Grab sẽ bị xử lý như thế nào nếu điều tra chính thức mà thương vụ này vi phạm luật cạnh tranh?

0
621

Luật sư Nguyễn Thanh Hà – Chủ tịch Công ty Luật TNHH SB LAW đã trả lời trên báo Việt Nam mới về vấn đề Uber sáp nhập vào Grab. Dưới đây là nội dung chi tiết:

1. Cục Cạnh tranh có kết luận: Kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.

Xin Luật sư cho biết, trong trường hợp điều tra sơ bộ và kết luận như trên thì Grab Việt Nam có bị xử lý gì hay không? Có phải dừng hoạt động hay không?

Trả lời:

Luật Cạnh tranh năm 2004 yêu cầu những trường hợp mua bán sáp nhập mà có ảnh hưởng lớn đến mức cạnh tranh của thị trường sẽ bị hạn chế.

Cụ thể Điều 18 Luật này quy định trường hợp tập trung kinh tế bị cấm nếu thị phần kết hợp của các doanh nghiệp tham gia tập trung kinh tế chiếm trên 50% trên thị trường liên quan.

Luật Cạnh tranh 2004 không có điều luật nào quy định doanh nghiệp trong quá trình điều tra về hành vi vi phạm cạnh tranh sẽ phải tạm dừng hoạt động.

Ngày 16/5/2018, Cục quản lý cạnh tranh đã đưa ra kết quả điều tra sơ bộ cho thấy việc tập trung kinh tế giữa Grab và Uber tại thị trường Việt Nam có thị phần kết hợp vượt ngưỡng 50%. Như vậy, vụ việc này có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế quy định tại Mục 3 Chương II Luật Cạnh tranh 2004.  Sau đó, Cục còn phải ra quyết định điều tra chính thức dựa vào kết quả sơ bộ nếu thấy có dấu hiệu vi phạm quy định về tập trung kinh tế.

Thời hạn điều tra chính thức đối với vụ việc thoả thuận hạn chế cạnh tranh, lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường, lạm dụng vị trí độc quyền hoặc tập trung kinh tế, thời hạn điều tra chính thức là một trăm tám mươi ngày, kể từ ngày có quyết định điều tra; trường hợp cần thiết, thời hạn này có thể được Thủ trưởng cơ quan quản lý cạnh tranh gia hạn, nhưng không quá hai lần, mỗi lần không quá sáu mươi ngày.

Như vậy, Grab sẽ có ít nhất 06 tháng hoạt động trước khi bị áp dụng hình thức phạt (nếu có).

2. Cục Cạnh tranh đang xem xét điều tra chính thức. Vậy nếu điều tra chính thức mà thương vụ này vi phạm luật cạnh tranh thì Grab sẽ bị xử lý như thế nào?

Trả lời:

Trong trường hợp Cục Cạnh tranh kết luận Grab có hành vi vi phạm Luật Cạnh tranh thì đơn vị này sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 118 Luật Cạnh tranh năm 2004 và Mục 3 chương II Nghị định 71/2014/NĐ-CP quy định chi tiết luật cạnh tranh về xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cạnh tranh, mức tiền phạt tối đa lên tới 10% tổng doanh thu của doanh nghiệp vi phạm trong năm tài chính trước năm thực hiện hành vi tập trung kinh tế vi phạm.

Ngoài ra bên cạnh việc phạt tiền, doanh nghiệp nhận sáp nhập còn có thể bị áp dụng các biện pháp phạt bổ sung hoặc khắc phục hậu quả khác như là buộc chia, tách doanh nghiệp đã sáp nhập, doanh nghiệp mua lại có thể buộc phải bán lại phần tài sản mà doanh nghiệp đã mua.