Giải quyết quyền lợi của người lao động khi chấm dứt Hợp đồng lao động do tử vong

0
660

Câu hỏi: Chúng tôi là doanh nghiệp nước ngoài (DN). Ngày 16/08/2016, chúng tôi và Người lao động ký kết hợp đồng lao động không xác định thời hạn và Người lao động bắt đầu làm việc cho doanh nghiệp từ ngày 16/08/2016.

Các chế độ và quyền lợi Người lao động được hưởng theo hợp đồng lao động bao gồm:

a) Mức lương hàng tháng là 800 USD

b) Có 20 ngày nghỉ phép/1 năm làm việc. Hiện tại Người lao động chưa sử dụng 20 ngày nghỉ phép của năm 2020 và 10 ngày nghỉ phép của năm 2021.

c) Bảo hiểm xã hội: DN nộp 22% trên tổng lương và Người lao động nộp 10,5% trên tổng lương.

Tiền lương tháng 13: mỗi năm làm việc Người lao động sẽ được hưởng 1 tháng lương 13 và được trả làm 2 lần trong 1 năm, trong đó một nửa vào tháng 7 của năm và một nửa còn lại trong tháng 12. Trường hợp Người lao động làm việc không đủ thời gian một năm thì sẽ được hưởng lương tháng thứ 13 tỷ lệ theo thời gian đã làm trong năm.

Theo đó, chúng tôi mong muốn được SB Law đưa ra ý kiến pháp lý tư vấn về việc giải quyết quyền lợi của người lao động khi chấm dứt Hợp đồng lao động do tử vong.

Trả lời: SB Law có ý kiến tư vấn như sau:

1.Các quyền lợi mà Người lao động được hưởng khi chấm dứt Hợp đồng lao động do tử vong

  • Theo thông tin DN cung cấp, chúng tôi hiểu rằng Người lao động đã tử vong tại nhà riêng vào ngày 18/06/2021. Do vậy, Hợp đồng lao động giữa DN và Người lao động sẽ chấm dứt theo trường hợp “Người lao động chết” quy định tại Điều 34.6 Bộ luật Lao động.
  • Theo quy định tại Khoản 1 Điều 46 và Khoản 1 Điều 48 Bộ luật lao động, khi Hợp đồng lao động bị chấm dứt do Người lao động chết, DN sẽ có nghĩa vụ như sau:

(i) Thanh toán các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của Người lao động theo quy định trong hợp đồng lao động, bao gồm: (i). Tiền lương tháng 6 năm 2021; (ii). Tiền lương ngày nghỉ hằng năm chưa sử dụng; (iii) tiền lương tháng 13; (iv) trợ cấp thôi việc.

(ii) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và trả lại bản chính các giấy tờ nhân thân của Người lao động (nếu Người sử dụng lao động đã giữ).

(iii) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của Người lao động nếu thân nhân của Người lao động có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu do Đại sứ quản trả.

1.3.Các khoản tiền liên quan đến quyền lợi của Người lao động nêu tại Mục 1.2 (i) nêu trên cụ thể như sau:

Tiền lương tháng 6 năm 2021

– Tiền lương hàng tháng của Người lao động là 800USD. Theo đó, Hợp đồng lao động giữa Người lao động và DN sẽ chấm dứt vào ngày 18/6/2021. Đồng thời, Người lao động sẽ được toán toàn bộ tiền lương từ ngày 01/06/2021 đến ngày 18/06/2021.

– Tiền lương của Người lao động sẽ được tính như sau: (800USD/22 ngày công của tháng) * 14 ngày làm việc thực tế = 509 USD.

Tiền lương ngày nghỉ hàng năm chưa sử dụng

– Theo thông tin DN cung cấp, Người lao động có 20 ngày nghỉ phép của năm 2020 và 10 ngày nghỉ phép của năm 2021 chưa sử dụng. Theo quy định tại Khoản 3 Điều 113 Bộ luật lao động, trường hợp do thôi việc mà chưa nghỉ hết số ngày nghỉ phép thì được DN thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ.

– Tại Khoản 3 Điều 67 Nghị định 145/2020/NĐ-CP quy định tiền lương làm căn cứ trả cho người lao động những ngày chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm là tiền lương theo hợp đồng lao động của tháng trước liền kề tháng người lao động thôi việc.

– Tiền lương tháng 5 của Người lao động là 800USD. Theo đó, DN sẽ phải thanh toán tiền lương của những ngày nghỉ phép chưa sử dụng của Người lao động như sau: (800USD/22 ngày công của tháng) * 30 ngày nghỉ phép = 1,091 USD.

Thanh toán trợ cấp thôi việc

– Theo quy định tại Điều 46 Bộ luật lao động, Người lao động sẽ được chi trả trợ cấp thôi việc, mỗi năm làm việc được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Trong đó, thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian Người lao động đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian người lao động đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp.

– Tuy nhiên, trong khoảng thời gian làm việc tại DN từ ngày 16/08/2016 cho đến ngày 18/6/2021, DN đã đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp và bảo hiểm y tế cho Người lao động theo quy định của pháp luật. Theo đó, DN không phải chi trả trợ cấp thôi việc cho Người lao động, trợ cấp thôi việc của Người lao động sẽ do cơ quan bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm chi trả.

