệp được nâng cao thì cách thức triển khai hoat động hỗ trợ như vậy là rất hữu ích.
Thứ ba, cần tuyên truyền, phổ biến để doanh nghiệp và cơ quan nhà nước không nên quan niệm chương trình hỗ trợ pháp lý là một món quà miễn phí từ nhà nước, như vậy mới đạt được hiệu quả
Đối với doanh nghiệp và các cán bộ quản lý của doanh nghiệp, cần nhận thức rõ đây là một chương trình lớn của nhà nước, và tốn kém, để dành cho việc nâng cao kiến thức và kỹ năng cho doanh nghiệp. Bởi vậy, với tư cách là người thụ hưởng chương trình, các doanh nghiệp cần được tuyên truyền để hiểu rằng, đây là một trong những cơ hội quan trọng để có được những kiến thức, kỹ năng có giá trị và hữu ích để áp dụng trong hoạt động kinh doanh của mình.
Thứ tư, thiết lập kênh thông tin thường xuyên nhằm cung cấp, trao đổi thông tin giữa các doanh nghiệp với các Sở Tư pháp tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Kênh thông tin này được thực hiện thông qua việc xây dựng và vận hành trang thông tin điện tử chính thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và các chuyên mục thông tin của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.
Thứ năm, tổ chức khảo sát kinh nghiệm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giữa các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương
Việc tổ chức khảo sát như trên nhằm để trao đổi kinh nghiệm, mô hình điểm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp từ đó rút ra bài học, xây dựng kế hoạch hỗ trợ doanh nghiệp hoàn thiện hơn. Ví dụ: hàng quý, tổ chức các tọa đàm, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các tỉnh đại diện cho các vùng, miền trên cả nước để trao đổi kinh nghiệm, mô hình điểm trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;
Thứ sáu, về xây dựng mạng lưới tư vấn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các vùng, địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn
Hiện nay, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam có hệ thống mạng lưới tại 49 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đó là các Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh, thành phố. Thực hiện sự chỉ đạo của Ban Quản lý Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015 – 2020 (Chương trình 585), Hiệp hội doanh nghiệp đã cử cán bộ tham gia tổ chuyên gia xây dựng đề án thí điểm xây dựng mạng lưới tư vấn pháp luật tại các các vùng, địa phương có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Trong năm 2016 và các năm tiếp theo, Hiệp Hội doanh nghiệp cần nhân rộng mạng lưới tư vấn pháp luật tại một số địa phương, mà đầu mối là các Hiệp hội doanh nghiệp các tỉnh là thành viên của Hiệp hội. Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam sẽ có trách nhiệm hướng dẫn các Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa địa phương làm tốt vai trò đầu mối khi triển khai mạng lưới tư vấn pháp luật cho các doanh nghiệp tại các địa bàn khó khăn tại các địa phương được lựa chọn.
Đồng thời, xây dựng và phát sóng thường xuyên các Chương trình kinh doanh và pháp luật trên Đài truyền hình Việt Nam và Đài tiếng nói Việt Nam cũng như các Đài phát thanh, truyền hình tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Xây dựng các chương trình đối thoại với doanh nghiệp giữa các cơ quan trung ương và các địa phương nhằm tạo sự thống nhất trong thực thi pháp luật của doanh nghiệp.
Thứ bảy, tăng cường công tác đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động dưới nhiều hình thức nhằm tuyên truyền khuyến cáo doanh nghiệp thực thi pháp luật
Thực tiễn trong những năm qua nhiều doanh nghiệp là hội viên của các hiệp hội doanh nghiệp tại địa phương phản ánh về Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam về những khó khăn của họ trong quá trình thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp do không có nguồn lực, đội ngũ cán bộ không có kỹ năng, không được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, do vậy, trong nội dung bồi dưỡng tăng cường cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam đề nghị các cấp có thẩm quyền, ngoài việc tập trung đào tạo bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho chủ sở hữu, người quản lý doanh nghiệp, chương trình cần tăng cường dành nhiều thời lượng cho chương trình bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ cho cán bộ thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đặc biệt là đội ngũ cán bộ Hiệp hội doanh nghiệp địa phương về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Thứ tám, cần xây dựng các tiêu chí cụ thể để đánh giá hiệu quả các chương trình hỗ trợ pháp lý. Nếu là chương trình bồi dưỡng thì phải đạt những tiêu chí gì, việc công khai thông tin pháp lý của cơ quan nhà nước phải đáp ứng những tiêu chuẩn nào?
