Giải quyết trường hợp công ty không hoạt động sau thời gian dài

0
516

Câu hỏi: Xin Chào Luật sư, tôi có câu hỏi như sau: cách đây gần 2 năm tôi cùng với 1 cậu em mở 1 công ty TNHH 2 thành viên, trên giấy phép kinh doanh mình là chủ tịch, và cậu ấy là giám đốc điều hành. Sau đó mình có đi nước ngoài hơn 1 năm. khi trở về thì công ty không còn hoạt động, cậu giám đốc cũng đã xin đi làm nhân viên cho 1 công ty khác, nhưng công ty thì vẫn chưa hề làm thủ tục giải thể, cũng không hề nộp báo cáo thuế tháng, quý, năm hơn 1 năm nay. Bạn giám đốc cũng không biết đã thất lạc con dấu và giấy phép kinh doanh đâu rồi nữa. Vậy xin hỏi:

1.Nếu tôi ko làm thủ tục giải thể mà coi như công ty không còn hoạt động và các thành viên đã tự giải tán có được không?

2.Tôi đã đứng tên chủ tịch của công ty kia vậy bây giờ tôi mở công ty mới, hay tham gia cổ phần vào công ty khác có gặp khó khăn gì ko?

Xin cảm luật sư

Trả lời: Công ty Luật TNHH SB LAW cảm ơn bạn đã quan tâm đến dịch vụ tư vấn pháp luật của chúng tôi. Liên quan đến thắc mắc của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

Thứ nhất, về vấn đề Công ty đã ngừng hoạt động 2 năm mà không thông báo đến cơ quan đăng ký kinh doanh, cơ quan quản lý thuế. Việc ngừng hoạt động kinh doanh quá 01 năm mà không thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế được coi là hành vi vi phạm pháp luật về doanh nghiệp.

Theo đó, chế tài xử lý đối với hành vi này theo quy định tại Điều 211 Luật doanh nghiệp là thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty. Sau khi nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của công ty, công ty bạn có nghĩa vụ phải thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp. Trường hợp doanh nghiệp không thực hiện thủ tục giải thể trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, theo quy định tại Điều 36 Nghị định 50/2016/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư, doanh nghiệp có thể bị phạt hành chính với số tiền phạt từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

 Như vậy, bạn cần kiểm tra lại xem công ty đã nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp của cơ quan đăng ký kinh doanh hay chưa, trường hợp đã nhận được quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, bên bạn cần nhanh chóng tiến hành các thủ tục cần thiết cho việc giải thể doanh nghiệp như triệu tập họp HĐTV, ĐHĐCĐ, thông qua phương án giải quyết nợ trong trường hợp công ty còn nghĩa vụ tài chính chưa hoàn thành… Theo thông tin bạn cung cấp, do bên bạn đã bị thất lạc Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp và con dấu, do đó, công ty bạn cũng cần làm con dấu thay thế dấu đã mất và làm thủ tục cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước khi tiến hành thủ tục giải thể công ty.

Thứ hai, về việc thành lập doanh nghiệp mới, góp vốn vào doanh nghiệp

Luật doanh nghiệp hiện tại không hạn chế 1 cá nhân thành lập, quản lý nhiều doanh nghiệp khác nhau, trừ trường hợp doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh và doanh nghiệp 100% Vốn nhà nước. Do đó, với trường hợp này của bạn, bạn vẫn có quyền thành lập công ty hoặc góp vốn vào doanh nghiệp khác.