Thanh toán tiền lương tháng 13

– Theo quy định trong Hợp đồng lao động, mỗi năm làm việc Người lao động sẽ được hưởng 1 tháng lương 13. Trường hợp Người lao động làm việc không đủ thời gian một năm thì sẽ được hưởng lương tháng thứ 13 tỷ lệ theo thời gian đã làm trong năm.

– Người lao động đã tử vong tại nhà riêng vào ngày 18/06/2021, do vậy, tiền lương tháng 13 của Người lao động sẽ được tính từ kể từ ngày 01/01/2021 đến ngày 18/06/2021 tương đương với 06 tháng, cụ thể:

800 USD/12 tháng của một năm * 6 tháng làm việc thực tế = 400 USD

1.4.   Từ những phân tích nêu tại Mục 1.3, khi chấm dứt Hợp đồng lao động do tử vong, DN sẽ có trách nhiệm thanh toán cho Người lao động Khoản tiền phúc lợi sau:

TT Khoản thanh toán Số tiền (USD)
Tiền lương tháng 6 năm 2021 509
Tiền lương ngày nghỉ hằng năm chưa sử dụng 1,091
Tiền lương tháng 13 từ ngày 01/01/2021 đến ngày 18/06/2021 400
Tổng cộng 2,000        

Khoản tiền phúc lợi nêu trên thuộc đối tượng chịu thuế thu nhập cá nhân. Do vậy, DN sẽ có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN khi thanh toán Khoản tiền phúc lợi, sau đó, thay mặt Người lao động nộp thuế cho cơ quan thuế.

  1. Thủ tục chi trả phúc lợi cho Người lao động

2.1. Theo quy định tại Điều 612 của Bộ luật dân sự, Khoản tiền phúc lợi của Người lao động được coi là di sản thừa kế. Do Người lao động tử vong đột ngột không có di chúc, cho nên di sản thừa kế sẽ được phân chia theo quy định của pháp luật. Vì vậy, Khoản tiền phúc lợi của Người lao động sẽ được thanh toán cho người thừa kế theo pháp luật.

2.2. Theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự, người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.

2.3.Theo thông tin DN cung cấp, Người lao động đã ly hôn, có 01 con trai 3 tuổi và bố mẹ đã mất. Theo đó, hàng thừa kế thứ nhất của Người lao động chỉ còn một con trai 3 tuổi.  Tuy nhiên, người thừa kế của Người lao động chưa đủ tuổi để thực hiện các giao dịch dân sự, do vậy con của Người lao động không thể trực tiếp nhận Khoản tiền phúc lợi từ DN.

2.4.Theo quy định tại Khoản 3 Điều 21 Bộ luật dân sự, giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi sẽ do người đại diện theo pháp luật của người đó thực hiện. Tiếp theo, theo quy định tại Khoản 1 Điều 73 Luật Hôn nhân và Gia đình, cha mẹ là người đại diện theo pháp luật của con chưa thành niên trừ trường hợp con có người khác làm giám hộ hoặc có người khác đại diện theo pháp luật. Như vậy, trong trường hợp này, vợ cũ của Người lao động sẽ là người thay mặt con trai để nhận Khoản tiền phúc lợi của Người lao động từ DN.

2.5.Khi thanh toán Khoản tiền phúc lợi, DN cần yêu cầu người giám hộ cung cấp tài liệu chứng minh là người đại diện hợp pháp theo pháp luật của con trai Người lao động gồm: bản sao Giấy khai sinh của con trai Người lao động, bản sao CMND của người giám hộ, DN có thể thanh toán Khoản tiền phúc lợi bằng hình thức chuyển khoản hoặc tiền mặt. Sau khi thanh toán Khoản tiền phúc lợi, DN nên yêu cầu người giám hộ ký văn bản cam kết với nội dung: (i) người giám hộ là người đại diện theo pháp luật hợp pháp của con trai Người lao động và có đủ năng lực hành vi dân sự nhận Khoản tiền phúc lợi; (ii) xác nhận đã nhận đủ Khoản tiền phúc lợi từ DN: (iii) cam kết không có bất kỳ khiếu nại gì kể từ thời điểm nhận được Khoản tiền phúc lợi.

  1. Các thủ tục liên quan khác

– Trong vòng 14 ngày kể từ ngày chấm dứt Hợp đồng lao động, DN có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp cho Người lao động tại cơ quan bảo hiểm. Để hoàn thành thủ tục này, Đại sứ quán cần thực hiện thủ tục báo giảm BHXH theo quy định tại Khoản 1 Điều 98 Luật bảo hiểm xã hội 2014. Theo quy định tại Điều 23 Quyết định 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017, hồ sơ báo giảm BHXH gồm các tài liệu sau: (i) Tờ khai đơn vị điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT (Mẫu TK3-TS); (ii) Danh sách lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN (Mẫu D02-TS); (ii) Bảng kê thông tin (Mẫu D01-TS).

– Ngoài ra, theo quy định tại Khoản 1 Điều 66 và Điều 69 Luật bảo hiểm xã hội 2014, thân nhân của Người lao động thuộc trường hợp hưởng trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất một lần. Theo đó, DN sẽ có trách nhiệm hỗ trợ thân nhân của Người lao động thực hiện thủ tục hưởng trợ cấp tại cơ quan bảo hiểm. DN sẽ cung cấp các tài liệu hỗ trợ thân nhân Người lao động hoàn thiện hồ sơ xin hưởng trợ cấp theo yêu cầu của cơ quan bảo hiểm.

 

Luật sư tư vấn luật lao động trong doanh nghiệp