Ví dụ đối với việc giải đáp thắc mắc của doanh nghiệp, cần lấy tiêu chí kịp thời, trả lời cụ thể rõ ràng để đánh giá. Người viết đề xuất là trên các trang thông tin điện tử của Bộ, UBND và cơ quan chuyên môn cấp tỉnh bên cạnh việc trả lời công văn yêu cầu giải đáp, còn cần phải cập nhật các công văn đề nghị giải đáp theo tuần khi có công văn được gửi đến, sau đó trả lời theo thời hạn. Việc đưa thông tin về những công văn được hỏi sẽ cho doanh nghiệp biết được công văn của mình đã được tiếp nhận và nghiên cứu, hạn chế tình trạng “ngâm” công văn hoặc lờ đi không trả lời, đồng thời để những doanh nghiệp khác nếu có vướng mắc tương tự sẽ theo dõi chờ câu giải đáp từ phía cơ quan nhà nước. Điều này hết sức quan trọng, để tránh tình trạng tiêu chí duy nhất để đánh giá hiệu quả chương trình là Chương trình đã giải ngân xong, còn mọi việc thì không có tiêu chí nào kiểm chứng cả.
Điều quan trọng nữa, đó là cần tập trung vào một số đối tượng cụ thể trong doanh nghiệp như hỗ trợ đối tượng là người quản trị hay người điều hành hay là lực lượng chuyên môn, nghiệp vụ của doanh nghiệp. Và điều cơ bản là muốn hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thì phải thông qua các “kênh” dẫn pháp luật thâm nhập vào doanh nghiệp. Những kênh quan trọng nhất là các tổ chức tư vấn, dịch vụ pháp lý và lực lượng pháp chế doanh nghiệp. Cần dành một nguồn lực đáng kể nhằm phát triển năng lực luật sư nội bộ doanh nghiệp để hỗ trợ cho chính doanh nghiệp, tiếp theo là phát triển năng lực của các công ty, văn phòng luật sư, thông qua đó để hỗ trợ pháp lý cho cả cộng đồng doanh nghiệp. Nghị định về Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã có lý khi xác định các doanh nghiệp có trách nhiệm “Chủ động tìm hiểu pháp luật, bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế doanh nghiệp hoặc thuê luật sư tư vấn để giúp doanh nghiệp thực thi pháp luật”. Nhưng, có một điều thực tế là, đội ngũ luật sư tư vấn doanh nghiệp còn thiếu, chưa đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Vì vậy, rất cần quan tâm đến việc xây dựng và phát triển lực lượng đóng vai trò then chốt, làm cầu nối thông suốt giữa kinh doanh và pháp luật.
Đồng thời, các kênh luật sư, pháp chế doanh nghiệp nói trên cần phải dựa vào những đầu mối hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đó là Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), là Câu lạc bộ Pháp chế Doanh nghiệp do Bộ Tư pháp bảo trợ và đặc biệt là các đầu mối trong từng lĩnh vực, ngành nghề là các vụ pháp chế của các bộ, các phòng pháp chế của các sở. Tuy nhiên, muốn thật sự có hiệu quả, thì nhất thiết cần phải bố trí một bộ phận chuyên trách thuộc các vụ và phòng pháp chế của các sở. Và đến lượt các đầu mối này cũng cần có một đầu mối chung để chỉ đạo, hướng dẫn về nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đó có thể là Vụ Pháp chế Doanh nghiệp hay một đơn vị tương tự thuộc Bộ Tư pháp hay Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoặc VCCI. Đầu mối này cần được giao trách nhiệm và kinh phí để xây dựng và duy trì một trang web, trong đó gồm có các phần chính như: Tổng hợp tất cả các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp; tổng hợp tất cả các công văn có nội dung quy phạm pháp luật liên quan đến doanh nghiệp; tổng hợp tất cả các nội dung giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp và là một diễn đàn trao đổi về pháp lý kinh doanh cho doanh nghiệp.
Nếu tập trung vào một số trọng tâm, trọng điểm trên thì tin rằng việc hỗ trợ pháp lý sẽ mang lại hiệu quả tốt cho doanh nghiệp, tránh xảy ra những rủi ro không đáng có. Góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia.