Giấy vay nợ viết tay có giá trị pháp lý hay không?

0
806

Hiện nay, không phải ai cũng nắm rõ các quy định của pháp luật về việc cho vay, trả nợ để tự bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình. Lợi dụng uy tín hay sự nhẹ dạ cả tin từ những người quen, bạn bè, không ít đối tượng đã huy động trót lọt hàng tỉ đồng và chiếm đoạt tiền chỉ bằng giấy nợ viết tay. Giải đáp cho vấn đề này, Luật sư Nguyễn Thanh Hà đã trả lời bài phỏng vấn nội dung cụ thể như sau: 

1.Xin ông cho biết những quy định liên quan đến giấy vay nợ, và trong trường hợp nào (các điều kiện) giấy vay nợ viết tay được coi là hợp pháp?

Trả lời:

Căn cứ tại Điều 463 Bộ luật dân sự 2015 về hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả và trả lãi nếu có thoả thuận hoặc khi pháp luật có quy định. 

Mặt khác, pháp luật hiện nay cũng chưa có quy định bắt buộc về hình thức của hợp đồng vay tài sản và cũng không yêu cầu phải công chứng hoặc chứng thực đối với hợp đồng vay. Điều 119 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định hình thức chung của giao dịch dân sự có thể được giao kết bằng lời nói, bằng văn bản hoặc hành vi cụ thể. Như vậy, hợp đồng vay tài sản hay giấy vay nợ viết tay cũng là một hình thức giao dịch dân sự được pháp luật thừa nhận. 

Tuy nhiên, để giấy vay nợ viết tay có hiệu lực pháp lý thì cần đáp ứng những điều kiện có hiệu lực của giao dịch dân sự nói chung và điều kiện của hợp đồng cho vay tài sản nói riêng được quy định tại Điều 117, Điều 463 và Điều 468 Bộ luật dân sự 2015. Theo đó, các điều kiện để giấy vay nợ viết tay có hiệu lực pháp lý như sau: 

+ Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được thành lập; 

+ Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện; 

+ Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội;

+ Có thể thoả thuận vụ thể về thời gian, số lượng; chất lượng khi hoàn trả cho bên cho vay tài sản;

+ Lãi suất cho vay (nếu có) không quá 20%/năm của khoản tiền vay

Như vậy, giấy vay nợ viết tay hoàn toàn có thể coi là một hợp đồng dân sự có hiệu lực pháp lý nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện trên. Do đó, trong trường hợp bên vay cố tình không hoàn trả nợ, thì văn bản này có thể được sử dụng là căn cứ pháp lý để khởi kiện đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giải quyết. 

2. Một số lưu ý dành cho người dân khi làm giấy vay nợ viết tay, tránh bị các đối tượng lợi dụng, chiếm đoạt tiền?

Trả lời:

Nhằm giảm thiểu nhất các rủi ro không đáng có khi xác lập giao dịch vay nợ bằng giấy viết tay thì người dân cần lưu ý một số điểm như sau:

Trước khi làm giấy vay nợ viết tay, bên cho vay cần tính đến các khả năng như dưới đây để bảm bảo bên vay sẽ thực hiện nghĩa vụ trả nợ theo giấy vay tiền khi đến kỳ hạn thanh toán: 

+ Thứ nhất, khả năng trả nợ của bên vay đối với khoản lãi và thời gian trả nợ gốc đã thoả thuận;

+ Thứ hai, phương án đòi tiền hợp pháp nếu người vay không trả; 

+ Thứ ba, các thoả thuận phạt vi phạm có thể đưa ra khi hai bên không thực hiện đúng các nghĩa vụ đã cam kết. 

Sau khi cân nhắc kĩ lưỡng các điểm trên, khi viết giấy vay nợ thì bên cho vay cần đảm bảo đủ văn bản phải đủ các nội dung sau: 

+ Thông tin bên vay: họ tên người vay, ngày sinh, số chứng minh thư nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, hộ khẩu thường trú, chỗ ở hiện tại. 

+ Thông tin bên cho vay: họ tên người cho vay, ngày sinh, số chứng minh thư nhân dân/ căn cước công dân/ hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp, hộ khẩu thường trú, chỗ ở hiện tại.

+ Nội dung tài sản vay và lãi suất vay: Bên vay tự nguyên vay của bên cho vay với số tiền là bao nhiêu bằng số và bằng chữ với lãi suất bao nhiêu phần trăm; thời hạn thanh toán là ngày cụ thể; phương thức thanh toán được thực hiện qua kênh cụ thể.

+ Thời điểm cho vay, mục đích cho vay

+ Cam kết của hai bên; 

+ Xác nhận của các bên, xác nhận của cơ quan có thẩm quyền như Uỷ ban nhân dân xã, phường hoặc xác nhận của người làm chứng

Trong trường hợp chưa chắc chắn với nội dung đã viết trong giấy vay nợ, người dân trước khi ký xác nhận nên tham vấn ý kiến của Luật sư hoặc người có chuyên môn trong lĩnh vực pháp luật để kiểm chứng tính chất pháp lý của văn bản. 

3. Mặc dù giấy vay tiền theo phân tích ở trên là hợp pháp nhưng thực tế có rất nhiều trường hợp, dù có giấy vay tiền nhưng bên vay vẫn cố tình không trả nợ. Vậy khi đó, phải làm gì để đòi lại tiền?

Trả lời:

Điều 466 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định, bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Do đó, khi đến kỳ hạn trả tiền mà Bên vay không có thiện chí trả thì Bên cho vay có thể khởi kiện dân sự kiện đòi tài sản buộc Bên vay phải có trách nhiệm trả tiền lại cho Bên cho vay đúng số lượng tiền gốc cũng như tiền lãi theo quy định pháp luật tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Trong trường hợp Bên vay có dấu hiệu bỏ trốn, muốn chối bỏ trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ thanh toán nợ thì Bên cho vay hoàn toàn có thể trình báo sự việc đến cơ quan công an và đề nghị cơ quan công an điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Bên vay.